TIẾT THANH MINH
Thanh minh 清明 là một trong 24 tiết khí lại là một tiết trong tháng 3, ở vào khoảng trước và sau ngày 5 tháng 4 dương lịch. Ghi chép sớm nhất về Thanh minh được thấy ở Hoài Nam Tử - Thiên văn huấn 淮南子 - 天文训:
Xuân phân hậu thập ngũ nhật, đẩu chỉ ất, vi Thanh minh
春分后十五日, 斗指乙, 为清明
(Sau Xuân phân 15 ngày, Bắc đẩu chỉ hướng thiên can Ất, hôm đó là Thanh minh)
Trong Tuế thời bách vấn 岁时百问 ghi rằng:
Vạn vật sinh trưởng thử thời, giai thanh khiết nhi minh tịnh.
万物生长此时,皆清洁而明净
(Muôn vật sinh trưởng lúc đó, đều thanh khiết và sáng trong)
Thời cổ, hai tiết Hàn thực 寒食 và Thanh minh清明tiếp liền nhau, hoạt động của Hàn thực thường kéo dài đến Thanh minh, lâu dần, hai tiết này không có sự phân biệt rõ. Phú Sát Đôn Sùng 富察敦崇 đời Thanh trong Yên Kinh tuế thời kí 燕京岁时记 ghi rằng:
Thanh minh tức Hàn thực, hựu viết Cấm yên tiết. Cổ nhân tối trọng chi, kim nhân bất vi tiết, đản nhi đồng đới liễu, tế tảo phần oanh nhi dĩ.
清明即寒食, 又曰禁烟节. 古人最重之, 今人不为节. 但儿童戴柳, 祭扫坟茔而已.
(Thanh minh tức Hàn thực, còn gọi là “Cấm yên tiết”. Người xưa rất coi trọng tiết này, người thời nay không xem là tiết, nhưng còn tập tục trẻ em đội cành liễu, cúng tế và tảo mộ)
Vào tiết Thanh minh, người xưa có các tập tục như tế tảo phần mộ, đạp thanh du xuân, đội cành liễu, cắm cành liễu, còn triển khai các hoạt động như thả diều, chơi cầu, đánh đu. Nơi cung đình vào tiết Thanh minh, triều đình ban cho cận thần “tân hoả” 新火 (lửa mới) (Hàn thực cấm lửa 3 ngày, đến tiết Thanh minh nhóm lửa mới lại, nên gọi là “tân hoả”) để thể hiện sự vinh sủng. …..
Tảo mộ 扫墓còn gọi là “mộ tế” 墓祭, “thướng phần” 上坟, phong tục này bắt nguồn từ đời Tần, nhưng lúc bấy giờ không nhất định phải tiến hành vào tiết Thanh minh. Tiết Thanh minh tảo mộ mãi đến thời Tuỳ Đường mới bắt đầu thịnh hành. Ngô Tự Mục 吴自牧đời Tống trong Mộng lương lục 梦梁录 nói rằng: hàng năm vào ngày này,
Quan viên sĩ thứ, câu xuất giao tỉnh phần, dĩ tận tư thời chi kính
官员士庶, 俱出郊省坟, 以尽思时之敬.
(Quan viên sĩ thứ đều ra ngoại thành thăm viếng mộ phần, để bày tỏ hết lòng kính trọng khi tưởng nhớ đến người đã mất)
….. Khi tảo mộ, theo lệ phải bày ra trước mộ lễ vật và món ăn, gọi là “án thái” 案菜. Nghi thức hành lễ có đọc văn tế, lần lượt quỳ lạy, nam trước nữ sau, thiêu đốt giấy tiền và văn tế. Vùng Giang Nam còn lưu hành tập tục đem những xâu tiền giấy treo ở đầu mộ, gọi là “quải mộ” 挂墓. Tế tự hoàn tất, người tế chính mời những người trong tộc đi tảo mộ dùng qua rượu và món ăn đã tế, gọi là “tản tộ” 散胙…..
Đạp thanh 踏青 còn gọi là “xuân du” 春游, thời cổ gọi là “thám xuân” 探春, “tầm xuân” 寻春. Theo ghi chép trong Cựu Đường thư 旧唐书:
Đại Lịch nhị niên nhị nguyệt Nhâm Ngọ, hạnh Côn Minh trì đạp thanh
大历二年二月壬午, 幸昆明池踏青
(Ngày Nhâm Ngọ tháng 2 năm Đại Lịch thứ 2, vua đến Côn Minh trì đạp thanh)
Có thể thấy, tập tục này đã lưu hành từ rất lâu. Đỗ Phủ 杜甫có câu:
Giang biên đạp thanh bãi
Hồi đầu kiến tinh kì
江边踏青罢
回头见旌旗
Bên sông vui hội đạp thanh xong
Quay đầu lại nhìn thấy đầy cờ xí
Đời Tống phong tục đạp thanh càng thịnh. Tranh phong tục “Thanh minh thượng hà đồ” 清明上河图của Trương Trạch Đoan 张择端thời Tống đã miêu hoạ cảnh tượng náo nhiệt vào tiết Thanh minh lấy Biện Kinh 汴京làm trung tâm. ….. Trong tiểu thuyết cổ điển, không ít câu chuyện tình ái của những đôi nam nữ thanh niên đều phát sinh trong lúc du xuân Thanh minh. Câu chuyện kết giao giữa Bạch Xà 白蛇và Hứa Tuyên 许宣 tại Tây hồ vào tiết Thanh minh chính là một trong những ví dụ nổi tiếng.
Phong tục đội cành liễu, cắm cành liễu theo truyền thuyết là để kỉ niệm vị tổ sư Thần Nông 神农 “dạy dân trồng trọt”, về sau phát triển thành nguyện vọng mong được trường thọ. Dân gian có câu:
Thanh minh bất đới liễu, hồng nhan thành hạo thủ
清明不戴柳, 红颜成皓首
(Vào tiết Thanh minh mà không cài cành liễu, thì cô gái xinh đẹp cũng trở thành bà lão)…..
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 04/4/2016
(Tiết Thanh Minh năm Bính Thân)
Nguyên tác Trung văn
THANH MINH TIẾT
清明节
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét