KHỞI NGHĨA ĐẠI TRẠCH HƯƠNG
(tiếp theo)
Ngô Quảng nghe xong hoàn toàn tán thành chủ trương của Trần Thắng. Thế là họ lập tức chuẩn bị phát động khởi nghĩa. Người thời bấy giờ đều mê tín quỷ thần, hai người bèn nghĩ ra một số kế sách, lấy một mảnh lụa trắng, dùng chu sa viết lên 3 chữ lớn “Trần Thắng vương” 陈胜王, đem mảnh lụa đó nhét vào bụng một con cá mà người ta lưới được, binh sĩ mua về, mổ bụng cá phát hiện mảnh lụa có chữ, vô cùng kinh ngạc, lập tức nghĩ đến đó là thần linh tái hiện. Thế là một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng mấy chốc, “Trần Thắng vương” truyền khắp cả doanh trại.
Đến nữa đêm, Ngô Quảng lại lén chạy đến ngôi miếu cổ gần doanh trại, đốt lên bó đuốc, đầu tiên giả làm con hồ li kêu thật to, tiếp đó hét rằng: “Đại Sở hưng, Trần Thắng vương” 大楚兴, 陈胜王. Binh sĩ toàn doanh trại nghe được vừa kinh vừa sợ. họ đều tin là thần linh đang khải thị.
Một ngày nọ, hai tên quân quan uống rượu say, vô cớ đánh mắng mọi người. Ngô Quảng thừa cơ cố ý chạy đến khích quân quan, nói rằng: dù sao cũng đã trễ hạn rồi, hay là hạ lệnh cho mọi người giải tán về nhà. Hai tên quân quan nghe qua những lời đó quả nhiên đại nộ, mắt đỏ rực nhìn trừng trừng, cầm gậy đánh Ngô Quảng, còn rút gươm uy hiếp. Ngô Quảng đã chuẩn bị từ trước, xông lên đoạt lấy gươm thuận tay chém ngã một tên. Trần Thắng nhìn thấy hét to chạy lên dùng gươm giết chết tên còn lại.
Trần Thắng và Ngô Quảng lập tức triệu tập binh sĩ, Trần Thắng đứng trên gò cao nói với mọi người rằng:
- Chúng ta đã trễ kì hạn nhất định sẽ bị xử chết. Nam tử hán đại trượng phu không thể chết một cách uổng phí. Chết cũng nên chết đường hoàng, chết oanh liệt, trở thành anh hùng hào kiệt. Vương Hầu Tướng Tướng, lẽ nào số mệnh đã định sẵn. Trước mắt quan lại bức dân tạo phản, dân không thể không phản. Nay Trần Thắng tôi muốn thống lĩnh đại quân vùng dậy tạo phản đi dẹp trừ tên hoàng đế hôn dung kia! Không biết ý của anh em như thế nào?
Mọi người nghe qua những lời khảng khái của Trần Thắng, nhất tề hô vang:
- Đúng đúng, Trần Thắng vương, chúng tôi nghe theo ông.
Trần Thắng lập tức gọi anh em xây đài, lại may một lá cờ lớn. Trên cò viết một chữ “Sở” to như cái đấu. Mọi người ngước nhìn trời cất lời thề, chuẩn bị đồng tâm hiệp lực, thề chết lật đổ triều Tần. Binh sĩ tôn Trần Thắng, Ngô Quảng lên làm thủ lĩnh. Đội quân khởi nghĩa do 900 hảo hán tổ thành liền chiếm lĩnh Đại Trạch hương. Nông dân lân cận nghe tin cũng tấp nập đến hưởng ứng quân khởi nghĩa. Họ đem lương thực uý lạo binh sĩ, đám thanh niên tranh nhau vác cày vác bừa đến doanh trại đầu quân. Người đến đầu quân đông, không có đủ gươm giáo và cờ, họ liền chặt cây làm gươm giáo, đốn tre làm cán cờ. Như vậy Trần Thắng, Ngô Quảng đã kiến lập một đội quân khởi nghĩa nông dân oanh liệt lần đầu tiên trong lịch sử. Sử gọi sự kiện này là “yết can nhi khởi” 揭竿而起 (dựng cờ nổi dậy).
Trần Thắng, Ngô Quảng thống lĩnh quân khởi nghĩa giả xưng công tử Phù Tô, Hạng Yên, may cờ hiệu “Đại Sở”, hùng hậu dũng mãnh, thế như chẻ tre, không gì đương lại, sát địch công thành như gió quét mây tàn, đầu tiên đánh huyện Trần (nay là Hoài Dương 淮阳 Hà Nam 河南); Trần Thắng triệu tập phụ lão huyện Trần bàn cách đánh Tần. Mọi người xưng tụng rằng:
- Tướng quân thay thiên hạ bách tính báo thù, chinh phạt nước Tần bạo ngược. Công lao to lớn như thế, đáng phải xưng vương.
Trần Thắng được tôn làm vương, quốc hiệu là “Trương Sở” 张楚, ý nói mở rộng nước Sở.
Sau khi chính quyền Trương Sở thành lập, trong phút chốc đã nhóm lên ngọn lửa phản Tần, quân khởi nghĩa các nơi tấp nập hưởng ứng. (hết)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/4/2016
Nguyên tác Trung văn
ĐẠI TRẠCH HƯƠNG KHỞI NGHĨA
大泽乡起义
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
0 nhận xét:
Đăng nhận xét