About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Kẻ sĩ với chế độ khoa cử

KẺ SĨ VỚI CHẾ ĐỘ KHOA CỬ

          Sự biến động xã hội ở thời Xuân Thu đã sản sinh ra giai tầng sĩ. Khổng Tử 孔子 là đại biểu của giới sĩ sớm nhất, và cũng là vị đại sư bồi dưỡng kẻ sĩ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Giáo dục kẻ sĩ, lấy việc phục vụ chính trị làm mục đích.  Phục vụ chính trị để hành đạo, phục vụ chính trị để có được bổng lộc, vì thế có chủ trương:
Học nhi ưu tắc sĩ (1)
学而优则仕
(Học đã tốt rồi nếu còn thì giờ và sức lực thì nên ra làm quan)
          Trong điều kiện lịch sử chính trị suy yếu của giới quý tộc lãnh chúa thuộc chế độ thế khanh, đây là nguyên tắc chính trị chuộng hiền cụ thể được đề xuất lần đầu tiên.
          Từ thời Chiến quốc đến thời Tần, chế độ quan liêu dần thay thế chế độ thế khanh. Nhưng dưới chế độ quan liêu thời lưỡng Hán, không những công thần quý tộc có đặc quyền thế tập, không những có quy định “nhậm tử” 任子 (2) và “ti tuyển” 赀选 (3), mà chế độ sát cử bắt đầu thực hành từ Hán Vũ Đế cũng dần bị giới cường hào quyền quý nắm giữ, kết quả dẫn đến chế độ Quan nhân cửu phẩm ở thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều. Thực chất của “môn tuyển” 门选 tức căn cứ vào phủ đệ cao thấp mà tuyển chọn quan viên là đã khôi phục chính trị đẳng cấp quý tộc ở một trình độ tương đương. Nhưng, giới sĩ tộc về địa vị đặc quyền ngày càng hủ hoá, cuối cùng vì không thể thực hành chức trách xã hội mà dần bị mất đi quyền lực thống trị xã hội. Chế độ khoa cử manh nha vào thời Nam Bắc triều, sáng lập vào thời Tuỳ, dần thành thục vào thời Đường, hoàn thiện vào thời Tống, và áp dụng cho đến thời Minh Thanh. Sự xuất hiện của nó, một lần nữa đã đả phá đặc quyền.
          Vương An Thạch 王安石 trong bài thơ Lí Chương hạ đệ 李璋下第 đã viết rằng:
Nam nhi độc hoạn vô danh nhĩ
Tướng tướng thuỳ vân hữu chủng tai!
男儿独患无名尔
将相谁云有种哉
(Namnhi chỉ có một nỗi lo là không có danh tiếng gì
Ai bảo rằng tướng soái là do dòng dõi mà ra)
          Đây là những lời đầy hào khí của sĩ nhân dưới chế độ khoa cử.
          Trong lịch sử, Trần Thắng 陈胜, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân cuối đời Tần là người sớm nhất nói câu:
Vương hầu tướng tướng ninh hữu chủng
王侯将相宁有种
(Bậc vương hầu tướng soái há là do dòng dõi mà ra sao)
          Kết quả của việc thay đổi xã hội khoảng thời Tần Hán giao thoa đã hoàn thành cục diện áo vải làm nên tướng soái đầu thời Tây Hán. Nhưng tướng soái xuất thân áo vải lại nhanh chóng trở thành quý tộc, lời của Trần Thắng rốt cục chìm lắng hơn 800 năm từ thời Hán đến thời Tuỳ, chế độ khoa cử hưng thịnh mới vĩnh viễn xoá bỏ cục diện “tướng tướng hữu chủng” 将相有种.
          Sự xuất hiện của chế độ khoa cử đánh dấu sự cáo chung của xu thế chính trị quý tộc và nó đã hoàn thiện xu thế chính trị quan liêu. Chế độ quan văn cổ đại Trung Quốc đến đây dần thành thục, nó lấy nguyên tắc mọi người bình đẳng khảo thí, đem chủ trương chuộng hiền “học nhi ưu tắc sĩ” 学而优则仕 của Khổng Tử biến thành hiện thực, từ đó đối với vận mệnh của sĩ nhân cổ đại Trung Quốc đã phát sinh ảnh hưởng mang tính quyết định. Cho nên những ước mơ như:
Triêu vi điền xá lang
Mộ đăng thiên tử đường (4)
朝为田舍郎
暮登天子台
(Sáng sớm còn là anh nông phu
Chiều đã thành vị quan chốn triều đình)
cùng với:
Đại đăng khoa kim bảng đề danh, tiểu đăng khoa động phòng hoa chúc
大登科金榜题名, 小登科洞房花烛.
cũng trở thành hiện thực. Một số ít sĩ nhân nhân vì chế độ khoa cử mà trở nên vinh hiển thi triển được hoài bão của mình.
          Danh sĩ thời Trung Đường Độc Cô Cập 独孤及 trong bài thơ Tống Ngu Tú tài trạc đệ quy Trường Sa 送虞秀才擢第归长沙 có viết:
Hải vận đồng côn hoá
Phong phàm nhược điểu phi
海运同鲲化,
风帆若鸟飞
(Vận số thênh thang như biển rộng, được hoá cùng với cá côn
Buồm căng lộng gió, lướt nhanh tựa chim bay)
          Ngu Tú tài thi đậu, như cá côn hoá thành chim bằng. Con đường sĩ hoạn của ông từ nay về sau như buồm thuận gió lướt nhanh tựa chim bay. Việc ví “hải vận” với cá côn hoá thành chim bằng trong Trang Tử - Tiêu dao du 庄子 - 逍遥游 đã phản ánh khoa cử triển hiện cảnh chim bằng lướt bay muôn dặm. Nhưng trên thực tế, khi “hải vận” khoa cử đến, chỉ rất ít cá côn hoá thành chim bằng, trên con đường sĩ hoạn, nhiều người không được thuận lợi. Trong trường công danh, sĩ nhân có người chìm người nổi, có lúc chìm lúc nổi, vận mạng khó lường, cho nên
Đắc thuỷ vi long, thất thuỷ ngư
得水为龙, 失水鱼
(Được nước thì là rồng, không được nước thì là cá)
(Lí Sơn Phủ: Hạ hữu nhân cập đệ 李山甫: 贺友人及第)
là hiện tượng phổ biến. Điều này đối với tâm thái và hành vi của sĩ nhân, đối với mối quan hệ giữa sĩ nhân với quốc gia và xã hội, đối với mối quan hệ trong nội bộ sĩ nhân, đối với gia đình sĩ nhân, đều phát sinh ảnh hưởng sâu sắc và phức tạp, nhân đó mà diễn ra vô số bi kịch và hỉ kịch.
          Chế độ khoa cử đã thay đổi thế vận và văn vận, tuy sáng lập đầu tiên ở thời Tuỳ, nhưng trong sử sách lại không ghi chép những tình huống liên quan đến khoa cử đời Tuỳ. Nhìn từ lịch sử, trong sinh hoạt xã hội và quốc gia, chế độ này đã phát sinh ảnh hưởng sâu sắc và rộng rãi là bắt đầu từ thời Đường, thịnh vào thời Tống và thời Minh Thanh.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Câu này ở thiên Tử Trương 子张 trong Luận ngũ 论语
(2)- NHẬM TỬ 任子: tức bổ nhậm con em của mình ra làm quan. “Nhậm tử” là sản vật của xã hội tông pháp phong kiến, nó đã phá hoại nghiêm trọng chế độ quan liêu phong kiến, trở thành nguyên nhân chủ yếu làm quan trường hủ bại và làm cho cục diện chính trị động loạn.
(3)- TI TUYỂN 赀选: là dùng tài sản để được làm quan. Theo chế độ đời Hán, người có tài sản (tức “ti”) 500 vạn tiền (thời Cảnh Đế là 400 vạn tiền, mà không phải là thương nhân) có thể nhậm chức “Lang” , tự sắm xe ngựa và trang phục, đến kinh thành đợi tuyển dụng. Thời bấy giờ gọi những người đó là “Ti lang” 赀郎.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/1098921.htm
(4)- Hai câu này trong Thần đồng thi 神童诗 của Uông Chu 汪洙 thời Bắc Tống.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 07/9/2013

Nguồn
HOÈ HOA HOÀNG, CỬ TỬ MANG
槐花黄举子忙
Tác giả: Vương Chung Lăng 王钟陵
           Vương Viêm Bình王炎平
Đông Phương xuất bản xã, 1998.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét