TRUYỀN THUYẾT TÀO QUỐC CỮU
Tào Quốc Cữu 曹国舅 tên Dật 佾, một tên khác là Cảnh Hưu 景休, cháu Tào Bân 曹彬, một đại tướng thời Tống, và là em của Hoàng hậu Tống Nhân Tông. Do vì người em cậy thế giết người, ông cảm thấy sỉ nhục nên ẩn tích trong núi, dưỡng tâm tu chân. Về sau gặp Chung Li Quyền 钟离权, Lữ Động Tân 吕洞宾 hỏi về việc tu đạo, biết ông đã ngộ được chân đế nên dẫn ông gia nhập tiên ban trở thành một trong bát tiên.
Truyền thuyết kể rằng Tào Quốc Cữu nhân vì coi thường cuộc sống giàu sang, nên một mình rời bỏ kinh thành đi cầu tiên học đạo. Ông đến bên bờ Hoàng hà, muốn qua sông tìm chốn trường sinh, nhưng không bỏ được cái vỏ “Quốc cữu gia”, lớn tiếng gọi thuyền đưa ông qua sông. Chủ thuyền đòi ông trả tiền mới đưa qua sông. Quốc Cữu sờ trên người, phát hiện tiền không mang theo, không biết làm thế nào bèn lấy ra kim bài ngự tứ mà Hoàng đế ban cho để chứng minh thân phận của mình. Chủ thuyền la lớn:
- Ông muốn cầu tiên học đạo, thế mà lại lấy kim bài ra để doạ bách tính, đó chẳng phải là bậy bạ sao!
Tào Quốc Cữu chợt tỉnh ngộ, vội liệng kim bài xuống sông, định thần nhìn lại, vị chủ thuyền kia hoá ra là Lữ Động Tân. Tào Quốc Cữu vội quỳ xuống, nhận Lữ Động Tân làm thầy. Lữ Động Tân lấy ra một đôi ngọc bản, ném xuống Hoàng hà, rồi cùng với Tào Quốc Cữu mỗi người giậm lên một mảnh đi qua sông. Đôi ngọc bản đó từ đó trở thành báu vật trong tay Tào Quốc Cữu.
Còn có một truyền thuyết khác cũng tương tự như trên. Truyền thuyết nói rằng: Tào Quốc Cữu là em của Hoàng hậu triều Tống, ông có một người em tên là Tào Nhị 曹二, người này cậy thế địa vị hoàng thân quốc thích, chiếm đoạt ruộng đất người ta, bắt con gái người ta, không điều ác nào mà không làm. Tào Quốc Cữu không thể chịu được, đã dùng lời khuyên can, nhưng Tào Nhị không nghe. Tào Quốc Cựu dùng biện pháp trừng phạt để ước thúc Tào Nhị, hai anh em do đó mà kết thù kết oán. Tào Quốc Cữu bảo rằng:
- Lí trong thiên hạ, người nào tích thiện sẽ được phúc, kẻ làm tích ác sẽ bại vong, đó là chân lí không thể thay đổi. Nhà Tào gia chúng tôi trước đây tích góp âm đức mới được giàu sang như ngày hôm nay. Nay em trai tôi tích ác đến cực điểm, thế nào cũng tránh không được hình phạt của đất nước, cũng tránh không được cái hoạ ngầm từ trời. Một mai hoạ lớn tới, nhà mất thân vong, đến lúc đó có trốn cũng trốn không thoát. Tôi lấy làm xấu hổ, mà cũng lấy làm lo sợ.
Vì vậy, Tào Quốc Cữu đã đem tài sản cứu giúp người nghèo khổ, không màng đến việc của người em, cuối cùng từ biệt người nhà và bạn bè, thay đạo phục đi vào trong núi sâu tu thân dưỡng tính. Về sau Tào Quốc Cữu gặp Hán Chung Li và Lữ Động Tân trong núi, hai người hỏi ông rằng:
- Nghe nói ông đang tu dưỡng, cái mà ông tu dưỡng là cái gì?
Tào Quốc Cữu đáp rằng:
- Dưỡng đạo.
- Đạo ở đâu?
Tào Quốc Cữu lấy tay chỉ trời. Hai người lại hỏi:
- Trời ở đâu?
Tào Quốc Cữu lấy tay chỉ vào tim mình. Hai vị thần tiên cười bảo rằng:
- Tâm chính là trời, trời chính là đạo
bèn dạy cho ông bí thuật “Hoàn chân” 还真, đưa ông vào tiên ban.
Dân gian truyền khẩu rằng, Quốc Cữu tên Dật, bị đọc sai thành chữ “hữu” 有, lại hài âm đổi thành Tào Hữu 曹友. Nhân vì chữ “Dật” 佾có âm đọc là “yi”, tương cận với chữ “nhất” 一, nên lại ngoa truyền Quốc Cữu vì là anh lớn nên tên là Tào Nhất 曹一, tức Đại Quốc Cữu, còn người em ngỗ ngược tên là Tào Nhị 曹二, là Nhị Quốc Cữu. Nhân đó thêm thắt ra nhiều điều nào là Nhị Quốc cữu không việc ác gì mà không làm, cậy thế hoàng thân quốc thích tàn hại bách tính, Đại Quốc Cữu nhiều lần khuyên can nhưng vô hiệu, anh em bất hoà. Về sau Tào Nhị giết người, Đại Quốc Cữu bao che thành tội, sau khi Tào Nhị bị xử tử, Đại Quốc cựu hối ngộ, đem gia sản cứu giúp dân nghèo, một mình bỏ đi vào núi ẩn dật, sau gặp Hán Chung Li, Lữ Động Tân độ thoát thành tiên. Nhân vì bản thân là quốc cữu cho nên hình tượng của ông vẫn là vị quan tướng triều đình, mặc quan phục, đội mũ ô sa, tay cầm hốt.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 25/9/2013
Nguyên tác Trung văn
TÀO QUỐC CỮU ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
曹国舅的传说
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI BÁT TIÊN TẠO HÌNH NGHỆ THUẬT
中国历代八仙造型艺术
Biên soạn: Trịnh Quân 郑军, Lưu Đông Vân 刘冬云
Nhân dân mĩ thuật xuất bản xã, 2007.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét