正气清白, 留于乾坤
宁守浑噩而黜聪明, 留些正气还天地; 宁谢纷华而甘澹泊, 遗个清白在乾坤.
(菜根谭 - 立德修身)
CHÍNH KHÍ THANH BẠCH, LƯU VU CÀN KHÔN
Ninh thủ hồn ngạc nhi truất thông minh, lưu ta chính khí hoàn thiên địa; ninh tạ phân hoa nhi cam đạm bạc, di cá thanh bạch tại càn khôn.
(Thái căn đàm – Lập đức tu thân)
CHÍNH KHÍ THANH BẠCH, LƯU CÙNG TRỜI ĐẤT
Làm người nên giữ trọn bản tính thuần phác tự nhiên, vất bỏ thông minh cơ tâm xảo trá, và cũng cần lưu lại chính khí hạo nhiên cùng trời đất; nên tạ tuyệt với những cám dỗ phồn hoa, cam chịu sống cuộc đời đạm bạc, và cũng cần để lại thanh danh trong sạch với thế gian.
Giải thích và phân tích
Trong Trang Tử - Khắc ý 庄子 - 刻意 có câu:
Chúng nhân trọng lợi, liêm sĩ trọng danh, hiền sĩ thượng chí, thánh nhân quý tinh.
众人重利, 廉士重名, 贤士尚志, 圣人贵精.
Quá độ từ chúng nhân đến thánh nhân lấy việc tu luyện làm nấc thang, đồng thời cũng là quá trình dần biến đổi con người thoát khỏi sự ràng buộc của danh lợi. Người thánh minh thích hoà thuận cùng ngoại vật, ghét tư lợi mà bản thân mong cầu; vì cá nhân mong cầu tư lợi, đối với thánh nhân là một chứng bệnh nghiêm trọng.
Trong dòng sông lịch sử, cho dù là kẻ sĩ anh dũng minh đức, cũng có lúc không tránh khỏi bị cuốn vào trong, thậm chí nhất thời cơ tâm tranh đấu, cũng có người vì đó mà mất mạng, cũng có người nhân đó mà được lợi được danh, nhưng chung quy lại chẳng qua chỉ là phù hoa như mộng, để lại cho người đời sau những cảm khái thở than lúc tửu hậu trà dư.
Thời Tề Cảnh Công 齐景公, Điền Khai Cương 田开疆dẫn quân đi chinh phục nước Từ 徐, có công mở rộng biên cương làm cho nước hùng mạnh; Cổ Dã Tử 古冶子có công chém rùa cứu chúa; Công Tôn Tiệp 公孙捷do Điền Khai Cương tiến cử có công đánh hổ cứu chúa. Ba người này kết làm anh em, tự hiệu là “Tề bang tam kiệt” 齐邦三杰. Để tưởng thưởng công lao của họ, Tề Cảnh Công ban cho vinh dự “ngũ thặng chi tân” 五乘之宾. Theo thời gian, ba người họ ỷ công cậy mạnh, không chỉ ngạo mạn với công khanh, mà trước mặt Cảnh Công cũng không giữ lễ nghi. Thậm chí kết bè đảng, dần trở thành mối hoạ tiềm ẩn đến sự an nguy của đất nước. Tướng quốc nước Tề là Án Anh 晏婴 vô cùng lo lắng, tìm cách trừ khử bọn họ.
Một ngày nọ, Án Tử từ hậu hoa viên hái 2 trái đào, rồi nói với 3 người rằng, công lao của ai lớn nhất sẽ được ăn một trái.
Đầu tiên, Công Tôn Tiệp ưỡn ngực nói rằng mình từng đánh chết con hổ trắng giải cứu cho chúa công. Thế là Án Tử đưa cho một trái đào. Cổ Dã tử không phục, đứng lên và nói rằng mình từng giết chết con rùa lớn giữa Hoàng hà, cứu tính mạng của chúa công. Thế là Án Tử đem trái đào còn lại đưa cho ông ta. Nhưng, lúc bấy giờ Điền Khai Cương cũng đứng lên nói rằng mình cũng từng phụng mệnh đi đánh nước Từ, bức nước Từ phải đầu hàng, đặt an địa vị minh chủ cho đất nước, công lao của ông ta mới là lớn nhất. Án Tử nhìn thấy Cổ Dã Tử và Công Tôn Tiệp đã ăn hết đào, liền nói với Cảnh Công rằng:
- Công lao của Điền tướng quân là lớn nhất, nhưng đào đã ban hết rồi, đành đợi đào chín nữa rồi ban.
Tề Cảnh Công cũng nói”
- Công lao của Điền tướng quân là lớn nhất, đáng tiếc là đã chậm quá rồi.
Điền Khai Cương tự cho rằng đó là sự sỉ nhục, công lớn mà không được ăn đào, thế là rút kiếm tự sát. Cổ Dã Tử và Công Tôn Tiệp nhân vị công nhỏ mà được ăn đào cảm thấy sỉ nhục nên cũng tự sát.
Câu chuyện lịch sử “nhị đào sát tam sĩ” 二桃杀三士 nổi tiếng này, người đời sau không biết đã có biết bao lời bình phán giải thuyết. Kì thực bất luận chúng ta đứng ở giác độ nào đó để đánh giá, điều mà có nhiều nhất trong câu chuyện này, kì thực chính là cái tâm bị ngoại giới trói buộc, mất đi bản chân. Án Tử tuy mưu liệu cho đất nước, nhưng thủ đoạn của ông ta cũng có ít nhiều tàn nhẫn. Điền Khai Cương, Công Tôn Tiệp, Cổ Dã Tử nếu không phải vì công lợi tranh nhau, cuối cùng cũng sẽ trúng kế của Án Tử, đến mức cũng phải xấu hổ mà chết.
Chính vì như thế mới có nhiều bậc trí giả nhân nhân đề xướng “lưu ta chính khí hoàn thiên địa”, “di cá thanh bạch tại càn khôn”. Cho dù chấp trước cũng sẽ khiến họ và vinh hoa phú quý chẳng có duyên, thậm chí thân cận với tử thần, mất mạng chốn suối vàng.
“Ninh tạ phân hoa nhi cam đạm bạc” có thể mang đến cho chúng ta luồng sinh khí mới. Một người với phù hoa không màng, với danh lợi không cầu, tất cả cứ thuận theo tự nhiên, tuy sẽ không đại phú đại quý, chí ít có thể làm cho bản thân mình không phải hối hận. Nói một cách cụ thể, xử lí vấn đề vướng mắc, không mất chính khí; kiếm tiền mưu sinh, không nhắm ở chỗ hưởng thụ vật chất, đối đãi với người, chân tâm thành thực; cá nhân tu dưỡng, không dưỡng vọng tâm, mà luôn khiêm tốn hoà nhã. Làm được mấy điều đó, cá nhân đó cũng có thể nhấm nháp được chân ý của rễ rau.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 01/9/2016
Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét