About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Tập tục sử dụng kỉ

TẬP TỤC SỬ DỤNG KỈ

          Thời cổ, việc sử dụng kỉ cũng có lễ chế nghiêm ngặt, có vị quan chuyên môn nắm giữ 5 loại kỉ. Căn cứ vào những hoạt động khác nhau mà sử dụng những loại kỉ đẳng cấp khác nhau. 5 loại kỉ lần lượt là: ngọc kỉ 玉几, điêu kỉ 雕几, đồng kỉ 彤几, tất kỉ 漆几, tố kỉ 素几 (Thuyết văn giải tự 说文解字 Đoàn chú 段注) Trong Chu lễ - Xuân quan – Tư kỉ diên 周礼 - 春官 - 司几筵 có ghi:
          Đại triều quan, đại hương xạ, phong quốc mệnh chư hầu, vương vị thiết tả hữu ngọc kỉ. Chư hầu tế tự hữu điêu kỉ; tộ tịch tả điêu kỉ. Điện dịch hùng tịch hữu tất kỉ; tang sự vi tịch hữu tố kỉ.
          大朝观, 大乡射, 封国命诸侯, 王位设左右玉几. 诸侯祭祀右雕几; 酢席左雕几. 甸役熊席右漆几; 丧事苇席右素几.
          (Phàm những lễ như: đại triều cận (nguyên tác in nhầm chữ “quan”), đại hương lễ, đại xạ lễ; hoặc phong kiến quốc gia, sách mệnh chư hầu, hai bên trái phải của đệm trúc cạnh vua đặt ngọc kỉ. Chư hầu tế tự tông miếu, bên phải đệm cỏ bồ đặt điêu kỉ; chư hầu tiếp thụ rượu tộ, bên trái đệm cỏ cói đặt điêu kỉ. Cử hành lễ săn bắn, bên phải đệm da gấu đặt tất kỉ; lễ tang bên phải đệm cỏ lau đặt tố kỉ)
          Và theo Tây kinh tạp kí 西京杂记 có ghi:
          Hán chế: Thiên tử ngọc kỉ, Đông tắc gia đề cẩm kì thượng, vị chi đề kỉ ….. Công Hầu giai dĩ trúc mộc vi kỉ, Đông tắc dĩ tế kế vi thác dĩ bằng chi, bất đắc gia đề cẩm.
           漢制: 天子玉几, 冬則加綈錦其上, 謂之綈几….. 公侯皆以竹木為几, 冬則以細罽為橐以憑之, 不得加綈錦.
     (Chế độ nhà Hán quy định: kỉ ngọc của Hoàng Đế, mùa Đông thì phủ lên gấm màu dày và láng, gọi là “đề kỉ”…..  Vương công chư hầu đều dùng trúc hoặc gỗ để làm kỉ, mùa Đông thì dùng tơ mịn may thành túi đặt trên kỉ để tựa, không được phủ tơ màu dày và láng lên trên kỉ.)
          Theo tập tục cổ đại, nhân kỉ thì ở bên trái, thần kỉ thì ở bên phải. Cho nên thông thường chỉ đặt kỉ bên phải. Nếu có đặt kỉ bên trái đó là một loại lễ đãi ngộ người già. Bên phải có 5 kỉ, đều là đặt cho thần linh hoặc tổ tiên.
          Kỉ đa phần có dạng hình chữ nhật, mặt phẳng, đương nhiên cũng có những cách dùng khác. Trong Thích danh 释名 có nói:
Kỉ, quỹ dã, sở dĩ quỹ vật giả dã. Âm quỹ, kì ý tắc cách.
, 庋也, 所以庋物者也. 音轨, 其意则格
(Kỉ là quỹ, là vật dùng để đồ vật. Âm là “quỹ”, ý nghĩa là “cách”)
“Cách” tức cái giá để đồ vật, có thể thấy kỉ có thể dùng để đựng đồ vật. Trong Hán Vũ Đế nội truyện 汉武帝内传  có câu:
Đế thụ Tây Vương Mẫu Ngũ nhạc chân hình kinh, quỹ dĩ hoàng kim chi kỉ
帝受西王母五岳真形经, 庋以黄金之几
          (Đế nhận Ngũ nhạc chân hình kinh của Tây Vương Mẫu, cất ở chiếc kĩ bằng vàng)
ở đây chính là lấy kỉ làm cái giá để đựng đồ vật.
          Kỉ, có lúc cũng được dùng làm vật để ngồi. Trong Nghiệp trung kí 邺中记 có ghi:
Thạch Hổ sở toạ kỉ, tất tất điêu hoạ, giai vi ngũ sắc hoa
石虎所坐几, 悉漆雕画, 皆为五色花
(Kỉ mà Thạch Hổ ngồi, tất cả là gỗ sơn chạm vẽ, đều là hoa ngũ sắc)
Có thể thấy tác dụng lúc bấy giờ cũng giống như loại án trước đó.
          Kỉ, cũng có loại chuyên để tựa khi ngồi, không có tác dụng khác. Loại kỉ này đa phần tương đối nhỏ và hẹp, mặt kỉ hơi lõm xuống. Có loại trên mặt còn chạm khắc hoa văn. Có loại chỉ là một khúc gỗ. Chiếc kỉ tựa phát hiện tại mộ Sở ở Tín Dương 信阳Nam 河南 chính là loại này.
          Từ thời Nguỵ Tấn đến Tuỳ Đường xuất hiện một loại kỉ 3 chân với dạng cong, tên là “bằng kỉ” 凭几. Đây cũng là loại chuyên để tựa khi ngồi. Loại kỉ này do bởi đặc điểm hình cong của nó, khi ngồi bất luận là tựa bên trái tựa bên phải hoặc ngã về trước hoặc ngửa ra sau đều tiện lợi. Như ở bức bích hoạ trong ngôi mộ thời thập lục quốc tại Đinh Gia Áp 丁家闸 ở Tửu Tuyền 酒泉 vẽ một nhân vật ngồi trên sạp, phía trước ngực đặt một chiếc kỉ 3 chân cong; chiếc kỉ bằng sứ phát hiện tại ngôi mộ số 7 ở Tượng Sơn 象山 Nam Kinh 南京; chiếc kỉ bằng sứ phát hiện tại mộ thời Lục triều ở Cam Gia hạng 甘家巷tại Nam Kinh南京; chiếc kỉ trong xe bằng trâu phát hiện tại ngôi mộ số 7 ở Tượng Sơn 象山 … Tóm lại, loại “bằng kỉ” này vào thời Lục triều đã sử dụng rộng rãi. Bằng kỉ còn có loại với 2 chân thẳng; như: bằng kỉ mà thị nữ bưng trong bức “Hiệu thư đồ” 校书图 thời Bắc Tề là một ví dụ.
          Loại gia cụ dùng để tựa ngoài án kỉ 案几, bằng kỉ 凭几, khúc kỉ 曲几 ra, còn có ẩn nang 隐囊(túi dựa), đây là một loại mới, xuất hiện vào thời Nam Bắc Triều. Cách làm là may một cái túi, bên trong bỏ đầy bông gòn, bên ngoài thêu các loại hoa văn trang sức. Túi mềm có thể tựa, tiện hơn cả bằng kỉ. Ở thiên Miễn học 勉学trong Nhan thi gia huấn 颜氏家训 có ghi:
          Lương triều toàn thịnh chi thời, quý tộc tử đệ, giá trường thiềm xa, cân cao xỉ lí, toạ kì tử phương nhục, bằng ban ti ẩn nang.
梁朝全盛之时, 贵族子弟, 驾长檐车, 跟高齿履, 坐棋子方褥, 凭斑丝隐囊
          (Thời kì toàn thịnh của triều Lương, con em quý tộc, đi xe mui dài, mang guốc gỗ cao, ngồi đệm vuông dệt bằng tơ, dựa ẩn nang làm bằng tơ tạp sắc.)
          Từ những tấm thạch khắc và tranh đương thời, chúng ta có thể thấy hình tượng của nó. Như ẩn nang trong tấm thạch khắc “Bệnh Duy Ma” 病维摩 thời Bắc Nguỵ ở động Tân Dương 宾阳 Long Môn 龙门, và ẩn nang mà thị nữ bưng trong bức “Hiệu thư đồ” 校书图 thời Bắc Tề. Loại dụng cụ này đến thời Tuỳ Đường vẫn còn được sử dụng. Như trong bức bích hoạ ở ngôi mộ số 1 đời Tuỳ tại núi Gia Tường Anh嘉祥英Sơn Đông 山东, vật phía sau nữ chủ nhân cũng là ẩn nang (Văn vật 文物, năm 1981, kì 4).
          Thư án từ thời Nam triều đến thời Tuỳ Đường cũng có sự thay đổi so với trước. Thư án đời Hán đa phần chân cong có thêm thanh gỗ dưới chân để chân án không chạm đất. Về sau dần diễn biến thành chân thẳng với thanh gỗ dưới chân. Án kỉ phía trước nữ chủ nhân trong bức bích hoạ ở ngôi mộ số 1 thời Tuỳ tại núi Gia Tường Anh 嘉祥英Sơn Đông 山东 là một ví dụ. Ngoài ra, chiếc án bằng sứ phát hiện ở ngôi mộ số 3 thời Namtriều tại núi Xích Phong 赤峰 Trường Sa 长沙 (Văn vật 文物, năm 1960, kì 2), bên ngoài chân án vẫn tạo đường nét tượng trưng. Mặt án cũng có sự biến hoá, từ mặt phẳng, phát triển thành hai đầu án uốn cong lên hoặc có đường gờ. Từ đó về sau, mặt án đa phần theo kiểu này, có loại án vẫn bảo lưu dạng chân cong nhưng đầu án đa phần lại uốn cong lên, như thư án trong bức “Phục Sinh thụ kinh đồ” 伏生授经图 của Vương Duy 王维đời Đường, án bằng đất nung phát hiện trong ngôi mộ đời Đường ở Sa Ngưu Giác 沙牛角 tại Trường Sa 长沙湖南, chính là những minh chứng tốt nhất. Từ giữa đời đường trở về sau, theo sự phổ cập của gia cụ có dạng cao, mọi người dần tiến vào thời đại ngồi buông thỏng chân. Kỉ, án dạng thấp sau này dần biến thành bàn và án loại lớn.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 20/6/2014

Nguyên tác Trung văn
KỈ ĐÍCH SỬ DỤNG TẬP TỤC
几的使用习俗
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI GIA CỤ
中国古代家具
Tác giả: Hồ Đức Sinh 胡德生
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1992

0 nhận xét:

Đăng nhận xét