CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ VÀ PHÁP LUẬT THỜI TÂY CHU
Tây Chu là thời đại nổi tiếng về chế độ chính trị phong kiến. Nói một cách nghiêm túc, trong lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc, chỉ có Tây Chu có chế độ chính trị phong kiến mang ý nghĩa hoàn chỉnh. Gọi là phong kiến chính là chính quyền quốc gia được phong và kiến lập, thông qua phong Vương, phong đất mà trị lí một nước. Xã hội Trung Quốc mà chúng ta gọi từ thời Tần Hán về sau là xã hội phong kiến về cơ bản khác với phong kiến thời Tây Chu. Biểu hiện tương đối rõ nét của chế độ phong kiến thời Tây Chu là chế độ lấy tông pháp làm cơ sở. Chế độ tông pháp Tây Chu rất đặc sắc, nói chung, nó do đại tông và tiểu tông có kết cấu dạng hình cây tổ thành. Ví dụ như, Thiên tử là đại tông lớn nhất của thiên hạ, đối với Thiên tử mà nói, các chư hầu thụ phong chính là tiểu tông. Trong một nước được phong, chư hầu là đại tông, các đại phu thụ phong từ chư hầu là tiểu tông. Kết cấu dạng hình cây này lấy mối quan hệ huyết thống làm cơ sở, bảo đảm với mức hạn chế lớn nhất chế độ thế tập đích trưởng tử của các giai tầng quyền lực. Nhìn từ giác độ sinh hoạt xã hội, tông chủ của các tông là trung tâm; còn nhìn từ giác độ sinh hoạt chính trị, Thiên tử và các vị quân chủ của các nước là trung tâm. Chế độ phong kiến và chế độ tông pháp phối hợp bổ sung cho nhau, bảo đảm sự tồn tại và vận hành của quyền lực.
Dưới chế độ tông pháp phong kiến, cơ quan nhà nước Tây Chu cũng có sự thiết kế tương đối chặt chẽ. Từ lí luận mà nói, Chu Thiên tử là người thống trị chí cao vô thượng của đất nước, địa vị và quyền lực là độc nhất vô nhị. Cơ cấu các cấp và các chức quan lại dưới Thiên tử đều phục vụ cho cá nhân Thiên tử. Theo những ghi chép tương đối lí tưởng hoá của các nhà Nho đời sau, bên trái và bên phải của Thiên tử chủ yếu có “Tam công” 三公 tức Thái sư 太师 Thái phó 太傅 và Thái bảo 太保. Dưới Tam công là bách quan phụ trách chính vụ thường ngày, trong đó tương đối quan trọng có Tư đồ 司徒Tư mã 司马 Tư khấu 司寇 Tư không 司空, phụ trách nông nghiệp, quân sự, hình luật và văn hoá. Dưới họ lại có các ban ngành tiến hành quản lí theo cấp. Với các nước chư hầu, đại khái cũng theo định chế này.
Đặc trưng quan trọng của chế độ tông pháp phong kiến là chế độ đẳng cấp. Để bảo vệ chế độ đẳng cấp này, giai cấp thống trị Tây Chu không thể không sử dụng một số thủ đoạn cưỡng chế, chủ yếu bao gồm quân đội và pháp chế. Để trấn áp chư hầu, đồng thời uy hiếp các dân tộc chung quanh, vương triều Chu có một đội quân hùng hậu, gọi là “lục sư” 六师. Các nước chư hầu cũng theo quy định này có một lực lượng vũ trang với số lượng nhỏ hơn “vương sư” 王师, những lúc cần thiết phải theo Chu vương xuất chinh. Đương nhiên theo sự suy yếu quyền uy của Chu vương, sự xuống dốc năng lực kinh tế, quy mô của vương sư cũng dần thu nhỏ lại, đội quân chư hầu không ngừng lớn lên. Khi vương quyền hưng thịnh, pháp chế vương thất là một thể chế trọng tài mang tính vương quyền rất mạnh. Ví dụ như trong minh văn ở “Yểu đỉnh” 舀鼎 có nói khi giữa các quý tộc phát sinh xung đột, họ tìm đến sự phán quyết của cấp trên mà không dựa vào điều lệ pháp luật nào. Trong Chu lễ 周礼 do Chu Công 周公 chế định, chủ yếu cũng nhấn mạnh đến sự tu dưỡng và tính tự giác của mỗi người, đây là sự phối hợp giữa quyền uy của trung ương và sự uy nghiêm của Chu Thiên tử lúc bấy giờ. Nhưng, theo sự suy yếu của quyền uy và sự uy nghiêm này, vào thời Mục Vương 穆王, bộ Lữ hình 吕刑 (1) đã ứng theo thời vận mà sinh ra, giai cấp thống trị không thể không sử dụng thủ đoạn cưỡng chế.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- LỮ HÌNH 吕刑: Đến thời Chu Mục Vương 周穆王, Tây Chu dựng nước đã trải qua hơn trăm năm. Lúc bấy giờ tài chính trống rỗng, mâu thuẫn giai cấp nổi lên gay gắt. Để ổn định cục diện chính trị, gia tăng nguồn tài nguyên, Mục vương đã sai Lữ Hầu 吕侯 giữ chức Tư khấu, đối với pháp lệnh, pháp luật đầu đời Chu xem xét thêm bớt viết ra Lữ hình, bộ hình thư thành văn tương đối hoàn bị, kế tiếp sau Cửu hình 九刑.
Lữ Hầu trong Sử kí và Thi kinh đều viết là Phủ Hầu 甫侯, ông được thụ phong ở phía Tây huyện Uyển 宛thuộc Nam Dương 南阳 (nay thuộc huyện Nam Dương tỉnh Hà Nam ), vì vậy Lữ hình còn được gọi là Phủ hình.
Lữ hình có phải là do Lữ hầu thời Mục Vương làm ra hay không, vấn đề này các học giả đã có nhiều nghiên cứu. Có người đoán niên đại thành văn của bộ Lữ hình là vào thời Xuân Thu ở nước Lữ.
Bộ Lữ hình tổng cộng có 3 phần, 22 mục.
Với phần 1 và phần 3, tư tưởng trung tâm là nhấn mạnh đến “đức” 德và “hình” 刑. Về điểm này hoàn toàn nhất trí với tư tưởng lập pháp “Minh đức thận phạt” 明德慎罚 (làm sáng đức, thận trọng trong hình phạt) của giai cấp thống trị nhà Chu.
Phần 2 ghi chép những nguyên tắc hình phạt, chế độ thẩm phán; không điểm nào là không có tư tưởng “Minh đức thận phạt” được vận dụng cụ thể trong thực tiễn.
(Theo: chương 2 Lập pháp hoạt động立法活动 ở phần 2 Tây Chu pháp luật chế độ 西周法律制度 trong quyển Hạ, Thương, Tây Chu pháp chế sử 夏商西周法制史 của Hồ Lưu Nguyên 胡留元và Phùng Trác Tuệ 冯卓慧, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh 2006.)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/11/2013
Nguyên tác Trung văn
TÂY CHU ĐÍCH CHÍNH TRỊ HOÀ PHÁP LUẬT CHẾ ĐỘ
西周的政治和法律制度
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét