TRUYỀN THUYẾT LAM THÁI HOÀ
Lam Thái Hoà 蓝采和 là vị tiên nhân chỉ tồn tại trong truyền thuyết, tịch quán và họ tên chân thực của ông không thể tra cứu, những câu chuyện về ông được lưu truyền được thấy sớm nhất trong Tục tiên truyện 续仙传 của Thẩm Phần 沈汾 đời Đường. Tục tiên truyện chép rằng:
Không biết là người như thế nào, áo quần lam lũ ….. Thường vừa đi vừa hát để xin ăn nơi thành thị ….. giống như người điên. Mỗi bước đi đều giậm chân hát rằng:
Đạp ca Lam Thái Hoà, thế gian được mấy người? Hồng nhan một gốc xuân, thời gian như thoi dệt. ….
Sau đến vùng Hào Lương 濠梁, say nơi tửu lâu, nghe có tiếng chim hạc cùng tiếng tiêu vang đến, bỗng thấy ông nhẹ nhàng bay lên mây, quăng lại chiếc giày, dây lưng và phách bản, từ từ đi mất.
Ngoài ra, trong Bát tiên xuất xử đông du kí 八仙出处东游记, tác giả nói ông là tiền thân của Xích Cước đại tiên 赤脚大仙, miêu tả về ông rất thông tục nhưng sinh động:
Lam Thể Hoà là do Xích Cước đại tiên giáng sinh. Thân tuy là người, nhưng không mất đi bản tính, phóng túng không câu thúc, rong chơi trên cõi đời, áo quần lam lũ, dây thắt lưng lớn, rộng khoảng hơn 3 tấc; một chân mang giày, một chân để trần. Mùa Hạ mặc thêm áo bông, trời nắng gắt mà không đổ mồ hôi; mùa Đông thì mặc áo đơn đùa với tuyết, hơi từ tai, miệng, mũi tuôn ra. Mỗi khi vào thành xin tiền, tay cầm phách bản lớn độ hơn 3 thước, say mà hát. Người già trẻ em đều theo coi. Ông giống như cuồng, khi hát thì thuận miệng sáng tác, khúc hát đều có ý về thần tiên, không ai đoán được. Khi được tiền, ông dùng dây xâu lại, hoặc vung đi không thèm để ý, có lúc tặng cho người nghèo hoặc mua rượu uống. Ông đi khắp thiên hạ, có người từ lúc nhỏ đã gặp ông, đến khi đầu bạc lại gặp lại, thế mà tóc tai và dung mạo của ông vẫn như thở nào. Về sau, ông gặp Lí Thiết Quải 李铁拐, cùng nhau bàn về đạo. Một ngày nọ, ông uống rượu ở tửu lâu tại Hào Lương, trên không trung có tiếng sênh tiếng tiêu, bỗng nhiên thấy ông cưỡi hạc; áo, dây thắt lưng và giày rơi xuống, ông từ từ đi mất. Mọi thấy quần áo của ông xem như là ngọc. Trông chốc lát cũng đều biến mất. Trong số những bài đạp ca của Lam Thái Hoà, có một bài rất nổi tiếng:
‘Đạp ca Lam Thái Hoà, thế gian được mấy người? Hồng nhan một gốc xuân, thời gian như thoi dệt. ….’
‘Người xưa tịch mịch bỏ đi mất, người nay lũ lượt tới càng đông. Sáng cưỡi loan phụng đến Bích lạc, chiều thấy ruộng dâu nổi sóng dâng. Cảnh đẹp sáng trong nơi trời biếc, cung vàng điện bạc cao cheo leo.’
Đời Nguyên, Lam Thái Hoà được xem là một trong bát tiên.
Trong 2 vở tạp kịch Trần Quý Khanh ngộ đạo trúc diệp chu 陈季卿悟道竹叶舟 của Phạm Khang范康 và Lã Động Tân độ Thiết Quải Lí 吕洞宾度铁拐李 của Nhạc Bá Xuyên 岳伯川đều có miêu tả về Lam Thái Hoà, hình tượng của ông là một nam thanh niên, tay cầm phách bản lớn, bộ dạng giống một người ca hát.
Trong vở tạp kịch Hán Chung Li độ thoát Lam Thái Hoà 汉钟离度脱蓝采和 mà không rõ tác giả, chuyên diễn về chuyện Lam Thái Hoà, theo sự giới thiệu trong kịch, Lam Thái Hoà họ Hứa 许, tên Kiên 坚, tự Giới Thạch 介石, người Lư Giang 庐江 (nay là huyện Lư Giang tỉnh An Huy), Lam Thái Hoà là nghệ danh. Ông thường tại Ngoã Tứ 瓦肆 diễn xướng tạp kịch hí khúc, mỗi khi hát lên thường là câu “Đạp đạp ca, Lam Thái Hoà”, người lúc bấy giờ không biết tên họ của ông nên đã lấy Lam Thái Hoà để gọi, lâu dần thành nghệ danh. Nhân vì tính tình cuồng phóng khác thường có dạng bán tiên, trải qua sự độ thoát của Hán Chung Li mà thành tiên. Trong vở Bát tiên xuất xử đông du kí八仙出处东游记 của Ngô Nguyên Thái 吴元泰 đời Minh cũng có thuật lại câu chuyện Lam Thái Hoà cùng bát tiên vượt biển đại chiến với Đông hải Long Vương, từ đó truyền thuyết về ông được lưu truyền rộng rãi.
Trong một số vở hí khúc, lại đem Lam Thái Hoà miêu tả thành một thiếu nữ búi tóc đang tung giỏ hoa lên không trung để điều tiết khí hậu.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 31/10/2013
Nguyên tác Trung văn
LAM THÁI HOÀ ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
蓝采和的传说
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI BÁT TIÊN TẠO HÌNH NGHỆ THUẬT
中国历代八仙造型艺术
Biên soạn: Trịnh Quân 郑军, Lưu Đông Vân 刘冬云
Nhân dân mĩ thuật xuất bản xã, 2007.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét