NGUỒN GỐC TẾT ĐOAN NGỌ
Về nguồn gốc tết Đoan ngọ 端午, trong tư liệu sử sách có nhiều thuyết khác nhau, trong đó 4 thuyết tương đối có ảnh hưởng.
Thuyết thứ 1: cho rằng tết Đoan ngọ có nguồn gốc từ tập tục Hạ chí 夏至 vào thời tam đại Hạ Thương Chu.
Thuyết thứ 2: cho rằng tết Đoan ngọ bắt nguồn từ việc sùng bái totem rồng của dân tộc Ngô Việt thời cổ.
Thuyết thứ 3: cho rằng vào ngày tết Đoan ngọ cài nhánh ngải, treo xương bồ đều là để trừ bệnh tật trong những ngày mùa Hạ, tương ứng với cổ tục cho tháng 5 là “ác nguyệt” 恶月, mồng 5 tháng 5 là “ác nhật” 恶日, cho nên tết Đoan ngọ bắt nguồn từ thuyết ác nguyệt, ác nhật thời cổ.
Thuyết thứ 4: đây cũng là thuyết có ảnh hưởng lớn nhất trong dân gian, cách nhìn có phạm vị rộng nhất. Thuyết cho rằng tết Đoan ngọ là để kỉ niệm trung thần Khuất Nguyên 屈原 nhảy xuống sông Mịch La 汨罗tự tận. Khuất Nguyên người nước Sở thời Chiến Quốc khoảng năm hai mươi mấy tuổi được Sở Hoài Vương 楚怀王 tin dùng, đảm nhiệm chức quan Tả đồ 左徒 vị thứ chỉ đứng sau Tể tướng. Khuất Nguyên tích cực cách tân chính trị, nhưng gặp phải sự công kích và bài xích của nhóm cựu quý tộc. Về sau Sở Hoài Vương nghe lời gièm pha dần xa lánh ông. Sau khi Sở Khoảnh Tương Vương 楚顷襄王 lên kế vị đã đày ông xuống phương nam. Theo sử liệu, ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch năm 278 trước công nguyên, sau khi Khuất Nguyên nghe được tin quân Tần công phá đô thành nước Sở, lòng đầy bi phẫn, ông ôm đá nhảy xuống sông Mịch La tự tận, biểu hiện tinh thần sùng cao, kiên trì lí tưởng đến chết cũng không hối hận.
Tương truyền vào ngày tết Đoan ngọ trong dân gian có tập tục ăn bánh tống (tống tử 粽子 một loại bánh gần giống bánh ú), chính là để kỉ niệm nhà thơ yêu nước này. Truyền thuyết kể rằng, khoảng niên hiệu Kiến Vũ 建武 thời Quang Vũ Đế 光武帝nhà Đông Hán, có một người ở Trường Sa 长沙tên là Khu Khúc 区曲 nói với mọi người rằng: ông ta đã gặp được Tam Lư Đại Phu Khuất Nguyên, Khuất Nguyên có nói với ông ta:
Nhiều năm nay mọi người ném cơm xuống sông để tế ta, ta vô cùng cảm kích, nhưng đáng tiếc số cơm đó bị giao long đoạt mất. Sau này mọi người nếu như tế ta có thể lấy lá cây xoan bịt đầu ống trúc, dùng chỉ màu cột lại, bởi giao long rất sợ hai thứ này.
Mọi người bèn làm theo cách đó.
Bánh tống, người xưa gọi là “giác thử” 角黍. Trong một số trứ tác thời Đông Hán và thời Nam Bắc triều có nói đến bánh tống, nhưng không nói đến mối quan hệ giữa Khuất Nguyên với bánh tống, có thể thấy cách nói ăn bánh tống để kỉ niệm Khuất Nguyên hoàn toàn không phải nguồn gốc chân chính của tết Đoan ngọ, mà là xuất phát từ bách tính dân gian hoài niệm và kính yêu Khuất Nguyên, nhà thơ yêu nước vĩ đại. Về sau, bánh tống cùng với 2 loại bánh vào ngày tết Nguyên tiêu và tết Trung Thu được gọi là “tam đại tiết lệnh thực phẩm” 三大节令食品 của Trung Quốc.
Đến nay từ tư liệu trong sử sách, chúng ta có thể biết được 2 chữ “Đoan ngọ” được thấy sớm nhất trong quyển Phong thổ kí 风土记 của Chu Xứ 周处 đời Tấn. Trong quyển Kinh Sở tuế thời kí 荆楚岁时记 của Tông Lẫm 宗懔 của nhà Lương thời Nam triều khi chép về tết Đoan ngọ nói rằng: vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, mọi người ra ngoài đạp thanh, hái các loại thảo dược, dùng chỉ màu buộc ở cổ tay để trừ tai hoạ xua đuổi bệnh tật, hái cỏ ngải treo lên cửa dùng để xua tan khí độc, còn tổ chức hoạt động đua thuyền rồng. Văn Nhất Đa 闻一多 trong Đoan ngọ khảo 端午考 và Đoan ngọ đích lịch sử giáo dục 端午的历史教育 đã dùng sử liệu xác thực khảo chứng tết Đoan ngọ bắt nguồn từ hoạt động tế tự totem của dân tộc Ngô Việt phương nam thời cổ; dân tộc Việt thời cổ lấy rồng làm totem. Để biểu thị bản thân mình là thân phận “long chủng”, họ không chỉ có phong tục cắt tóc ngắn xăm mình, mà còn vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm tổ chức tế totem một cách long trọng. Trong đó có một trò chơi giống chúng ta đua thuyền ngày nay, đó chính là nguồn gốc của tập tục đua thuyền.
Thuyết kỉ niệm Khuất Nguyên ăn sâu vào lòng người, là do bởi ngàn năm nay, tinh thần yêu nước và phẩm cách cao thượng của Khất Nguyên đã cảm động mọi người. Mọi người truyền nhau sự tích của Khuất Nguyên, ảnh hưởng ngày càng lớn, ngày càng rộng, nhân đó thuyết kỉ niệm Khuất Nguyên chiếm địa vị chủ lưu.
Đua thuyền rồng
Ngoài ăn bánh tống ra, vào ngày tết Đoan ngọ còn có một hoạt động dân tục rất náo nhiệt, đó là đua thuyền rồng. Đua thuyền rồng còn gọi là “long chu cạnh độ” 龙舟竞渡, đại khái đã có lịch sử hơn 1500 năm.
Thời Nam Bắc triều đã có 3 thuyết liên quan đến nguồn gốc việc đua thuyền rồng. Một thuyết là để kỉ niệm Khuất Nguyên, theo thuyết này ngày mồng 5 tháng 5 Khuất Nguyên tự tận tại sông Mịch La, được dân nơi đó phát hiện, họ cố gắng chèo thuyền đến cứu, về sau diễn biến thành phong tục đua thuyền rồng được tổ chức vào ngày tết Đoan ngọ. Một thuyết khác cho là kỉ niệm đại tướng nước Ngô Ngũ Tử Tư 伍子胥. Một thuyết nữa có liên quan đến Việt vương Câu Tiễn 勾践. Ngô, Việt là vùng sông nước Giang nam , sông hồ khắp nơi, dân gian có tập tục dùng thuyền thay xe, nên rất có điều kiện hình thành tục đua thuyền.
Tục đua thuyền rồng lưu hành ở khu vực hạ du Trường giang cùng khu vực các dân tộc thiểu số phía tây nam. Hàng năm khi tổ chức hoạt động đua thuyền rồng, một số nơi có đến năm sáu chục thuyền đồng thời tham gia, trên mỗi đầu thuyền đều đặt đầu rồng tạc bằng gỗ đủ các kiểu, màu sắc tươi đẹp, hình thái khác lạ. Hiệu lệnh đua phát ra, các thuyền nhanh như tên bắn, như hổ xuống núi, dũng mãnh tiến lên. Trên thuyền trống chiêng inh ỏi, âm thanh từng trận. Hai bên bờ quần chúng hò reo trợ uy, tiếng hoan hô vang dậy trời đất. Đua thuyền rồng đã đem không khí trong ngày tết Đoan ngọ đẩy lên cao trào.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 02/6/2014
Tết Đoan Ngọ năm Giáp Ngọ
Nguyên tác Trung văn
ĐOAN NGỌ TIẾT ĐÍCH LAI LỊCH
端午节的来历
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
0 nhận xét:
Đăng nhận xét