About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Khởi nghĩa Đại Trạch hương

KHỞI NGHĨA ĐẠI TRẠCH HƯƠNG

          Để kháng cự Hung Nô, Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 cho xây Trường thành, phát 30 vạn binh, trưng tập mấy chục vạn dân công; để khai phá phương nam, động viên 30 vạn quân dân. Tần Thuỷ Hoàng còn dùng 70 vạn tù phạm, động công kiến tạo cung A Bàng 阿房 (1) cực lớn. Sự ngang ngược tàn bạo, xa xỉ cùng cực của Tần Thuỷ Hoàng đương nhiên gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân. Các nơi trong cả nước đều ủ sự đấu tranh phản kháng sự thống trị bạo ngược của vương triều Tần. Khi Tần Nhị Thế lên ngôi, áp bức bách tính lại càng hơn nữa, sự bạo ngược càng vượt xa cả Tần Thuỷ Hoàng; Nhị Thế trưng tập điều động mấy chục vạn tù phạm và dân công tu tạo lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng một cách quy mô. Ngôi mộ rất lớn và rất sâu, dùng một số lượng lớn đồng nấu chảy đổ làm móng, bên trên xây nhà bằng đá cùng mộ đạo mộ huyệt. Nhị Thế còn sai người đào sông hồ, cho đổ thuỷ ngân vào, sau đó mới táng di thể Tần Thuỷ Hoàng vào nơi đó.
          An táng xong, để đề phòng ngày sau có thể có người đào trộm mộ, Nhị Thế đã sai thợ lắp đặt thiết bị ám khí giết người trong mộ huyệt, cuối cùng tàn nhẫn đem toàn bộ số thợ làm mộ chôn trong mộ đạo, không để một ai sống sót.
          Mộ chưa hoàn thành, Nhị Thế và Triệu Cao 赵高 lại tiếp tục xây dựng cung A Bàng. Tiếng kêu than của bách tính đầy đường, trong nước có nguy cơ.
          Năm 209 trước công nguyên, quan địa phương Dương Thành 阳城 (nay là phía đông nam huyện Đăng Phong 登封tỉnh Hà Nam 河南) sai 2 quân quan áp giải 900 phu dịch đến Ngư Dương 渔阳(nay là phía tây nam Mật vân 密云thành phố Bắc Kinh) để phòng thủ việc xây thành. Từ đám tráng đinh này, quân quan chọn ra 2 người tương đối có uy tín làm đồn trưởng, bảo họ quản lí những người khác. Hai người này, một người tên Trần Thắng 陈胜, người Dương Thành, làm trưởng công cho người ta, còn người kia tên Ngô Quảng 吴广, người Dương Hạ  阳夏 (nay là huyện Thái Khang 太康Nam), một nông dân nghèo khổ.
          Từ nhỏ, gia cảnh của Trần Thắng bần hàn, cuộc sống gian khổ đã tạo ông tính nhẫn nại chịu khó. Lúc thanh niên, ông lại là người có chí hướng.
          Một lần nọ, Trần Thắng cùng nhóm bạn nghỉ bên đám ruộng, ông nói với đám bạn rằng:
          - Tương lai, người nào trong chúng ta giàu sang, chớ có quên bạn bè.
          Đám bạn nghe qua cảm thấy buồn cười, nói với Trần Thắng rằng:
          - Ông suốt ngày đem sức ra làm cho người ta, ở đâu mà giàu sang được?
          Trần Thắng than, tự nói một mình:
          - Chim yến chim sẽ làm sao biết được chí của  chim hồng chim hộc.
          Trần Thắng và Ngô Quảng vốn không biết nhau, về sau khi làm phu dịch, gặp nhau, đồng bệnh tương lân cả hai nhanh chóng trở thành bạn bè. Sau khi họ được làm đồn trưởng, chỉ sợ chậm trễ, hàng ngày nôn nóng đưa đám người đi lên phía bắc, nhưng mưa to liền mấy ngày không tạnh.
          Khi họ đến Đại Trạch hương 大泽乡 (làng Đại Trạch) (nay là phía đông nam huyện Túc 宿 tỉnh An Huy 安徽) trời cao không giúp, mưa to luôn mấy ngày, nước ngập đường, phá huỷ cầu cống, không thể thông hành. Bọn họ đành dựng trại lưu lại nghỉ ngơi, đợi trời tạnh sẽ lên đường.
          Pháp lệnh của triều Tần rất nghiêm khốc, bị trưng làm phu dịch nếu trễ hạn kì, bất luận nguyên nhân gì cũng đều bị chém đầu.
          Đối mặt với nguy cơ tử vong, họ không muốn ngồi đợi chết. Đêm khuya, Trần Thắng lén bàn cùng Ngô Quảng:
          - Nơi đây cách Ngư Dương còn mấy ngàn dặm, nếu mưa liên miên, e rằng chúng ta không kịp kì hạn, lẽ nào chúng ta lại phải chết một cách uổng phí?
          Bỏ trốn bị bắt lại sẽ chết, vùng dậy tạo phản cũng chết. Đều là chết cả, sao bằng vùng dậy tạo phản, chết như thế không đáng hơn sao. Bách tính chịu sự thống khổ của triều Tần đủ rồi. Nghe nói Nhị Thế là người con nhỏ của Tần Thuỷ Hoàng, vốn không được làm hoàng đế, người lên ngôi phải là thái tử Phù Tô 扶苏, mọi người đều đồng tình Phù Tô; lại nữa, đại tướng nước Sở là Hạng Yên 项燕từng nhiều lần lập công lớn, nổi danh bốn biển, hiện cũng không biết ông ấy sống chết ra sao. Nếu chúng ta mượn danh nghĩa Phù Tô và Hạng Yên vùng dậy tạo phản, kêu gọi người trong thiên hạ lật đổ sự thống trị của triều Tần, người nước Sở nhất định sẽ hưởng ứng chúng ta. Như vậy việc lớn có thể thành. Ông xem thử thế nào?  (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Về chữ trong tên cung 阿房:
          Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm “phòng” và “bàng”. Với âm “bàng” ghi rằng:
A bàng 阿房 tên cung điện của nhà Tần.
                              (Nxb tp/ Hồ Chí Minh, năm 1993, trang 223)

          Trong Khang Hi tự điển 康熙字典:
          - bính âm fáng.
 Đường vận 唐韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều phiên thiết là PHÙ PHƯƠNG 符方, âm (phòng).
          - bính âm páng.
Quảng vận 廣韻phiên thiết là BỘ QUANG 步光
          Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻phiên thiết là BỒ QUANG, đều âm (bàng). Trong Quảng vận 廣韻 ghi rằng:
A Bàng, Tần cung danh
阿房, 秦宮名
(A Bàng là tên một cung nhà Tần)
          (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, năm 2002, trang 362)

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 14/4/2016

Nguyên tác Trung văn
ĐẠI TRẠCH HƯƠNG KHỞI NGHĨA
大泽乡起义
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007

0 nhận xét:

Đăng nhận xét