NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ KHĂN ĐỘI ĐẦU
Thời cổ, con gái đến tuổi 15 phải cử hành “kê lễ” 笄礼(lễ cài trâm) biểu thị đã trưởng thành. Lễ thành niên của con trai tương đối muộn hơn, khoảng 20 tuổi mới cử hành. Đến lúc đó phải cử hành một nghi thức gọi là “quán lễ” 冠礼 (lễ đội mũ). Quán lễ thông thường cử hành tại tông miếu, ngày giờ cụ thể do người cha chiêm bốc mà quyết định, đồng thời cũng quyết định vị khách chủ trì nghi thức quán lễ. Ngày hành lễ, người con trai sắp được đội mũ sẽ đứng trong nhà, tân khách cùng bà con trong tộc vào miếu ngồi, sau đó đưa người con trai ra bắt đầu cử hành nghi lễ.
Từ thời Thương, Chu về sau, nghi thức này không phân biệt tôn ti, ai cũng đều cần phải trải qua. Đọc Đế Vương bản kỉ trong Nhị thập tứ sử 二十四史, chúng ta thường thấy cách nói “gia nguyên phục” 加元服, và như trong Hán thư – Chiêu Đế bản kỉ 汉书 - 昭帝本纪 ghi rằng:
Tứ niên xuân Chinh nguyệt Đinh Hợi, Đế gia nguyên phục.
四年春正月丁亥,帝加元服
(Ngày Đinh Hợi tháng Giêng mùa xuân năm thứ tư, Đế làm lễ đội mũ)
“Gia nguyên phục” ở đây chỉ lễ đội mũ của Đế Vương. Thời cổ, chữ “nguyên” 元 được giải thích là “đầu” 头, ngày nay chúng ta thường nói “nguyên thủ” 元首, còn bảo lưu một bộ phận nghĩa gốc của nó. Sau khi thực hiện qua quán lễ, cách phục sức trên đầu của con trai không như nhau. Theo Chu lễ 周礼 quy định: Những bậc tôn quý từ sĩ trở lên có thể đội “quan” 冠 (mũ), dân thường dùng khăn vấn tóc. Mãi đến đời Hán vẫn như thế, như trong Thích danh – Thích thủ sức 释名 - 释首饰 ghi rằng:
Cân, cẩn dã. Nhị thập thành nhân, sĩ quán, thứ nhân cân.
巾, 谨也. 二十成人, 士冠, 庶人巾
(Cân là cẩn thận. Đến 20 tuổi thành niên, sĩ thì đội mũ, dân thường thì đội khăn)
Do bởi khăn đội đầu (đầu cân 头巾) chỉ dùng cho dân thường nên từ đó xuất hiện tình hình lấy khăn đội đầu để gọi dân thường. Như thời Xuân Thu Chiến Quốc, binh sĩ đa phần dùng khăn xanh đội đầu, vì thế gọi sĩ tốt là “thương đầu” 苍头. Trong Chiến quốc sách – Nguỵ sách 战国策 - 魏策 có câu:
Thương đầu nhị thiên vạn
苍头二千万
(Thương đầu hai ngàn vạn)
Do bởi những binh sĩ này đa phần xuất thân từ nô lệ, thứ dân nên về sau dùng từ “thương đầu” để gọi bách tính. Cũng có lúc gọi bách tính là “kiềm thủ” 黔首, điều này có liên quan đến khăn đội đầu. “Kiềm” là màu đen, “kiềm thủ” chỉ khăn đội đầu màu đen.
Không ai ngờ rằng, chiếc khăn đội đầu mà dân thường dùng cũng có ngày “vươn mình”. Đó chính là sự việc xảy ra cuối thời Đông Hán. Theo sử sách, vương công đại thần cuối thời Đông Hán, tuy theo quy định có thể phục sức cao quý, nhưng họ luôn thích dùng khăn đội đầu. Cho dù là tướng soái cao cấp như Trung quân hiệu uý Viên Thiệu 袁绍 cũng thích bỏ mũ lấy khăn đội đầu. Vì lí do gì?
Dẫn đến sự thay đổi này có nguyên nhân nhiều mặt. Đầu tiên là có mối quan hệ với chiến tranh. Cuối thời Hán, chiến loạn nối tiếp nhau đến, tướng quân võ sĩ lúc bình thường giáp trụ khó rời thân, những lúc nhàn rỗi cũng muốn thoải mái một chút. So với mũ, khăn đội đầu tiện lợi nhất. Võ sĩ trước khi đội mũ khôi lấy khăn vấn tóc, cho nên khi đến lúc chỉ cần lấy mũ xuống là được, không cần phải dùng những vật trang sức khác.
Một số kẻ thống trị xuất phát từ cá nhân đã đề xướng cũng trở thành nguyên nhân dẫn đến việc nâng cao “giá trị bản thân” của khăn đội đầu. Chuyện kể rằng, Hán Nguyên Đế 汉元帝 nhân vì tóc trước trán của mình quá dày, sợ người khác nhìn thấy chê cười cho rằng mình thiếu trí tuệ, không thông minh, nên đã dùng khăn đội đầu. Và như Vương Mãng 王莽 là người hói đầu, nên dù đội mũ cũng dùng khăn đội trước. Tục ngữ có câu:
Thượng chi sở hiếu, hạ tất thậm yên.
上之所好,下必甚焉
(Trên thích gì thì dưới cũng thích theo)
Và qua một thời gian dài, dùng khăn đội đầu trở thành phong khí.
Ngoài ra, Huyền học chịu ảnh hưởng của học thuyết Lão Trang trong con mắt của những nhân vật thuộc tầng lớp trên lúc bấy giờ chiếm một địa vị nhất định, mức độ coi trọng của mọi người đối với lễ tục, lễ pháp truyền thống không giống như trước, họ xem đội mũ là phiền phức, dùng khăn đội tiện lợi hơn. Do bởi một số nguyên nhân phức tạp này đã khiến khăn đội đầu, cách phục sức của dân thường biến thành cách “phục sức thịnh hành” trong xã hội thượng lưu.
Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, đàn ông dùng khăn đội đầu vẫn không ít, nhất là trong những người có học. Khăn đội đầu không chỉ dùng ở nhà mà cũng còn được dùng ở những lễ tiếp kiến, thậm chí có thể thay thế cả mũ khôi. Điển hình nhất là Chư Cát Lượng 诸葛亮 đội “luân cân” 纶巾chỉ huy ba quân, được đời sau truyền làm giai thoại. Chuyện kể rằng, năm đó Chư Cát Lượng cùng Tư Mã Ý 司马懿 giao chiến ở sông Vị 渭, khi quân hai bên khai chiến, Tư Mã Ý sai người đến trận tiền quân Thục dọ thám, chỉ thấy Chư Cát Lượng ngồi xe, đầu đội luân cân, tay phẩy quạt lông, thần thái ung dung chỉ huy ba quân. Tư Mã Ý nghe báo không thể không ngầm thán phục: “Có thể gọi là danh sĩ vậy”. Luân cân là một loại khăn đội đầu dùng tơ thô dệt thành. Loại khăn này dày, thích hợp việc giữ ấm. Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, không chỉ đàn ông dùng mà phụ nữ cũng dùng. Thời Thập lục quốc, quốc quân nước Triệu là Thạch Hổ Hoàng hậu 石虎皇后 ra bên ngoài, có 1000 danh nữ cưỡi ngựa theo hộ vệ, những thị vệ này toàn bộ đều đội luân cân.
Luân cân dùng nhiều vào mùa thu mùa đông. Mùa xuân mùa hạ, nhìn chung thường dùng “kiêm cân” 缣巾, “cát cân” 葛巾. Kiêm cân là loại khăn được làm từ tơ mịn, chất liệu mềm mại, nhẹ, đội lên có cảm giác phiêu dật. Cát cân là loại khăn được làm từ sợi gai, chất liệu cứng, thông khí tốt. Tương truyền danh sĩ Đào Tiềm 陶潜 thời Đông Tấn khi ẩn cư sơn lâm, thường đội cát cân. Có lúc còn dùng loại mũ này để lọc rượu, sau khi dùng xong vẫn đội trên đầu, điều này phản ánh tập tính sinh hoạt của văn nhân lúc bấy giờ hào sảng, phóng túng không câu nệ. Đời sau các thi nhân đối với việc nay thường ngâm xướng, gọi đó là “lộc tửu cân” 漉酒巾(mũ lọc rượu), như Nhan Chân Khanh 颜真卿 trong bài Vịnh Đào Uyên Minh 咏陶渊明 có câu:
Đầu đới lộc tửu cân
头戴漉酒巾
(Đầu đội lộc tửu cân)
Và Mâu Dung 牟融 trong bài Đề Tôn Quân sơn đình 题孙君山亭:
Nhàn lai dục trước đăng sơn kịch
Tuý lí hoàn phi lộc tửu cân
闲来欲著登山屐
醉里还披漉酒巾
(Lúc nhàn muốn mang loại guốc đăng sơn
Khi say hãy còn đội khăn lộc tửu)
(còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 03/11/2013
Nguyên tác Trung văn
ĐẦU CÂN SỬ THOẠI
头巾史话
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
PHỤC SỨC
中国民俗文化
服饰
Biên soạn: Hồng Vũ 鸿宇
Bắc Kinh - Tôn giáo văn hoá xuất bản xã, 2004.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét