Chùa Bà Nước Mặn
10g13 ngày 13/10/2013
Nghĩa tự bên cạnh chùa
10g07 ngày 13/10/2013
Bình phong trước chùa
10g14 ngày 13/10/2013
Hồ trước chùa
10g11 ngày 13/10/2013
CHÙA BÀ NƯỚC MẶN
(Thôn An Hoà, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định)
CHÙA BÀ NƯỚC MẶN
(Thôn An Hoà, xã Phước Quang, Huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định)
Chùa Bà Nước Mặn có tên chữ là “Thiên Hậu Cung” toạ lạc tại thôn An Hoà, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Về niên đại xây dựng chùa, hiện rất khó xác định chính xác. Theo bài viết Chùa Bà – Nước Mặn của Nguyễn Xuân Nhân, chùa được tạo lập khoảng đầu thế kỉ XVII, từ sau năm 1610 đến năm 1626.
Chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, ngoài ra còn thờ Ngọc Hoàng và Bà Chúa Thai Sinh.
THIÊN HẬU THÁNH MẪU
Về lai lịch Thiên Hậu Thánh Mẫu, cũng trong bài báo Chùa Bà – Nước Mặn viết rằng:
Bà là Lâm Mị Châu tức Lâm Nương Nương, người Bồ Dương - Phúc Kiến. Sinh ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) đời vua Tống Nhân Tông, mười một tuổi đã tu theo đạo Phật. May tìm được một xấp cổ thư, Bà coi theo đó mà luyện tập rồi đắc đạo.
Một hôm, cha là Lâm Tích Khánh dùng thuyền cùng hai con trai, tức hai anh của Bà, chở muối đi bán ở tỉnh Giang Tây. Giữa đường gặp bão lớn, thuyền bị úp. Cả ba lặn ngụp chới với. Cùng ngày giờ đó trong lúc cơn bão xảy ra ở ngoài khơi thì bà đang ngồi dệt vải trên khung cửi. Bỗng nhiên Bà nhắm mắt, hai hàm răng nghiến chặt, hai tay đưa ra trước, dường như tìm níu một vật gì nặng lắm. Mẹ Bà ngồi gần thấy cử chỉ lạ lùng như vậy lấy làm lo sợ gọi. Bà không trả lời, mẹ Bà càng sợ, đến gần nắm hai vai vừa lắc vừa la to: “Sao vầy con, trả lời đi con! Nói lên mau kẻo mẹ sợ lắm!” Bà mở mắt ờ một tiếng dài như vừa tỉnh giấc chiêm bao, rồi Bà khóc oà lên: “Mẹ ôi! Thôi rồi! Cha mắc nạn to, thuyền bị bão nhấn chìm. Nay con không cứu được cha cũng vì mẹ một hai “trục” con về. Âu chẳng qua cũng tại số trời”. Rồi Bà thuật lại: khi ban nãy Bà làm như vậy vì Bà đang một tay nắm anh cả, một tay kéo anh hai, cả hai chới với giữa các ngọn sóng dữ. Giữa lúc bối rối, bỗng Bà thấy cha lặn hụp và sắp bị nước cuốn trôi nên dùng răng cắn được chéo áo của cha. Bà sắp cứu được cả ba cha con thoát nạn, thì kế đó nghe mẹ kêu giật, một hai lay ép Bà trả lời. Bà vừa hở môi trả lời mẹ thì sóng cuốn cha mất dạng, nên Bà chỉ cứu được hai anh thoát nạn mà thội.
Quả đúng như Bà đã nói với mẹ, cách ít hôm sau hai anh trai về tả lại cảnh cha chết y như lời Bà thuật cách mấy ngày trước.
Từ đó tin đồn truyền ra, xa gần đều biết. Mỗi khi ra biển, tàu thuyền gặp nạn họ tin rằng ai van vái Bà thì tai qua nạn khỏi.
Về sau dân gian quá ngưỡng mộ danh Bà liền lập miếu thờ, mỗi khi gặp tai nạn nguy hiểm họ lại van vái Bà. Năm Canh Dần (1110) niên hiệu Đại Quang, nhà Tống sắc phong Bà là “Thiên Hậu Thánh Mẫu”. Những thương khách đi thuyền qua lại Việt Nam buôn bán thời bấy giờ rất tôn sùng Bà. Trên thuyền có hương án thờ Bà. Đến định cư ở đâu được ít lâu là lập “Thiên Hậu Thánh Mẫu Miếu”, người bình dân quen gọi là Chùa Bà.
Ngày mồng 1 và mồng 2 tháng 2 âm lịch là ngày lễ hội chùa Bà Nước Mặn.
Người Trung Quốc thường gọi Thiên Hậu Thánh Mẫu là Ma Tổ 妈祖.
Tương truyền tên thật của Ma Tổ là Lâm Mặc 林默. Bà sinh vào ngày 23 tháng 3 năm Kiến Long 建隆 thứ 1 đời Tống Thái Tổ (năm 960), mất ngày mồng 9 tháng 9 năm Ung Hi 雍熙 thứ 4 đời Tống Thái Tông (năm 987) người đảo Mi Châu 湄洲, huyện Bồ Điền 莆田, phủ Tuyền Châu 泉州, lộ Phúc Kiến 福建. Khi sinh ra không khóc không quấy nên được đặt tên là Mặc 默 (im lặng), tiểu danh là Mặc Nương 默娘. Nhân vì Ma Tổ có công cứu đời giúp người nên được triều đình tứ phong tôn hiệu từ “Phu Nhân” 夫人, “Thiên Phi” 天妃, “Thiên Hậu” 天后, đến “Thiên Thượng Thánh Mẫu” 天上圣母 Đời Tống tứ phong 14 lần, đời Nguyên 5 lần, đời Minh 2 lần, đời Thanh 15 lần. Dân vùng duyên hải tôn Bà là Hải thần 海神, lập miếu thờ phụng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/11/2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét