About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Tên gọi riêng một số ngày trong tháng thời cổ

TÊN GỌI RIÊNG
MỘT SỐ NGÀY TRONG THÁNG THỜI CỔ

          Thời cổ, trong một tháng có một số ngày có tên gọi riêng. Ngày đầu tiên của một tháng gọi là “sóc” , ngày cuối cùng gọi là “hối” . Cho nên trong Trang Tử 莊子 có nói:
Triêu khuẩn bất tri hối sóc
朝菌不知晦朔
(Giống nấm sớm không biết được ngày hối ngày sóc)
          Ngày mồng 3 gọi là “phỉ” . Ngày 16 tháng đủ, ngày 15 tháng thiếu gọi là “vọng” . Thơ Bảo Chiếu 鲍照 có câu:
Tam ngũ nhị bát thời
Thiên lí dữ quân đồng (1)
三五二八時
千里與君同
(Ngày 15, 16 lúc trăng tròn
Chúng ta cùng ngắm nhìn trăng sáng dù cách xa ngàn dặm)
Chính là nói trăng tròn ngày “vọng”. Sau ngày “vọng” gọi là “kí vọng” 既望 (2) . Cho nên trong bài Tiền Xích Bích phú 前赤壁賦  Tô Thức 蘇軾đã viết:
Nhâm Tuất chi thu, thất nguyệt kí vọng
壬戌之秋,七月既望
(Sau rằm tháng bảy mùa thu năm Nhâm Tuất)
          Ngày “sóc” và “hối” nhìn chung có thể vừa dùng can chi vừa dùng 2 chữ “sóc” “hối”, ví dụ như trong Tả truyện – Hi Công ngũ niên 左傳 - 僖公五年 có ghi:
Đông thập nhị nguyệt Bính Tí sóc, Tấn diệt Quắc, Quắc Công Xú bôn kinh sư.
          冬十二月丙子朔, 晉滅虢, 虢公醜奔京師.
          (Mùa đông tháng 12 ngày sóc Bính Tí, nước Tấn diệt nước Quắc. Quắc Công tên là Xú chạy trốn tới kinh sư)
Và trong Tả truyện – Tương Công thập bát niên 左傳 - 襄公十八年 cũng ghi:
Thập nguyệt ….. Bính Dần hối, Tề sư dạ độn.
十月 ….. 丙寅晦,齊師夜遁.
(Tháng 10 ….. ngày hối Bính Dần, quân Tề ban đêm rút lui)
          Các ngày khác nói chung chỉ dùng can chi (3), nhưng có thể căn cứ can chi của ngày sóc tháng đó mà biết được ngày đó là ngày thứ mấy của tháng đó. Ví dụ như trong Tả truyện - Ẩn Công nguyên niên 左傳 - 隱公元年 ghi rằng:
Ngũ nguyệt Tân Sửu, Thái Thúc xuất bôn Cung.
五月辛丑,大叔出奔共
          (Tháng 5 ngày Tân Sửu, Thái Thúc chạy trốn sang đất Cung)
          Căn cứ vào Xuân Thu trường lịch 春秋長曆  (*) của người đời sau suy tính có thể biết ngày Tân Sửu đó là ngày 23 tháng 5 năm Lỗ Ẩn Công thứ 1.
          Cũng cần nói thêm, căn cứ thứ tự can chi trong lịch phổ, thậm chí có thể suy đoán thấy được những chỗ sai trong sách cổ. Trong Xuân Thu Tương Công nhị thập bát niên 春秋襄公二十八年 viết rằng:
          Thập hữu nhị nguyệt Giáp Dần, Thiên vương băng. Ất Mùi, Sở Tử Chiêu tốt.
          十有二月甲寅, 天王崩. 乙未, 楚子昭卒.
          (Tháng 12 ngày Giáp Dần, Thiên vương mất. Ngày Ất Mùi, Sở Tử tên là Chiêu mất)
          Từ Giáp Dần đến Ất Mùi tổng cộng 42 ngày, không thể cùng trong một tháng, có thể thấy ở đây có sự nhầm lẫn.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Xem Ngoạn nguyệt thành tây môn giải trung 翫月城西門廨中.
(2)- Đầu thời Tây Chu có cách ghi ngày đặc biệt, tức đem 1 tháng chia thành 4 phần, giống như “tuần” thời nay. Mỗi phần có tên gọi riêng, “kí vọng” là một trong số đó. Cách ghi ngày này về sau không còn dùng.
(3)- Trong Thượng thư 尚書, ngày “Phỉ” cũng vừa có can chi vừa có tên gọi “phỉ”, ví dụ như ở Tất mệnh 畢命:
Duy thập hữu nhị niên lục nguyệt Canh Ngọ phỉ.
惟十有二年六月庚午朏
(Năm thứ 12 tháng 6 ngày phỉ Canh Ngọ)
          Loại giống như trên rất ít thấy trong sách cổ.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- TRƯỜNG LỊCH 長曆: một loại lịch thư dựa vào lịch pháp mà tính ra được ngày sóc, tháng, năm trong khoảng thời gian dài trăm ngàn năm. Đỗ Dự 杜預đời Tấn có Xuân Thu trường lịch 春秋秋長曆

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 24/9/2013

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét