TƯ MÃ THIÊN NHẪN NHỤC VIẾT “SỬ KÍ”
Tư Mã Thiên 司马迁 bắt đầu viết bộ Sử kí 史记 là vào năm 42 tuổi, vừa mới viết được 5 năm thì đại hoạ giáng xuống đầu. Lí Lăng 李陵, người đảm nhiệm chức Đô uý, thống lĩnh 5000 nhân mã đi đánh Hung Nô, kết quả bị 3 vạn kị binh của Thiền vu vây chặt. Mặc dù Lí Lăng và sĩ binh ra sức chiến đấu, nhưng vì quả bất địch chúng nên đã bại trận, chỉ có hơn 400 binh sĩ thoát được trở về. Lí Lăng bị Hung Nô bắt đầu hàng. Sự kiện này chấn động triều đình trên dưới, quần thần khiển trách Lí Lăng không nên tham sống sợ chết đầu hàng Hung Nô. Khi hoàng đế hỏi ý kiến của Tư Mã Thiên, Tư Mã Thiên dựa vào sự hiểu biết của mình về Lí Lăng, cho rằng Lí Lăng không phải là người tham sống sợ chết, bộ binh mà Lí Lăng thống lĩnh chưa đến 5000 người, thâm nhập vào đất địch đánh với mấy vạn quân Hung Nô, tuy nói là bại trận, nhưng cũng là trong tình lí. Lí Lăng không chịu chết ngay lúc đó chắc có lí do riêng, nhất định muốn đem công chuộc tội báo đáp hoàng thượng. Hoàng đế lại cho rằng Tư Mã Thiên vì việc Lí Lăng đầu hàng nói đỡ để thoát tội nên lấy tội danh đối kháng triều đình bắt Tư Mã Thiên giam vào ngục. Sau khi bị giam vào ngục, Tư Mã Thiên đã bị một hình phạt tàn khốc, đó là cung hình.
Tư Mã Thiên nghĩ rằng: không có nỗi nhục nào hơn nỗi nhục cung hình. Người bị cung hình không thể xem là con người. Nỗi đau khổ trong lòng Tư Mã Thiên đã vượt hơn nỗi đau thể xác cả ngàn vạn lần. Lại thêm mọi người chê cười, bạn bè thân thích xa lánh, Tư Mã Thiên đau buồn đến mức không thiết sống. Giữa vấn đề sống và chết, Tư Mã Thiên phải nhẫn nhịn chịu sỉ nhục, chịu sự chê cười của mọi người, sống một cuộc sống không phải nam không phải nữ. Tư Mã Thiên nghĩ đến Khổng Tử gặp hoạn nạn mà viết nên bộ Xuân Thu 春秋, Tôn Tử bị cắt gót chân mà viết nên bộ Binh pháp 兵法, Khuất Nguyên bị đuổi mà viết nên Li Tao 离骚. Những vĩ nhân này sau khi gặp đại nạn đều nhẫn chịu nỗi giằn vặt mà viết sách. Bộ Sử kí của mình vừa mới bắt đầu, sao không nhẫn nhục để hoàn thành? Như vậy, để hoàn thành bộ Sử kí, một công trình vĩ đại, Tư Mã Thiên đã lấy tinh thần kiên cường ẩn nhẫn và dũng khí quên mình để viết. Nỗi xấu hổ, sỉ nhục, phẫn nộ, tất cả ngưng tụ vào ngọn bút, Tư Mã thiên bắt đầu giai đoạn từ thời đại Hoàng Đế 黄帝 trong truyền thuyết đến năm Thái Thuỷ 太始 (1) thứ 2 đời Hán Vũ Đế (năm 95 trước công nguyên), biên soạn nên bộ trứ tác đồ sộ, được Lỗ Tấn 鲁迅 đánh giá là:
Sử gia chi tuyệt xướng, vô vận chi Li tao
史家之绝唱, 无韵之离骚
Cái nhẫn của Tư Mã Thiên đã thể hiện sự bất khuất trong quá trình truy cầu lí tưởng, thể hiện ý chí kiên cường. Ông đã đem nỗi thống khổ sỉ nhục của cá nhân chôn sâu vào tâm linh, nhìn nhưng không thấy nhân tình và thế đời ấm lạnh, luôn phấn đấu vì nhân loại viết nên bài thơ bất hủ, dùng bước chân kiên định đi đến chỗ vĩnh hằng.
Chú của người dịch
(1)- Niên hiệu Thái Thuỷ 太始 của Hán Vũ Đế bắt đầu từ năm 96 đến năm 93 trước công nguyên. Trong nguyên tác in nhầm là Thái Sử 太史.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 16/5/2015
Nguyên tác Trung văn
TƯ MÃ THIÊN NHẪN NHỤC TẢ “SỬ KÍ”
司马迁忍辱写“史记”
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
0 nhận xét:
Đăng nhận xét