ÔNG LÃO TÓC DÀI CHỐNG GẬY ĐI
BÀN VỀ CHỮ “TRƯỜNG”
Trong giáp cốt văn, chữ 長 (trường) giống một ông lão tóc dài chống gậy mà đi. Chữ 长là chữ được giản hoá từ chữ長. Chữ 长 sau khi giản hoá, từ gốc có 8 nét, giảm còn 4 nét, tỉnh lược đi một nửa. Chữ 长 đã giản hoá, nét sổ móc phải là 1 nét, không ít người viết thành 2 nét. Nét bút sai, thì bút thuận cũng sẽ sai. Chữ 长 này, trước phẩy sau ngang, tiếp đó là sổ móc, cuối cùng là nét mác. Đó là căn cứ cách viết thảo thư giản hoá mà ra. Trong các chữ giản hoá, chữ căn cứ cách viết thảo thư mà khải hoá là rất nhiều, như 妇 (phụ) 办 (biện) 报 (báo) 断 (đoạn) 车 (xa) 头 (đầu) 归 (quy) 还 (hoàn) 尽 (tận) v.v… Đây đều có thể từ thảo thư mà suy đoán bút thuận của nó.
Quy luật mở rộng nghĩa của chữ 长 tương đối rõ. 长 từ nghĩa “trường” trong 长发(trường phát – tóc dài) dẫn đến nghĩa “trường” trong 长久 (trường cửu – lâu dài) biểu thị ý nghĩa thời gian. Người có một kĩ năng nào đó, tương tự với trường đoản, 长 lại dẫn đến nghĩa “trường” trong 擅长 (thiện trường– sở trường, khả năng đặc biệt), Như trong Phùng Uyển Trinh 冯婉贞 có câu:
Mạc như dĩ ngã sở trường công địch chi đoản.
莫如以我所长攻敌之短
(Chẳng bằng lấy sở trường của ta đánh sở đoản của địch)
Với vật quá dài sẽ cảm thấy dư nhiều, lại dẫn đến nghĩa 长(zhàng) (trượng) thừa, nhiều của vật. Trong Thế thuyết tân ngữ 世说新语 có ghi:
Tác nhân vô trượng vật
作人无长物
Tức làm người, không có một vật dư thừa nào bên cạnh. Thực vật dài ra (长: trường) tức lớn lên, cho nên dẫn đến nghĩa 长(zhang – thanh 3) (trưởng: lớn lên) tức “trưởng” trong “bạt miêu trợ trưởng” 拔苗助长 (nhón mạ giúp mau lớn), sau lại dẫn đến nghĩa 抚养 (phủ dưỡng– nuôi lớn). Như chữ 长 trong câu:
Trưởng ngã dục ngã
长我育我
(Nuôi ta lớn dạy dỗ ta)
ở bài Lục nga 蓼莪 trong Kinh Thi. Lại dẫn đến nghĩa “trưởng” trong 长者(trưởng giả), “trưởng” trong 长官 (trưởng quan). Chữ trưởng” trong ‘trưởng quan”, trong Hán thư – Bách quan công khanh biểu 汉书 - 百官公卿表 có nói rằng:
Huyện Lệnh, Trưởng, giai Tần quan, chưởng trị kì huyện. Vạn hộ dĩ thượng vi Lệnh ….. giảm vạn hộ vi Trưởng
县令, 长, 皆秦官, 掌治其县. 万户以上为令 ….. 减万户为长.
(Huyện Lệnh và Trưởng đều là chức quan triều Tần, cai quản huyện của mình. Huyện có vạn hộ trở lên là Lệnh ….. dưới vạn hộ là Trưởng)
Ở đây chính là nói, đời Hán quản lí huyện có vạn hộ trở lên xưng là “Lệnh”, quản lí huyện dưới vạn hộ xưng là “Trưởng”.
Do bởi chữ 长 có mấy âm đọc, cho nên trong cuộc sống thực tế thường xuất hiện tình huống khó phân biệt. Như 关云长(Quan Vân Trường/ Trưởng), có người đọc “trường” (cháng), cũng có người đọc “trưởng” (zhang – thanh 3). Trong Bội văn vận phủ 佩文韵府 xếp ở bình thanh, đọc “cháng” (trường). Cũng đọc như 司马子长 (Tư Mã Tử Trường). Thời trước gọi loại cao quan là “trượng lại” 长吏 (đọc zháng), nhưng có người đọc nhầm là “trưởng lại” (đọc cháng). Còn như chị của hoàng đế gọi là “Trưởng công chúa” 长公主, cô của hoàng đế gọi là “Thái trưởng công chúa” 大长公主, đều phải đọc là “trưởng” trong “trưởng bối”. Quách Mạt Nhược 郭沫若 trong Giáp Thân tam bách niên tế 甲申三百年祭 có viết:
Trưởng công chúa bị Sùng Trinh hoàng đế, khảm đắc bán tử.
长公主被崇祯皇帝, 砍得半死
(Trưởng công chúa bị hoàng đế Sùng Trinh chém đứt tay)
Trưởng công chúa ở đây là trưởng nữ của hoàng đế cũng đọc là “trưởng” (zhang - thanh 3). Âm đọc của chữ 长 trong thơ văn trước giờ cũng thường dẫn đến những tranh luận. Như trong giáo trình văn học từng tuyển chọn bài Quy điền viên cư 归田园居 của Đào Uyên Minh 陶渊明, có chữ 长 ở câu:
Đạo hiệp thảo mộc trường (trưởng)
道狭草木长
(Đường hẹp cây cỏ dài / lớn)
Có thuyết đọc là “trưởng” trong sinh trưởng. có thuyết đọc là “trường” trong đoản trường. Trong Bội văn vận phủ 佩文韵府 đọc theo thuyết sau.
Từ “trường đoản” 长短 có nhiều cách giải thích:
Chỉ độ dài ngắn, như độ dài ngắn của sự vật, độ dài ngắn của bài văn, độ cao thấp của con người.
Chỉ thị phi, như thơ của Nguyên Hiếu Vấn 元好问 có câu:
Lão lai lưu đắc thi thiên thủ
Khước bị hà nhân thuyết đoản trường
老来留得诗千首
却被何人说短长
(Lao đây lưu lại được ngàn bài thơ
Nhưng lại bị người ta nói thị phi)
Trường đoản còn có nghĩa là “phản chính” 反正 (dù sao đi nữa), như Bạch Cư Dị 白居易 trong bài Tức sự kí Vi Chi 即事寄微之 đã viết:
Bão noãn cơ hàn hà túc đạo
Thử thân trường đoản thị không hư
饱暖饥寒何足道
此身长短是空虚
(Đói no ấm lạnh sao đủ để nói
Thân này dù sao đi nữa cũng hư không)
Chú của người dịch
Chữ 长 (dạng phồn thể長)trong từ điển chú như sau:
Hán Việt từ điển của Thiều Chửu có 3 âm đọc:
1- Trường: dài, lâu dài, xa, thường, hay, tài
2- Trưởng: lớn, tuổi cao hơn, hàng thứ nhất, đứng đầu, lớn lên …
3- Trướng: chiều dài, nhiều, thừa
(trang 723, 724)
Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan cũng có 3 âm đọc:
1- Trường: dài, lâu, xa xôi, thường, giỏi, kéo dài giọng ra
2- Trưởng: tuổi cao, tuổi thành người, người đứng đầu một số đông, lớn lên, sinh ra, lớn hơn, chuộng.
3- Trượng: nhiều dư, đo chiều dài ngắn.
(trang 1521, 1522)
Khang Hi tự điển
1- cháng(âm Bắc Kinh hiện đại)
Quảng vận 廣韻, Tập vận 集韻 phiên thiết là “trực lương” 直良. Chính vận 正韻 phiên thiết là “trọng lương” 仲良. Đều có âm đọc là 場(trường), trái nghĩa với “đoản”
2- zhang(thanh 3) (âm Bắc Kinh hiện đại)
Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều phiên thiết là “triển lưỡng” 展兩, âm 掌 (chưởng – trưởng), nghĩa là lớn tuổi, đứng đầu.
3- zhàng(âm Bắc Kinh hiện đại)
Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là “trực lượng”, âm 仗 (trượng). Đo dài ngắn gọi là “trượng”. Ở Tập vận 集韻 còn có nghĩa là “dư”.
4- zhàng(âm Bắc Kinh hiện đại)
Chính vận 正韻 phiên thiết là “tri lượng” 知亮, âm 障 (chướng – trướng), nghĩa là tăng nhiều.
(Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2002, trang 1317)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 03/4/2016
Nguyên tác Trung văn
TRỤ TRƯỢNG NHI HÀNH ĐÍCH TRƯỜNG PHÁT LÃO NHÂN
拄杖而行的长发老人
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phục Đán Đại học xuất bản xã, 1998
0 nhận xét:
Đăng nhận xét