HOÀ HỢP NHỊ TIÊN
Hoà Hợp nhị tiên 和合二仙 được dân gian xem là thần hoan hỉ. Hoà Hợp nhị tiên chỉ Hàn San 寒山 và Thập Đắc 拾得.
Hàn San còn có tên là Hàn San Tử 寒山子, thi tăng đời Đường, khoảng thời Trinh Quán 貞觀từng là một vị hoà thượng giữ việc nhóm lửa, làm tạp vụ tại chùa Quốc Thanh 國清 ở núi Thiên Thai 天台. Hàn San giống Tế Công 濟公, một vị hoà thượng khác với người thường.
Thập Đắc cũng là người thời Trinh Quán nhà Đường, từ nhỏ đã mồ côi. Tương truyền thiền sư Phong Can 封干 ở núi Thiên Thai khi đi đường núi nhặt được một đứa bé ở cạnh đường Xích Thành 赤誠, liền đem về chùa Quốc Thanh cho làm tiểu hoà thượng, đặt tên là “Thập Đắc” (1).
Hàn San và Thập Đắc rất tốt với nhau, hai người thường ngâm thơ đọc kệ. Hai người làm rất nhiều thơ, và đã được người đời sau thu thập lại thành tập, có thể gọi hai người là “bần tiện chi giao” 貧賤之交. Về tình bạn của hai người, trong dân gian còn lưu truyền một truyền thuyết:
Hàn San và Thập Đắc cùng đến một thôn ở phương bắc. Tuy khác họ nhưng hai người thân nhau như anh em ruột. Cả hai cùng yêu một cô gái nhưng Hàn San không biết. Đến lúc thành hôn, Hàn San mới biết, vì vậy Hàn San đã bỏ đi đến Phong Kiều 楓橋 ở Tô Châu 蘇州 xuống tóc làm tăng, lập am tu hành. Thập Đắc sau khi nghe tin cũng rời bỏ nhà xuống Giang Nam tìm Hàn San. Biết được nơi ở của Hàn San, Thập Đắc liền hái một cành sen đến làm lễ. Hàn San biết được vội bưng một hộp cơm chay ra đón. Hai người vô cùng mừng vui. Thập Đắc cũng xuất gia, hai người khai sơn lập miếu tại nơi đó gọi là Hàn San tự 寒山寺.
Tập tục dân gian Trung Quốc, thường dùng cách song quan hài âm của Hán ngữ để biểu đạt một ngụ ý nào đó. Một người cầm hoa sen, “Hà” 荷đồng âm với “Hoà” 和, lấy ý nghĩa “hài hoà”. Một người bưng hộp, “hạp” 盒 đồng âm với “hợp” 合, lấy ý nghĩa “hảo hợp” (2). Hàn San chính thức trở thành “Hoà thần” 和神, Thập Đắc chính thức trở thành “Hợp thần” 合神. Đầu đời Thanh được gọi là “Hoà Hợp nhị tiên”. Ngày trước thường treo tranh “Hoà Hợp nhị tiên” ở chính giữa nhà mong được hài hoà cát lợi. Tranh cũng thường được treo lúc hôn lễ, tượng trưng phu thê ân ái, bách niên hảo hợp. Trong dân gian, tranh tết lấy đề tài “Hoà Hợp nhị tiên” cũng rất nhiều, lưu truyền cũng rất rộng.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- THẬP ĐẮC 拾得có nghĩa là “nhặt được”
(2)- Chữ “hà” 荷là hoa sen, âm Bắc Kinh hiện đại đọc là “hé”.
Chữ “hoà” 和là hài hoà, âm Bắc Kinh hiện đại cũng đọc là “hé”
Chữ “hạp” 盒là cái hộp, âm Bắc Kinh hiện đại đọc là “hé”
Chữ “hợp” 合là hoà hợp, âm Bắc Kinh hiện đại cũng đọc là “hé”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/9/2013
Nguyên tác Trung văn
HOÀ HỢP NHỊ TIÊN
和合二仙
Trong quyển
CÁT TƯỜNG ĐÍCH TRUNG QUỐC
吉祥的中國
Bản công ti biên tập bộ biên soạn
Ngọc thụ đồ thư ấn loát hữu hạn công ti, năm Dân Quốc thứ 90.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét