CÁT KÊ YÊN DỤNG NGƯU ĐAO
割鸡焉用牛刀
Giết gà sao lại dùng dao mổ trâu. Ví làm một việc nhỏ không cần phải dùng những những phương cách lớn.
Điển xuất từ Luận ngữ - Dương Hoá 论语 - 阳货
Học trò của Khổng Tử 孔子 là Tử Du 子游 nhậm chức Lệnh tại ấp Vũ Thành 武城, ông đã dùng lễ nhạc để giáo hoá dân. Khổng Tử khi đến Vũ Thành chỉ nghe tiếng đàn hát, liền cười nói đùa rằng:
Giết gà sao lại dùng dao mổ trâu?
Tử Du nói rằng:
Trước đây con có nghe thầy dạy rằng: ‘Quân tử học đạo thì yêu người, tiểu nhân học đạo thì dễ sai bảo.
Khổng Tử bảo:
Đúng đấy, lúc nãy là ta chỉ nói đùa đó thôi.
Chú của người dịch
子之武城, 聞弦歌之聲, 夫子莞爾而笑曰: “割雞焉用牛刀?” 子游對曰 : “昔者, 偃也聞諸夫子曰: ‘君子學道則愛人, 小人學道則易使也’.” 子曰: “二三子! 偃之言是也; 前言戲之耳.”
Phiên âm
Tử chi Vũ Thành, văn huyền ca chi thanh, Phu Tử hoản nhĩ nhi tiếu viết: “ Cát kê yên dụng ngưu đao?” Tử Du đối viết: “ Tích giả, Yển dã văn chư Phu tử viết: ‘Quân tử học đạo tắc ái nhân, tiểu nhân học đạo tắc dị sử dã’.” Tử viết: “Nhị tam tử! Yển chi ngôn thị dã; tiền ngôn hí chi nhĩ .”
Dịch nghĩa
Khổng tử đi đến Vũ Thành, nghe tiếng đàn hát, Khổng Tử mỉm cười bảo rằng: “Giết gà sao lại dùng dao mổ trâu?” Tử Du thưa rằng: “Ngày trước, Yển con (Tử Du) có nghe thầy dạy rằng: ‘ Quân tử học đạo thì yêu người, tiểu nhân học đạo thì dễ sai bảo’.” Khổng Tử bảo rằng: “Này các trò, lời của anh Yển là đúng đấy, lúc nãy là ta chỉ nói đùa đó thôi.”
Chú giải
Vũ Thành là một huyện nhỏ nơi Tử Du làm quan, Khổng Tử đến, nghe tiếng đàn hát, biết được Tử Du đã dùng lễ nhạc để giáo hoá bách tính. Khổng Tử rất hài lòng và đã nói đùa “Giết gà sao lại dùng dao mổ trâu?” Thực ra ý của Khổng Tử không phải là với huyện nhỏ không dùng lễ nhạc, cũng không phải chỉ là nói đùa vô cớ, mà là Khổng Tử tiếc cho Tử Du không được cai trị cả một nước lớn.
(Theo: Tứ thư : ngôn văn đối chiếu - 四書: 言文對照, tập Luận ngữ, trang 321 – 322 , bản Trung văn của Hương Cảng Quảng Trí thư cục xuất bản )
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 31/5/2015
Nguồn
THƯỜNG DỤNG ĐIỂN CỔ
常用典故
Biên soạn: Tôn Lập Quần 孙立群, Lí Ái Trân 李爱珍
Thượng Hải đại học xuất bản xã, 2005
0 nhận xét:
Đăng nhận xét