About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Quách Mạt Nhược đối lại vế đối của thầy

QUÁCH MẠT NHƯỢC ĐỐI LẠI VẾ ĐỐI CỦA THẦY

          Theo lời kể của Quách Mạt Nhược 郭沫若 (1), khi Quách Mạt Nhược khoảng 6 tuổi học ở một tư thục, có một lần cùng mấy đứa bạn theo thầy đi câu cá, lúc về lại trường đến giờ bình chữ, thầy viết ra giấy 2 chữ “điếu ngư” 钓鱼 bảo học trò đối lại. May là trước đó không lâu, Quách Mạt Nhược xem vở múa rối có tên là “Dương Hương đả hổ” 杨香打虎 nên liền đối lại là “đả hổ” 打虎. Thầy vỗ bàn khen hay, làm đám học trò không hiểu chuyện gì.
          Về sau trước mặt phụ thân Quách Mạt Nhược, thầy hết lời khen ngợi. Thầy khen Quách Mạt Nhược  “khai khẩu bất phàm” 开口不凡 (mở miệng nói ra khác với mọi người), tương lai nhất định trở thành người hữu dụng.
          Lúc Quách Mạt Nhược lên 8 tuổi, cùng với mấy đứa bạn đi hái trộm đào nơi miếu. Người coi miếu tìm đến trường báo lại, thầy tức giận la học trò:
Tạc nhật thâu đào toản cẩu động, bất tri thị thuỳ?
昨日偷桃钻狗洞, 不知是谁?
(Hôm qua hái trộm đào chui vào lỗ chó, không biết là ai?)
          Quách Mạt Nhược khom người đối lại rằng:
Tha niên phan quế bộ thiềm cung, tất định hữu ngã.
他年攀桂步蟾宫, 必定有我
(Ngày sau vin cành quế bước đến cung thiềm, nhất định có ta)
          Thầy kinh ngạc về tài năng của Quách Mạt Nhược, trong phút chốc chuyển giận thành vui, không truy cứu chuyện cũ.

Hai cặp đối:
Điếu ngư
钓鱼
Câu cá

Đả hổ
打虎
Đánh cọp

Tạc nhật thâu đào toản cẩu động, bất tri thị thuỳ?
Tha niên phan quế bộ thiềm cung, tất định hữu ngã.
昨日偷桃钻狗洞, 不知是谁?
他年攀桂步蟾宫, 必定有我
Hôm qua hái trộm đào chui vào lỗ chó, không biết là ai?
Ngày sau vin cành quế bước đến cung thiềm, nhất định có ta.
  
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- QUÁCH MẠT NHƯỢC (郭沫若) (1892 – 1978):
          Vốn tên Quách Khai Trinh (郭開貞), tự Đỉnh Đường (鼎堂), hiệu Thượng Vũ (尚武), bút danh Mạt Nhược (沫若) (nhân vì nơi quê ông có hai con sông là Mạt thuỷ và Nhược thuỷ), sinh ngày 16 tháng 11 năm 1982 tức ngày 27 tháng 9 năm Quang Tự thứ 18 tại trấn Sa Loan (沙灣) làng Quan Nga (觀娥) huyện Lạc Sơn (樂山) tỉnh Tứ Xuyên (四川).
          Năm 1906, học tại trường Cao Đẳng Gia Định (Gia Định Cao đẳng học đường - 嘉定高等學堂). Năm 1914 du học tại Nhật, đầu tiên học y , sau ông theo văn chương. Trong thời gian này ông tiếp xúc với những tác phẩm của tác tác gia nước ngoài như Rabindranath Tagore, Johann Wolfgang von Goethe, William Shakespeare, Walt Whitman.
          Mùa Xuân năm 1918, quyển tiểu thuyết đầu tiên của ông ra đời “Mục dương ai thoại” (牧羊哀話), cũng mùa Hè năm đó ông viết “Tử đích dụ hoặc” (死的誘惑),đây là  tập thơ mới sớm nhất của ông. Năm 1919, phong trào Ngũ Tứ bùng nổ, tại Nhật ông đã phát động tổ chức  đoàn thể cứu quốc Hạ xã,  dồn sức cho phong trào Tân văn hoá, sáng tác những bài thơ như “Phụng hoàng niết bàn” (鳳凰涅磐), “Địa cầu – Ngã đích mẫu thân” (地球 - 我的母親), “Lô trung môi” (爐中煤). Tập thơ “Nữ thần” (女神) của ông đã thoát khỏi sự trói buộc của thi ca truyền thống, phản ánh tinh thần thời đại Ngũ Tứ.
          Năm 1923, sau khi tốt nghiệp đại học tại Nhật, ông về nước, từ đó ông học tập một cách có hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác, đề xướng văn học vô sản. Từ năm 1924 đến năm 1927, ông sáng tác các vở kịch lịch sử như “Vương Chiêu Quân” (王昭君), “Nhiếp Oanh” (聶嫈), “Trác Văn Quân” (卓文君). Năm 1928 ông lại sang Nhật, tại Nhật ông chuyên nghiên cứu lịch sử cổ đại Trung Quốc và cổ văn tự học, biên soạn “Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu” (中國古代社會研究), “Giáp cốt văn nghiên cứu” (甲骨文研究). Năm 1937, cuốc kháng chiến chống Nhật bùng nổ, ông về nước giữ chức chủ nhiệm Uỷ ban công tác văn hoá, đoàn kết các nhân sĩ văn hoá tiến bộ đi theo phong trào khàng Nhật. Năm 1941, sau “Hoản Nam sự biến” (皖南事變), ông viết các vở kịch lịch sử như “Khuất Nguyên” (屈原), “Hổ phù” (虎符), “Đường đệ chi hoa” (棠棣之花), “Khổng tước đảm” (孔雀膽), “Nam quan thảo” (南冠草), “Cao Tiệm Ly” (高漸離), tập thơ chiến đấu “Chiến thanh tập” (戰聲集)cùng tạp văn “Giáp Thân tam bách niên tế” (甲申三百年祭).
          Sau khi nước Trung Hoa mới thành lập, ông từng giữ qua các chức vụ như Phó tổng lý Chính vụ viện kiêm chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá giáo dục; Phó uỷ viên trưởng Uỷ ban thường vụ đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc; Viện trưởng Viện Khoa học Trung Quốc; Chủ nhiệm Bộ Triết học khoa học xã hội Viện Khoa học Trung Quốc; Uỷ viên Hội đồng nhân dân bảo vệ hoà bình  thế giới của Trung Quốc; Hội trưởng danh dự hội Hữu nghị Trung Nhật; Ông cũng là uỷ viên trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc các khoá 9, 10, 11. Quách Mạt Nhược là người đặt nền móng cho phong trào thơ mới ở Trung Quốc, cũng là lãnh tụ văn hoá cách mạng kế tục Lỗ Tấn được thế giới công nhận. Có thể nói ông là văn học gia, thi nhân, kịch tác gia, khảo cổ học gia, tư tưởng gia, cổ văn tự học gia, lịch sử học gia, thư pháp gia và cũng là nhà cách mạng, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng.
            Những trứ tác như “Giáp cốt văn tự nghiên cứu” (甲骨文字研究), “Lưỡng Chu kim văn từ đồ lục khảo thích” (兩周金文辭圖錄考釋),  “Kim văn tùng khảo” (金文叢考), “Bốc tự thông toản” (卜辭通纂) từng gây chấn động trong giới học thuật. Tác phẩm của ông được tập trung in thành bộ “Quách Mạt Nhược văn tập” (郭沫若文集) (17 quyển) và “Quách Mạt Nhược toàn tập” (郭沫若全集)
          Quách Mạt Nhược mất ngày 12 tháng 6 năm 1978 tại Bắc Kinh, thọ 86 tuổi.  (ND)
          (Nguồn http://baike.baidu.com/view/2021.htm

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 13/11/2013

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
KHINH TÙNG HỌC ĐỐI LIÊN
轻松学对联
Tác giả: Nghiêm Ân Huyên 严恩萱
                      Nghiêm Khảo Lượng 严考亮
Quảng Châu – Kí Nam đại học xuất bản xã, 2005.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét