About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Các vị thần được sùng bái trong hôn lễ

CÁC VỊ THẦN ĐƯỢC SÙNG BÁI TRONG HÔN LỄ

          Trong hôn lễ dân gian có nhiều vị thần như Thiên quân 天君, Địa tư 地司, Hoà Hợp nhị tiên 和合二仙, Kiệu thần 轿神, Táo thần 灶神, Sàng thần 床神
          Theo tập tục truyền thống, khi cử hành hôn lễ nhất định phải bái lạy Thiên quân, Địa tư. Trời cao không thể với tới, đất dày không gì sánh bằng; trời không có gì là không bao quát, đất không có gì là không hiện diện, trời đất đã lưu lại ấn tượng cực kì sâu sắc. Xuân qua Đông tới, hoa nở rồi tàn, nam nữ trên thế gian từng thế hệ nối tiếp nhau, nhưng trời đất thì mãi mãi, không bao giờ suy lão. Nên những đôi nam nữ tình nhân luôn đem tình yêu của mình thề cùng trời đất.
          Ngày đêm do trời làm chủ tể, mặt trời mặt trăng cùng tinh tú vận hành trên trời, gió mưa sấm chớp từ trời mà xuống. Trời dường như nắm giữ mọi sự biến hoá vận hành ở thế gian, thần bí khó lường. Núi cao biển rộng do đất chở, thảo mộc ngũ cốc từ đất mà nảy sinh, chim bay thú chạy nhờ đất nuôi dưỡng. Hết thảy những chuyện này đều khiến con người cảm nhận được uy lực vô cùng của trời đất, con người kính ngưỡng trời đất, nhưng con người bị trời đất nhiếp phục. Thời kì đầu của xã hội nhân loại, con người không có cách gì giải thích sự thần bí của đại tự nhiên nên đã đem những nhận thức thô thiển của tự thân chuyển hoá thành nhận thức đối với tự nhiên, và như vậy đã sản sinh ra trời được nhân cách hoá và đất được nhân cách hoá. Sự phát triển một bước nhân cách hoá đã sáng tạo ra Thiên công 天公, một vị thần chí cao vô thượng ở thiên đường chủ tể mọi việc trên trời và nhân gian; và Địa mẫu 地母, một vị thần chủ tể việc phúc hoạ trên mặt đất. Thiên quân, Địa tư chính là cách gọi của dân gian đối với Thiên công và Địa mẫu.
          Bái lạy Thiên quân và Địa tư trong hôn lễ có nhiều tầng ý nghĩa:
          - Hi vọng ái tình nhân duyên vững bền bất biến giống như trời đất.
          - Xin trời đất chứng kiến hôn nhân, biểu thị sự trang trọng nghiêm túc của hôn nhân đại sự.
          - Trời đất biết rõ mọi việc chốn nhân gian, có thể thưởng điều thiện, phạt điều ác. Bái lạy trời đất là xin trời đất giám sát, trong hôn nhân nếu như ai phản bội sẽ bị trời đất trừng phạt, biểu đạt lòng trung trinh chuyên nhất.
          Trời đất là đối tượng sùng bái không thể thiếu được trong hôn lễ dân gian Trung Quốc, nhân đó “bái thiên địa” cũng là từ thường được dùng để thay cho hôn lễ.
          Khu vực phía nam Giang Tô, đặc biệt là người Tô Châu khi cử hành hôn lễ, trên tường của chính diện hỉ đường nhất định phải treo bức tranh “Hoà Hợp nhị tiên” 和合二仙. Hình tượng nhị tiên là hai người con trai mập mạp, mặt tươi vui hớn hở, một người tay cầm hoa sen, người kia tay bưng hộp tròn.
          Người Tô Châu cho rằng, Hoà Hợp nhị tiên chính là Hàn San 寒山và Thập Đắc 拾得, 2 vị tăng ở chùa Hàn San 寒山tại Phong Kiều 枫桥. Truyền thuyết dân gian kể rằng, cả hai vốn sống tại một vùng quê hẻo lánh nơi phương bắc, tuy khác họ nhưng lại thân như anh em. Về sau Hàn San và Thập Đắc cùng yêu một cô gái, nhưng cả hai đều không biết, đợi đến lúc sắp cử hành hôn lễ mới rõ sự thật. Vì thế Hàn San liền bỏ nhà ra đi, đến trấn Phong Kiều ở Tô Châu, xuống tóc làm tăng, cất thảo am tu hành. Thập Đắc biết được nỗi khổ tâm của Hàn San nên cũng bỏ người yêu, đi khắp nơi tìm Hàn San. Về sau nghe nói Hàn San ở tại Phong Kiều Tô Châu liền đến nơi đó. Thập Đắc hái một cành hoa sen đi gặp mặt. Hàn San nghe tin Thập Đắc tìm đến cũng vô cùng vui mừng đã vội ra đón, hộp tròn đựng cơm chay đang bưng trên tay cũng không kịp bỏ xuống. Hai người gặp nhau không ngăn nỗi vui mừng, và Thập Đắc cũng nhập cửa thiền làm tăng. Cho đến ngày nay nơi chùa Hàn San vẫn còn giữ được một khối đá xanh, bên trên có khắc hình và tên của hai vị tăng này. Bách tính gọi đó là “Hà hạp nhị tiên” 荷盒二仙.  “Hà” (hoa sen) và “hạp” (cái hộp) hài âm với “hoà hợp”, người Tô Châu xem họ là hai vị thần phu thê hoà hợp, trở thành đối tượng sùng bái trong hôn lễ. Người Tô Châu khi kết hôn, nhất định phải bái Thiên Địa và “Hoà Hợp” . Bái Thiên Địa để biểu thị sự trang trọng; bái “Hoà Hợp” để cầu mong tình cảm vợ chồng sâu đậm, hài hoà hảo hợp.
          Trước đây khi rước dâu đa phần dùng kiệu, cô dâu ngồi kiệu bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới, nhà chồng từ kiệu hoa rước về một thành viên mới trong gia đình, nên có lễ tế Kiệu thần. Hôn nhân trước đây đều do cha mẹ xếp đặt, là sản vật của sự mối mai, vợ chồng sau này có hoà hợp hay không, cuộc sống có ấm êm hay không, không ai có thể nắm bắt được, vì thế trong lòng mọi người luôn có những căng thẳng lo sợ đối với những điều chưa biết đó. Sự căng thẳng lo sợ này rất tự nhiên biến thành sự sùng bái và tế tự các loại thần linh, Kiệu thần là một trong số đó.
          Táo thần cũng còn gọi là Táo quân, Táo vương. Trước đây khi nấu cơm, nấu thức ăn đa phần đều dùng bếp. Nhìn chung trên bếp lò của gia đình  đều có một Thần khám nhỏ, trong Thần khám đặt bài vị Táo thần. Trước đời Hán, Táo thần và Hoả thần từng nhập chung làm một. Công năng căn bản của bếp là dùng lửa nấu thức ăn. Lúc ban sơ nhân loại lợi dụng lửa để nấu nướng, có lẽ chưa có bếp chuyên dùng, vì vậy khái niệm táo và hoả rất khó phân biệt. Theo những ghi chép trong sách cổ, Táo thần vốn là nữ, từ trong đó có thể thấy bóng dáng của thị tộc mẫu hệ, cũng nói rõ tín ngưỡng Táo thần là một tập tục rất cổ xưa. Từ sau đời Hán, chức năng của Táo thần từ coi giữ việc ẩm thực diễn biến thành chủ việc hoạ phúc. Theo truyền thuyết, hàng năm Táo thần lên trời bẩm báo với Ngọc Đế việc thiện ác của gia đình. Ngọc Đế căn cứ vào bẩm báo của Táo thần mà tiến hành thưởng phạt. Vì vậy đối với Táo thần nắm giữ việc hoạ phúc của một nhà, mọi người đương nhiên không dám coi thường, khi rước dâu cũng không quên mời Táo thần uống rượu mừng. Khi tiến hành tế tự cũng luôn hi vọng Táo thần chiếu cố cho đôi vợ chồng mới, tiêu trừ tai hoạ, ban cho phúc lộc.
          Giường cưới là vật quan trọng trong cuộc sống đôi vợ chồng, sự thực người thời thượng cổ cũng đã biết sự hài hoà của sinh hoạt tính giao thường có quan hệ trực tiếp với tình cảm của vợ chồng và sự yên ồn của gia đình sau khi cưới, vì vậy trong hôn lễ truyền thống có tập tục tế Sàng thần. Theo truyền thuyết, Sàng thần có 2 vị, tức Sàng công 床公và Sàng bà 床婆. Tục có câu “nam trà nữ tửu” 男茶女酒, cho rằng Sàng công thích trà, Sàng bà ưa rượu, cho nên khi tế tự phải dâng trà rượu quả bánh. Mọi người cho rằng, tế tự Sàng thần, thì “sàng đệ chi tư” 床第之私 (1) mới có thể bình an vui sướng, hôn nhân trường cửu, đương nhiên cũng gối cao mà ngủ chẳng lo lắng gì.
          Kiệu thần, Táo thần, Sàng thần đều là sản vật được sùng bái do con người tạo ra, lịch sử của các vị thần này vô cùng lâu đời. Trong chế độ hôn nhân giá thú trước đây, con người khó tránh khỏi có nhiều môi lo lắng. Sự lo lắng và kì vọng đã khiến cho tập tục cổ xưa này được kéo dài.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- SÀNG ĐỆ CHI TƯ 床第之私: thành ngữ này đúng ra phải là “Sàng chỉ chi tư” 床笫之私. Ở đây nhầm chữ “chỉ” thành chữ “đệ” .
          Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, “chỉ” có nghĩa là:
“Cái đệm lót giường, những lời nói riêng trong chốn buồng the gọi là sàng chỉ chi ngôn 床笫之言”.  (trang 461, nxb Tp/ Hồ Chí Minh, 1993)
“Sàng chỉ chi tư” dùng để ví những chuyện riêng tư của vợ chồng chốn phòng khuê. 

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 09/9/2013

Nguyên tác Trung văn
HÔN LỄ TRUNG ĐÍCH MÔ BÁI THẦN
婚礼中的膜拜神
Trong quyển
HÔN GIÁ
婚嫁
Biên soạn: Hồng Vũ 鸿宇
Tôn giáo văn hoá xuất bản xã, 2004.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét