TÔ VŨ CHĂN DÊ
(tiếp theo)
Quả nhiên triều Hán đòi Hung Nô trao trả Tô Vũ trở về. Thiền vu nói dối Tô Vũ đã chết từ rất lâu, sự kiện này bị Thường Huệ 常惠 biết được. Sau đó khi triều Hán phái sứ giả đến Hung Nô một lần nữa, Thường Huệ liền theo, vào lúc đêm tối lén gặp Hán sứ, đem tình hình của Tô Vũ nói lại, đồng thời đưa ra chủ ý.
Ngày hôm sau, sứ giả triều Hán hội kiến Thiền vu Hung Nô, một lần nữa yêu cầu trao trả Tô Vũ. Thiền vu Hung Nô vẫn nói dối là Tô Vũ đã chết, Hán sứ nghiêm khắc trách Thiền vu rằng:
Trước đây không lâu, hoàng đế triều Hán lúc đi săn tại vường Thượng Lâm, đã bắn được một con chim nhạn đang bay về phương nam, trên chân chim nhạn có buộc một lá thư được viết trên lụa, đó là bút tích của Tô Vũ. Trong thư nói rằng Tô Vũ đang chăn dê nơi Bắc Hải.
Thiền vu Hung Nô thất kinh, vừa nghe vừa nhìn đại thần bên cạnh, cuối cùng đành phải xin lỗi sứ giả triều Hán, nói rằng:
Nhóm người của Tô Vũ quả thật còn sống.
Để biểu thị việc cần cải thiện mối quan hệ, Thiền vu Hung Nô liền đáp ứng yêu cầu của Hán sứ, quyết định để Tô Vũ trở về lại triều Hán.
Mùa xuân năm đó, gió mát trời trong, phong cảnh tươi đẹp, sau 19 năm xa cách, tóc Tô Vũ đã bạc trắng, về đến được Trường An mà lòng luôn mong đợi, nhìn thấy lại giang sơn gấm vóc của cố hương. Để biểu dương công lao của Tô Vũ, Hán Chiêu Đế phong ông là Hoàng Thuộc Quốc 黄属国, ban cho 200 vạn tiền, 2 khoảnh ruộng, một gian nhà. Thường Huệ常惠, Từ Thánh 徐圣, Triệu Chung 赵终cùng về với Tô Vũ cũng được phong quan, mỗi người được ban thưởng 200 tấm đoạn. Sáu người khác cáo lão về quê, mỗi người được ban thưởng 10 vạn tiền, đồng thời được miễn lao dịch suốt đời.
Tô Vũ đi sứ Hung Nô từ năm 100 trước công nguyên đến khi trở về trải qua 19 năm. Khi đi sứ Tô Vũ chỉ mới 40 tuổi, đương lúc tráng niên; khi về đã là một ông lão gần 60 tuổi. Hơn 100 người cùng với Tô Vũ đi sứ, có người đã chết, có người đầu hàng, khi về chỉ còn lại 9 người.
Năm 60 trước công nguyên, Tô Vũ bệnh và qua đời, hưởng niên hơn 80 tuổi, nhưng khí tiết hạo nhiên của ông mãi trường tồn. Tô Vũ trở thành một trong những nhân vật yêu nước nổi tiếng nhất trong lịch sử dân tộc Trung Hoa.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 30/5/2015
Nguyên tác Trung văn
TÔ VŨ MỤC DƯƠNG
苏武牧羊
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
0 nhận xét:
Đăng nhận xét