QUAN CHẾ TRUNG ƯƠNG
(tiếp theo)
1- Phụng thường 奉常, đầu đời Hán theo dùng danh xưng này, về sau đổi gọi là Thái thường 太常, nắm giữ việc lễ nghi ở tông miếu .
2- Lang trung lệnh 郎中令, đầu đời Hán cũng dùng theo danh xưng này, về sau đổi gọi là Quang lộc huân 光祿勳, quản thị vệ cung đình.
3- Vệ uý 衛尉, đầu đời Hán Cảnh Đế 漢景帝đổi gọi là Trung đại phu lệnh 中大夫令, quản cận vệ quân ở các cung môn.
4- Thái bộc 太僕, quản ngựa xe của Hoàng đế.
5- Đình uý 廷尉, đời Hán có lúc gọi là Đại lí 大理, đây là vị pháp quan cao nhất.
6- Điển khách 典客, đầu thời Hán theo dùng danh xưng này, về sau đổi gọi là Đại hành lệnh 大行令, Đại hồng lô 大鴻臚, quản lí việc các dân tộc thiểu số đến triều.
7- Tông chính 宗正, quản lí sự việc trong hoàng tộc.
8- Trị túc nội sử 治粟內史, đầu đời Hán dùng theo danh xưng này, về sau đổi gọi là Đại nông lệnh 大農令, Đại tư nông 大司農, quản lí tô thuế cùng phú dịch.
9- Thiếu phủ 少府, quản lí tổng vụ trong cung đình.
Các quan nói trên về sau gọi là “cửu khanh” 九卿. Trong “cửu khanh”, Đình uý, Điển khách và Trị túc nội sử quản chính vụ, lục khanh còn lại quản sự vụ riêng của Hoàng đế.
Ngoài cửu khanh còn có Trung uý 中尉 quản việc trị an ở kinh sư (về sau gọi là Chấp kim ngô 執金吾), cùng với Tương tác thiếu phủ 將作少府 quản việc xây dựng cung thất (về sau gọi là Tương tác đại tượng 將作大匠).
Các khanh đều có thuộc quan của mình, ở đây chỉ nói về thuộc quan của Trung lệnh (Quang lộc huân) là Đại phu 大夫 và Lang sảo 郎稍:
Đời Hán có Thái trung đại phu 太中大夫, Trung đại phu 中大夫(Hán Vũ Đế 漢武帝 đổi gọi là Quang lộc đại phu 光祿大夫). Đại phu nắm giữ “luận nghị” “không có việc cố định, chỉ làm theo chiếu mệnh”, mang tính chất “tản quan” 散官 của đời sau.
“Lang” là từ thông xưng gọi thị vệ quan của Hoàng đế, có Nghị lang 議郎, Trung lang 中郎, Thị lang 侍郎, Lang trung 郎中. Nghị lang giữ việc cố vấn ứng đối, tương đối đặc biệt. Các Lang khác đều “giữ việc canh phòng, bổ sung xa kị”.
Ngoài ra Hán Vũ Đế còn đặt ra Kì môn 期門, Vũ lâm 羽林 được xem là thuộc quan của Quang lộc huân. Kì môn là thị tụng khi Hoàng đế vi hành (1); Vũ lâm là quan túc vệ (2), cả hai đều thuộc loại Lang, cho nên có danh xưng Kì môn lang 期門郎 và Vũ lâm lang 羽林郎.
Nói thêm về “gia quan” đời Hán, đây là một chức quan gia thêm ngoài chức quan chính.
Gia quan đời Hán có Thị trung 侍中, Cấp sự trung 給事中. Người được gia thêm Thị trung thì có thể ra vào cung cấm, trở thành thân tín của Hoàng đế. Người được gia thêm Cấp sự trung thì có thể tiến hành giám sát và đàn hặc quan viên cung đình. Đời sau, Thị trung trở thành thủ trưởng Môn hạ sảnh, Cấp sự trung trở thành thuộc quan của Môn hạ sảnh.
Gia quan đời Hán còn có Trung thường thị 中常侍 và Tán kị 散騎. Trung thường thị phục vụ cho Hoàng đế trong cung cấm (thời Đông Hán đổi dùng hoạn quan). Tán kị là kị tụng của Hoàng đế, nắm giữ việc “hiến khả thế phủ” 獻可替否 (*). Thời Tào Nguỵ gọi chung là Tán kị thường thị 散騎常侍, cố vấn cho Hoàng đế đồng thời giữ việc can gián. Thời Nam Bắc triều, Tán kị thường thị là thủ trưởng của Tập thư sảnh 集書省, đời sau nhập vào Môn hạ sảnh.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Hán thư – Bách quan Công Khanh biểu 漢書 - 百官公卿表 chú dẫn lời của Phục Kiền 服虔:
Dữ kì môn hạ dĩ vi hành, hậu toại dĩ vi quan
與期門下以微行, 後遂以為官
(Hẹn nơi cửa để cùng vi hành, sau đặt thành chức quan)
Vương Tiên Khiêm 王先謙nói rằng:
Kì chư điện môn, cố hữu Kì môn chi hiệu
期諸殿門, 故有期門之號
(Hẹn (kì) nơi cửa điện nên có tên là “Kì môn” )
(2)- Hán thư – Bách quan Công Khanh biểu 漢書 - 百官公卿表 Nhan Sư Cổ 顏師古chú rằng:
Vũ lâm diệc túc vệ chi quan, ngôn kì như vũ chi tật, như lâm chi đa dã. Nhất thuyết vũ sở dĩ vi vương giả vũ dực dã.
羽林亦宿衛之官, 言其如羽之疾, 如林之多也. 一說羽所以為王者羽翼也
(Vũ lâm cũng là quan túc vệ, ý nói nhanh như cánh chim, nhiều như rừng. Có thuyết cho là vây cánh của vua)
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- HIẾN KHẢ THẾ PHỦ 獻可替否: câu này xuất xứ ở Tả truyện – Chiêu Công nhị thập niên 左傳 - 昭公二十年:
Quân sở vị khả nhi hữu phủ yên, thần hiến kì phủ dĩ thành kì khả. Quân sở vị phủ nhi hữu khả yên, thần hiến kì khả dĩ khứ kì phủ.
君所謂可而有否焉, 臣獻其否以成其可. 君所謂否而有可焉, 臣獻其可以去其否.
(Với công việc, nếu vua cho là có thể làm được nhưng thật ra không thể
làm được thì bề tôi dâng lời can gián để làm những gì mà có thể làm được. Nếu vua cho là không thể làm nhưng thật ra có thể làm được thì bề tôi hiến cách làm được để loại bỏ những chỗ không làm được)
Về sau “hiến khả thế phủ” dùng để chỉ bề tôi can gián vua, khuyên làm những điều thiện, loại bỏ những điều sai.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/11/2013
Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét