TRUYỀN THUYẾT VỀ CÂY LÚA CỦA DÂN TỘC XA
VÙNG KIM HOA TỈNH TRIẾT GIANG
Truyền thuyết kể rằng, thóc vốn là châu báu trên thiên đình, hạt gạo gọi là “trân châu mễ” 珍珠米. Nhưng chỉ có thần tiên trên thượng giới mới được ăn trân châu mễ, con người chốn nhân gian chỉ ăn cây cỏ sống qua ngày.
Bàn Hồ Vương 盘瓠王 nghe nói trên thiên đình có gạo ăn, muốn kiếm một ít cho mọi người nếm thử.
Một đêm nọ, Bàn Hồ Vương lấy một cái bao, cưỡi con long khuyển bay lên thiên đình. Trong chốc lát, Bàn Hồ Vương lấy đầy một bao thóc, nhẹ nhàng quay trở về. Không ngờ việc Bàn Hồ Vương lấy trộm thóc bị một thiên thần biết được đã bẩm báo với Ngọc Đế. Ngọc Đế sai thiên binh thiên tướng đuổi theo. Bàn Hồ Vương lưng vác bao thóc đánh nhau với thiên binh thiên tướng, đánh đến nỗi thiên hôn địa ám. Bàn Hồ Vương thế lực đơn độc, bị thiên binh thiên tướng đánh rớt xuống sườn núi, chết trên một nhánh cổ thụ ngàn năm tuổi, hạt thóc văng trên đất. Lúc bấy giờ một bầy chim sẻ bay đến, mỗi con ngậm một hạt bay đến núi Phụng Hoàng 凤凰, rồi nhả thóc xuống cho con cháu Bàn Hồ Vương. Con cháu Bàn Hồ Vương đem trồng ở ruộng. Hạt thóc nẩy mầm, lớn lên rồi trổ bông, từng nhánh từng nhánh trĩu đầy cả hạt. Vương hậu bảo rằng:
Thóc này là do tiên vương Bàn Hồ bỏ mạng mới lấy được, hàng năm khi làm lễ cơm mới phải để Bàn Hồ Vương nếm trước. Thóc này cũng là do chim sẻ ngậm mang đến, khi lúa bắt đầu chín, hãy để cho chim sẽ ăn trước.
Dân tộc Xa từ đó về sau, mỗi khi lúa mới nấu thành cơm, chén đầu tiên phải để trên bàn đặt ở giếng trời, thắp hương khấn Bàn Hồ Vương, mời Bàn Hồ Vương dùng trước. Đó chính là lai lịch lễ “thường tân” 尝新. Còn chim sẻ, nhân vì Vương hậu có lời nói trước, cho nên mỗi khi lúa chín, chim sẻ bay ra ruộng ăn thóc mới (1).
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Trung Quốc dân gian văn học tập thành . Triết Giang tỉnh . Kim Hoa thị cố sự quyển. Trung Quốc dân gian văn nghệ xuất bản xã, 1989.
中国民间文学集成 . 浙江省 . 金华市故事卷. 中国民间文艺出版社, 1989.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 02/9/2013
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC ĐIỂU TÍN NGƯỠNG
中国鸟信仰
Tác giả: Trần Cần Kiến 陈勤建
Học Phạm xuất bản xã, 2003.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét