过俭者吝, 过谦者卑
俭, 美德也, 过则为悭吝, 为鄙吝, 反伤雅道; 让, 懿行也, 过则为足恭, 为曲谨, 多出机心.
(菜根谭 - 立德修身)
QUÁ KIỆM GIẢ LẬN, QUÁ KHIÊM GIẢ TI
Kiệm, mĩ đức dã, quá tắc vi khan lận, vi bỉ lận, phản thương nhã đạo; nhượng, ý hành dã, quá tắc vi túc cung, vi khúc cẩn, đa xuất cơ tâm.
(Thái căn đàm – Lập đức tu thân)
KIỆM QUÁ MỨC THÀNH BỦN XỈN,
KHIÊM QUÁ ĐỘ THÀNH THẤP HÈN
Trong cuộc sống, tiết kiệm là một mĩ đức, nhưng nếu tiết kiệm quá mức trở nên keo kiệt bủn xỉn, tính toán từng chút một; làm tổn thương đến nhã thú giao tiếp với người. Trong xử sự, khiêm nhường là một hành vi cao thượng, nhưng nếu khiêm nhường quá độ, khom lưng uốn gối, dè dặt từng tí một; khiến người ta cảm thấy trong lòng quá nhiều mưu tính.
Giải thích và phân tích
Giản dị tiết kiệm vốn là một mĩ đức, nhưng tiết kiệm quá mức chính là tiểu khí, sẽ biến thành kẻ nô lệ giữ của vi phú bất nhân, như vậy sẽ làm tổn thương đến mối giao tiếp chính đạo. Khiêm nhường cũng vốn là một mĩ đức, nhưng nếu quá mức sẽ biến thành kẻ khom lưng uốn gối chuyên lấy lòng người khác, như vậy sẽ khiến người ta có cảm giác thấy mình nhiều toan tính.
Làm người cần phải có tiết tháo phẩm hạnh mới có thể đứng vững, nếu tiết kiệm đến mức bủn xỉn, khiêm nhường đến độ giả tạo, thế thì mục đích tiết kiệm ở đâu, rốt cuộc của khiêm nhường là gì? Tiết kiệm là mĩ đức, thái quá sẽ tổn thương đại nhã; khiêm nhường là mĩ hành, thái quá sẽ mất đi thái độ bình thường. Cho nên, trong việc xử thế, “quá” và “bất cập” đều không thể dùng đến, chỉ cần hợp với hoàn cảnh là được. Giám sinh họ Nghiêm trong Nho lâm ngoại sử 儒林外史 với tính quá tiết kiệm của mình mà có tên là con quỷ keo kiệt.
Khi Nghiêm giám sinh bệnh nặng, bà con đều đến thăm. Tối đến nhà chật cả người, trên bàn thắp một dĩa đèn. Nghiêm giám sinh khò khè liên hồi, rút cánh tay từ trong mền ra giơ lên 2 ngón. Người cháu lớn chạy đến hỏi:
- Chú Hai, có phải còn 2 người bà con chưa đến gặp mặt phải không?
Ông ta lắc đầu hai ba cái. Một người cháu nữa chạy đến hỏi:
- Chú Hai, có phải còn 2 món tiền, chú chưa dặn rõ phải không?
Ông ta đưa mắt nhìn trân trân, rồi lắc lắc đầu, ngón tay chỉ càng gấp. Bà vú bế đứa bé chen lời:
- Lão gia nhân lúc 2 cậu không có mặt, cho nên nhớ.
Nghe mấy lời đó, ông ta nhắm nghiền mắt lắc đầu, ngón tay chỉ không động đậy. Bà Triệu vội gạt nước mắt, chạy đến nói:
- Ông à, mấy người kia nói không đúng rồi, chỉ có tôi hiểu được ý của ông! Ông vì dĩa đèn kia đốt 2 ngọn tim, không an tâm, sợ lãng phí dầu.
Đến lúc bà Triệu lấy ra một ngọn tim đèn, ông ta mới gật gật đầu thở ra.
Nhà Nghiêm giám sinh có đến mười mấy vạn lạng bạc, a hoàn vô số, ruộng cả vạn mẫu, ngoài ra trong huyện thành còn có tiệm cầm đồ hơn hai mươi mấy gian, mỗi ngày thu nhập ít nhất cũng mấy trăm lạng bạc. Buồn cười là một người với gia tài đồ sộ mà lại vì 2 ngọn tim đèn mà “chết không nhắm mắt”, tiết kiệm đến mức đó, mọi người chỉ có thể gọi ông ta là “con quỷ keo kiệt” để “tán dương”.
Còn như mọi người cho tiết kiệm là mĩ đức, từ xưa đến nay, hiền thánh các đời không ai là không chủ trương khiêm tốn, xem kiêu ngạo như rắn độc như thú dữ, không kịp tránh. Trên thực tế, khiêm tốn quá sẽ biến thành một loại nhu nhược. Con người mang trên lưng sự tôn nghiêm đi trên đường đời mấp mô khác nhau, cao thấp khác nhau, sẽ gặp phải những người khác nhau, mỗi người họ đều có sở trường riêng, đều có đặc điểm riêng, đáng để chúng ta học tập, lấy đó làm gương. Muốn học sở trường của người khác, chúng ta phải khiêm tốn, bởi khiêm tốn là pháp bảo để con người ứng xử, đối với một người kiêu ngạo tự đại không có ai nói ra kinh nghiệm hoặc những thu hoạch quý báu của mình. Lúc bấy giờ mọi người cúi mình, có lẽ sẽ cảm thấy rất mệt, bởi vì trên lưng còn phải vác sự tôn nghiêm. Cảm giác mệt mỏi đó luôn nhắc chúng ta cần phải khiêm tốn, nhưng không được thấp hèn.
Một hoạ gia nổi tiếng khắp gần xa mỗi khi có một hoạ gia trẻ tuổi đến nhà xin thọ giáo, ông luôn nhẫn nại cho họ xem tranh và chỉ bảo. Đối với thanh niên tài năng có tiềm lực, ông càng tận tâm tận lực, không tiếc hao phí thời gian vẽ tranh của mình. Có một lần, một hoạ gia hậu bối cảm kích đối với sự quan tâm của vị tiền bối, lão hoạ gia mỉm cười và kể một câu chuyện:
- 40 năm trước, một thanh niên đem bức tranh mình vẽ đến kinh đô, muốn xin một vị hoạ gia tiền bối mà anh ta kính ngưỡng chỉ bảo cho. Vị hoạ gia tiền bối nọ nhìn thấy chàng thanh niên này là kẻ vô danh tiểu tốt, ngay cả bức vẽ cũng không bảo mở ra, đã thoái thác hạ lệnh đuổi khách. Chàng thanh niên ra đến cổng, quay đầu lại nói rằng: “Đại sư, ngài hiện tại đang đứng trên đỉnh núi cao, nhìn xuống tôi vô danh tiểu tốt, quả thật tôi vô cùng nhỏ bé. Nhưng ngài cần phải biết rằng, tôi từ dưới núi nhìn lên, ngài cũng như thế, vô cùng nhỏ bé”. Nói xong chàng thanh niên quay người bước đi. Sau đó chàng thanh niên phát phẫn dốc chí học nghề, cuối cùng đạt được thành tựu trong giới nghệ thuật.
Chàng thanh niên đó chính là lão hoạ gia lúc còn trẻ, ông ta lúc nào cũng nhớ đến lần gặp gỡ lạnh nhạt đó, luôn nhắc nhở mình, hình tượng một người có cao lớn hay không, hoàn toàn không phải ở vị trí họ đứng, mà là ở nhân cách, tấm lòng và sự tu dưỡng của họ.
Chàng hoạ gia trẻ trong câu chuyện khiêm tốn, nhưng khiêm tốn không đại biểu cho việc phải vất bỏ sự tôn nghiêm của mình, đối mặt với sự coi thường khinh miệt của vị tiền bối, anh ta không một mực khiêm tốn dạ dạ vâng vâng, mà là cao ngạo đáp lại.
Khiêm tốn là một loại mĩ đức xuất phát từ nội tâm, là thứ mà mọi người cần phải nỗ lực để có được. Nhưng mọi việc cần phải thích hợp, nếu khiêm tốn mà lấy sự tôn nghiêm để đánh đổi, thì mĩ đức sẽ không còn là “mĩ”. Con người không thể có tính khí kiêu ngạo, nhưng không thể không có cốt cách kiêu ngạo. Cho dù bản thân mình có chỗ không bằng người ta, cũng cần phải luyện cho được ngạo cốt, không ngừng nỗ lực, vì sự thành công của mình mà tích luỹ kinh nghiệm.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 25/9/2016
Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét