About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Quan chế trung ương

QUAN CHẾ TRUNG ƯƠNG

          Thời Chiến Quốc, dưới quốc quân, các nước đặt ra chức Tướng và Tướng nắm giữ bên văn và bên võ. Triệu Huệ Văn Vương 趙惠文王 lập Lạn Tương Như 藺相如làm Tướng , lập Liêm Pha 廉頗làm Tướng , hai người này mọi người đều biết. Trong Tuân Tử - Vương Bá 荀子 - 王霸 có nói Tướng là “bách quan chi trưởng” 百官之長 (đứng đầu trăm quan), cho nên trong Chiến quốc sách – Tề sách 戰國策 - 齊策 nói rằng:
          Ư thị Lương Vương hư thượng vị, dĩ cố Tướng vi Thượng tướng quân, khiển sứ giả hoàng kim thiên cân, xa bách thặng, vãng sính Mạnh Thường Quân.
          於是梁王虛上位, 以故相為上將軍, 遣使者黃金千斤, 車百乘, 往聘孟常君.
          (Vì thế vua Lương để trống chức vị cao nhất, lấy Tướng quốc lúc bấy giờ  làm Thượng tướng quân, sai sứ mang ngàn cân vàng, trăm cổ xe đi đón Mạnh Thường Quân)
          Vị trưởng quan cao nhất của nước Sở gọi là Lệnh doãn 令尹, sau Lệnh doãn là Võ quan Thượng trụ quốc 上柱國, quan hiệu khác với các nước khác.
          Thời Tần, dưới Hoàng Đế lập Thừa tướng phủ 丞相府, Thái uý phủ 太尉府 và Ngự sử đại phu tự 御史大夫寺 tổ thành cơ cấu trung ương. Thừa tướng theo ý chỉ của Hoàng Đế trị lí quốc chính; Thái uý nắm giữ quân sự toàn quốc; Ngự sử đại phu là Bí thư trưởng kiêm Quản giám sát của Hoàng Đế. Quan vị Thừa tướng cao nhất, được tôn xưng là Tướng quốc, thông xưng là Tể tướng. Đầu đời Hán theo chế độ nhà Tần. Sau thời Hán Vũ Đế 漢武帝, địa vị Thừa tướng tuy được tôn quý nhưng quyền lực lại dần thu nhỏ. Như Hoắc Quang 霍光 là Đại tư mã Đại tướng quân lãnh Thượng thư sự, phụ giúp quốc chính, quyền lực ở xa trên Thừa tướng. Cuối thời Tây Hán Thừa tướng đổi gọi là Đại tư đồ, Thái Uý đổi gọi là Đại tư mã, Ngự sử đại phu đổi gọi là Đại tư không (1), gọi chung là Tam Công (cũng gọi là Tam Tư), đều là Tể tướng. Nhưng đến đời Quang Vũ Đế 光武帝thời Đông Hán, “tuy đặt Tam Công, nhưng sự việc quy về đài các” (2), Tam Công chỉ xử lí việc công, đài các ngược lại trở thành Tể tướng phủ trên thực tế.
          Đài các 臺閣 là chỉ Thượng thư đài của cơ cấu Thượng thư, đời sau dần gọi là Thượng thư sảnh 尚書省 (3), thủ trưởng là Thượng thư lệnh 尚書令, chức phó là Thượng thư bộc xạ 尚書僕射. Nguỵ Văn Đế thấy gương quyền lực của Thượng thư đài thời Đông Hán quá lớn nên đã đổi thành cơ cấu chấp hành ngoại vi, ngoài ra đặt Trung thư sảnh 中書省 lấy Trung thư giám, lệnh 中書監, làm thủ trưởng, tham dự nắm giữ trung xu cơ mật. Thời Nam Bắc triều, Hoàng Đế thấy quyền thế của Trung thư sảnh ngày càng lớn, lại đặt ra Môn hạ sảnh 門下省 lấy Thị trung 侍中làm thủ trưởng để hạn chế đối với Trung thư sảnh. Như vậy đã hình thành chế độ phân chức 3 sảnh: Thượng thư, Trung thư, Môn hạ của trung ương hoàng triều. Trung thư sảnh nắm giữ ý chỉ, Môn hạ sảnh thẩm tra, Thượng thư sảnh chấp hành (4). Thủ trưởng của 3 sảnh đều là Tể tướng, cùng nghị bàn quốc chính.
          Thời Đường nhân vì Đường Thái Tông 唐太宗 từng nhậm chức Thượng thư lệnh nên sau đó chức quan này không trao cho ai,  mà lấy Tả Hữu bộc xạ làm Tể tướng. Sau Đường Cao Tông Tả Hữu bộc xạ không tham gia quyết định những việc lớn. Đường Thái Tông lại cho rằng quan vị của Trung thư lệnh và Thị trung quá cao nên không tuỳ tiện trao cho, thường dùng chức quan khác gia thêm “Tham nghị triều chính” 參議朝政, “Tham nghị đắc thất” 參議得失, “Tham tri chính sự” 參知政事 nắm giữ chức Tể tướng, Cao Tông về sau người chấp hành chức vụ Tể tướng gọi là “Đồng trung thư môn hạ tam phẩm” 同中書門下三品, “Đồng trung thư môn hạ bình chương sự” 同中書門下平章事. Thời Tống gọi tắt là “Đồng bình chương sự” 同平章事, lấy “Tham tri chính sự” làm phó tướng.
          Trung ương đời Tống là Trung thư 中書và Xu mật viện 樞密 院 nắm giữ văn võ gọi là “nhị phủ”. Xu mật viện tương tự như Thái uý phủ đời Tần, chánh phó thủ trưởng là Xu mật sứ, Phó sứ.
          Từ “Tể tướng” 宰相 được thấy sớm nhất ở Hàn Phi Tử 韓非子 (5). Nhưng chính thức định là quan hiệu là vào đời Liêu. Cơ cấu trung tâm đời Liêu là Bắc, Nam Tể tướng phủ, mỗi bên thiết lập Tả, Hữu Tể tướng. Đời Minh bỏ Trung thư sảnh, đích thân Hoàng Đế xử lí quốc chính, lấy quan viên Hàn lâm viện gia thêm hàm Điện các Đại học sĩ để soạn thảo chiếu dụ. Về sau Đại học sĩ dần tham dự đại chính trở thành Tể tướng trên thực tế, gọi là Phụ thần 輔臣. Đứng đầu Phụ thần có danh xưng Nguyên phụ 元輔, Thủ phụ 首輔. Đời Thanh theo chế độ đời Minh, đến thời Ung Chính 雍正 thành lập Quân cơ xứ 軍機處, Đại học sĩ không còn chức quyền gì.   (còn tiếp)
  
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Đại tư không 大司空là vị quan chủ quản về thuỷ thổ, khác với chức vụ của Ngự sử đại phu trước đó.
(2)- Xem Hậu Hán thư – Trọng Trường Thống truyện後漢書 - 仲長統傳.
(3)- Đời Tuỳ tránh dùng chữ “trung” , đổi Trung thư sảnh thành Nội sử sảnh 內史省, đổi Thị trung 侍中thành Nạp ngôn 納言. Thời Đường Cao Tông, Võ Hậu và Huyền Tông, danh xưng của 3 sảnh từng có thay đổi: Thượng thư sảnh gọi là Trung đài 中臺, Văn Xương đài 文昌臺; Trung thư sảnh gọi là Tây đài 西臺, Phụng các 鳳閣, Tử Vi 紫微 (*); Môn hạ sảnh gọi là Đông đài 東臺, Loan đài 鸞臺, Hoàng môn 黃門.
(5)- Hàn Phi Tử - Hiển học 韓非子 - 顯學:
          Cố minh chủ chi lại, tể tướng tất khởi ư châu quận, mãnh tướng tất phát ư tốt ngũ.
          故明主之吏, 宰相必起於州郡, 猛將必發於卒伍.
          (Cho nên bề tôi của minh chủ, tể tướng xuất phát từ châu quận, còn mãnh tướng thì xuất phát từ đám quân sĩ)
          Trước đây văn nhân thường dùng từ “Tể phụ” 宰輔, “Tể hành” 宰衡 để gọi Tể tướng, nhưng đều không phải là quan hiệu chính thức.
(*)- CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
          Cuối đời Tuỳ Dạng Đế 隋炀帝 đổi Trung thư sảnh 中书省thành Nội sử sảnh 内史省. Đầu thời Đường cũng gọi là Nội sử  sảnh. Năm Vũ Đức 武德thứ 3 (năm 620) lại đổi là Trung thư sảnh. Năm Long Sóc 龙朔 thứ 2 đời Đường Cao Tông (năm 662) đổi gọi là Tây đài 西台. Niên hiệu Hàm Hanh 咸亨(năm 670 – năm 674) đổi gọi theo cũ. Năm Quang Trạch 光宅thứ 1 đời Võ Hậu (năm 684) đổi gọi là Phụng các 凤阁. Năm Thần Long 神龙 đời Trung Tông (năm 705 – năm 707) đổi gọi theo tên cũ. Năm Khai Nguyên 开元 thứ 1 đời Huyền Tông (năm 713) đổi gọi là Tử Vi 紫微. 5 năm sau trở lại tên cũ.
“Tử vi” 紫微 trong nguyên tác in nhầm là “Sài vi” 柴微.

                                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn 21/11/2013

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét