BÁCH GIA TRANH MINH – XUÂN THU
(Năm 770 – năm 476 trước công nguyên)
Thời Đông Chu được các sử gia chia làm 2 thời kì đó là Xuân Thu và Chiến Quốc, trung tâm chính trị của thời kì này dần từ Chu thất chuyển đến các nước chư hầu. Tên gọi “Xuân Thu” bắt nguồn từ bộ sử Xuân Thu 春秋 của nước Lỗ. Bộ sách này lấy sự vụ của nước Lỗ làm trung tâm, kiêm ghi những chính sự quan trọng của các nước, đây là những ghi chép lịch sử trực tiếp nhất và đáng tin nhất ở thời đại này. Những ghi chép của bộ sử thư theo thể biên niên này, bắt đầu từ Lỗ Ẩn Công 鲁隐公 năm thứ nhất (năm 772 trước công nguyên) và kết thúc ở Lỗ Ai Công 鲁哀公năm thứ 16 (năm 479 trước công nguyên), vì thế, các sử gia đã gọi thời kì này là thời kì “Xuân Thu”. Khi Xuân Thu bắt đầu ghi chép, chính quyền Đông Chu đã có lịch sử gần 50 năm, nhưng để tiện việc kí thuật, mấy chục năm này vẫn được quy nhập vào thời Xuân Thu.
Năm 770 trước công nguyên, sau khi Chu Bình Vương 周平王dời đô sang phía đông, quyền lực của vương thất đã suy yếu, nhưng trước khi hình thành trung tâm quyền lực mới, nó vẫn tượng trưng cho tập quyền thiên hạ, cho nên Trịnh Bá 郑伯 mới muốn cùng Chu thiên tử tranh đoạt quyền lực của Chu thất. Nhưng, thời gian trôi qua, sự việc biến đổi, đồng thời với việc thế lực của Chu thiên tử đi xuống, thì thế lực của chư hầu đã tăng lên. Quyền lực đi xuống mang ý nghĩa địa vị độc tôn đã mất. Trịnh Bá đánh bại Chu Vương, trở thành bá chủ của thời kì đầu Xuân Thu. Nhưng, việc nước Trịnh gạt thiên tử sang một bên, cũng khiến cho lực lượng chư hầu có được sự phát triển thực chất, cuối cùng nước Trịnh suy yếu, thay nước Trịnh là lực lượng phát triển không đều nhau của các nước.
Cùng lúc ấy, các nước ở trung nguyên đánh nhau, đầu tiên nước Sở ở phương nam bị các nước ở trung nguyên cho là man di đã nhanh chóng quật khởi, hình thành sự uy hiếp to lớn đối với các nước ở trung nguyên. Còn các dân tộc thiểu số ở chung quanh có nền kinh tế phát triển tương đối chậm cũng không ngừng xâm đoạt lợi ích của các nước ở trung nguyên. Vì thế, bá nghiệp của Tề Hoàn Công 齐桓公 đã theo thời vận mà sinh ra. Tề Hoàn Công giương ngọn cờ “Tôn vương nhương di” 尊王攘夷, đoàn kết chư hầu, cùng nhau đối phó với sự uy hiếp của các dân tộc chung quanh, và đã có tác dụng then chốt. Trong hơn 40 năm xưng bá của Tề Hoàn Công, khu vực trung nguyên tương đối yên tĩnh. Duy nhất một việc không đáng đó là việc nước Tấn ở phía bắc bị nội loạn, trước sau đối với bá nghiệp của mình, Tề Hoàn Công vẫn bàng quan. Năm 643 trước công nguyên, sau khi Tề Hoàn Công mất, Tống Tương Công 宋襄公 không lượng sức mình, từng có dã tâm mưu đồ bá nghiệp, nhưng đã bị nước Sở đánh bại. Khi nước Sở chuẩn bị thừa lúc sơ hở để tiến vào, Tấn Văn Công 晋文公lại đánh bại nước Sở tại trận chiến Thành Bộc 城濮, đồng thời liên hợp với Tần, tái hưng nghiệp bá. Đáng tiếc là, Tấn Văn Công lúc vãn niên được ngôi vị, chưa kịp hưởng thụ vinh diệu, khiến cho hoà bình vào giữa thời Xuân Thu không thể kéo dài.
Sau khi hoà bình giữa thời Xuân Thu qua đi, là những năm tháng đại hỗn loạn. Cuộc chiến giữa Tấn, Tần và Tấn, Sở, dừng rồi đánh, đánh rồi dừng gần cả trăm năm. Các nước nhỏ trong khu vực trung nguyên bị kẹp vào trong, vô cùng cực khổ. Lúc mọi người cảm thấy sức lực kiệt quệ, sự kiện “Hướng Nhung nhị binh” 向戎弭兵 (1) năm 546 trước công nguyên đã đem lại cho trung nguyên nửa thế kỉ hoà bình. Khi các nước lớn ở trung nguyên thế lực ngang nhau, thì nước Ngô và nước Việt ở phía đông nam phát triển thành đại quốc quân sự hùng mạnh. Trước tiên nước Ngô hướng đến nước Sở khiêu chiến, và năm 506 trước công nguyên có lần chiếm lĩnh đô thành nước Sở. 10 năm sau, nước Ngô lại đánh bại nước Việt, biểu hiện mưu đồ xưng bá trung nguyên. Các nước lớn khác đương nhiên không thể ngồi nhìn nước Ngô khuếch trương nên cũng đã gươm giáo sẵn sàng, chuẩn bị đến thời Chiến Quốc sau này nhất quyết tranh tài cao thấp.
Chính trị của thời Xuân Thu cơ bản có 2 đặc điểm:
- Chính trị bá chủ
- Từng bước chuyển hoá từ tập quyền đến phân quyền.
Gọi là bá chủ, thông thường nói có “ngũ bá”, kì thực từ ý nghĩa chính thống mà nói, “minh chủ” 盟主 do Chu Vương phong cho chỉ có Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công; nhưng từ thành tựu thực tế mà nói, chỉ có thời đại đỉnh thịnh của Tề Hoàn Công đối với hội minh chư hầu mới có tính chủ động tương đối. Những người khác như Tần Mục Công 秦穆公, Tống Tương Công 宋襄公, Sở Trang Vương 楚庄王, Tấn Điệu Công 晋悼公, Ngô Vương Hạp Lư 吴王阖闾, không từ bỏ dã tâm xưng bá thiên hạ, nhưng thực tế về phương diện sức hiệu triệu, đều phải nhường Tề Hoàn, Tấn Văn, gọi họ là “bá” bổ sung số lượng cũng chỉ là do bởi “bá khí” của họ tràn đầy mà thôi.
Gọi là phân quyền, chỉ chư hầu nắm lấy quyền lực thiên tử, khanh đại phu cũng dần nắm lấy quyền lực quân chủ, thậm chí còn có gia thần của khanh đại phu đoạt lấy quyền lực của chủ nhân mình. Đối kháng quân sự là thủ đoạn chủ yếu để di chuyển quyền lực, còn sự cần thiết chiến tranh có thể thúc đẩy sự thay thế chế độ cũ mới. Trong đó rõ ràng nhất là sự thay đổi chế độ đất đai và chế độ pháp luật, việc không ngừng cải tiến 2 phương diện này đã nâng cao tính tích cực sản xuất của người lao động, cuối cùng thúc đẩy được sức sản xuất phát triển. Phân quyền cũng thúc đẩy sự tiến bộ của văn hoá. Mặc dù đây là thời đại “lễ băng nhạc hoại”, nhưng tinh thần Chu lễ lại từ rào giậu quan phương vùng thoát ra, tạo không gian khoáng đãng cho các tư tưởng gia ruổi dong tư tưởng. Việc nâng cao sức sản xuất và nỗi thống khổ mà chiến tranh mang lại đã làm dao động địa vị của thần linh, tư tưởng của chủ nghĩa thực dụng bắt đầu thâm nhập lòng người, đồng thời dự báo thời đại bách gia tranh minh sẽ đến. Nếu không có phân quyền và đấu tranh thì rất khó tưởng tượng sự phồn vinh về các phương diện của thời đại Xuân Thu .
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- HƯỚNG NHUNG NHỊ BINH 向戎弭兵:
Nhị binh 弭兵: tức đình chỉ chiến tranh.
Năm 579 trước công nguyên, Thượng quân soái nước Tấn là Sĩ Nhiếp 士燮 cùng với công tử nước Sở là Bãi Toại 罢遂 đính lập minh ước ở ngoài cổng phía tây đô thành nước Tống. Minh ước quy định Tấn, Sở không được gây chiến, phải đồng tâm thương yêu chư hầu, trao đổi sứ qua lại. Nhưng lúc bấy giờ Tấn và Sở đều không có thành ý đình chỉ chiến tranh, nên sau 4 năm minh ước, hai nước lại phát sinh trận chiến Yên Lăng 鄢陵, minh ước đình chỉ chiến tranh không còn hiệu lực. Năm 546 trước công nguyên, Tả Sư nước Tống là Hướng Nhung 向戎 lại làm trung gian giữa hai nước Tấn và Sở, một lần nữa thỉnh cầu “nhị binh”. Chư hầu biểu thị tán đồng. Tháng 7 năm đó, đính lập minh ước “nhị binh” tại ngoài Mông môn 蒙门 đô thành nước Tống. Tham dự kết minh có quan Đại phu Triệu Vũ 赵武 nước Tấn, Khuất Kiến 屈建nước Sở cùng quân chủ của các tiểu quốc. Tấn Sở ước định, trừ Tề, Tần ra, các nước đều phải triều cống cho Tấn và Sở. Do bởi lúc bấy giờ nội bộ nước Tấn xuất hiện đại phu chuyên quyền kiêm tính, nên không đủ sức tiến hành chiến tranh với Sở, còn Sở cũng bị nước Ngô kiềm chế nên cũng không đủ sức cùng với Tấn tranh bá trung nguyên, cho nên sau khi kết minh, đã cùng các nước đình chỉ chiến tranh hơn 10 năm, riêng Tấn và Sở hơn 40 năm không phát sinh chiến tranh.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 29/10/2013
Nguyên tác Trung văn
BÁCH GIA TRANH MINH – XUÂN THU
百家争鸣 - 春秋
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét