YẾN ANH
(tiếp theo)
Một lần nọ, Lỗ Chiêu Công thăm nước Tề, Cảnh Công bày tiệc khoản đãi. Lúc rượu ngà say, Yến Anh đề nghị hái trái kim đào ở ngự hoa viên để cho 2 vị quốc quân nhắm rượu. Sau khi Cảnh Công đồng ý, đã hái 6 trái đào lớn. Cây đào này hơn 30 năm trước từ hải ngoại đưa về trồng ở nước Tề, trái ngon ngọt vô cùng, gọi là “Vạn thọ kim đào” 万寿金桃, cũng gọi là “Bàn đào” 蟠桃, Cảnh Công xem là trân bảo. Với 6 trái đào, Cảnh Công 景公, Chiêu Công 昭公, Yến Anh 晏婴 và Tướng quốc nước Lỗ là Công Tôn Xước 公孙婼mỗi người ăn một trái, còn lại 2 trái. Yến Anh lại đề nghị đem 2 trái đào đó ban cho 2 vị đại thần có công lao to lớn nhất để thể hiện sự vinh dự. Lúc bấy giờ, Công Tôn Tiệp đang đứng hầu phía dưới lên tiếng trước:
Tôi năm đó theo chúa công đi săn ở Đồng Sơn 桐山, chúa công gặp phải mãnh hổ, tôi đã tay không đánh chết, cứu được chúa công, công lao đó há không phải là to lớn sao?
Yến Anh liền đáp rằng:
Đó là đại công, nên ban thưởng!
Một trái kim đào được ban cho Công Tôn Tiệp. Tiếp đó, Cổ Dã Tử cũng nói:
Tôi năm đó tại Hoàng hà ra tay giết chết con yêu giải, khiến chúa công chuyển nguy thành an, công lao đó há không lớn sao?
Yến Anh cũng liền khen công lớn, đem trái đào cuối cùng ban cho. Điền Khai Cương nhịn không được cũng đứng dậy tâng công:
Năm đó, tôi phụng mệnh tấn công nước Từ, chém được danh tướng, đánh bại quân Từ, buộc vua Từ khuất khục, làm cho 2 nước Đàm 郯Cử 莒thần phục, tôn chúa công làm minh chủ, công lao ấy há không đủ tư cách để ăn trái kim đào sao?
Yến Anh làm ra bộ tiếc rẻ nói rằng:
Công của ông so với 2 người kia lớn gấp bội, đáng tiếc là kim đào đã hết, chỉ có thể đợi đến sang năm.
Điền Khai Cương tức giận nói rằng:
Công lao của ta so với hai vị không biết phải lớn bao nhiêu mà nay không được ăn đào, để cho tôi trước mặt 2 vị quốc quân chịu nhục, bị hậu thế chê cười, ta còn mặt mũi nào để sống?
nói xong liền rút kiếm tự vẫn. Công Tôn Tiệp cả kinh, nói rằng:
Ta công nhỏ mà được ăn đào, Điền Khai Cương công lớn mà không được ăn đào, ta cảm thấy quả là xầu hổ, nay ông ấy đã chết, ta cũng chẳng còn mặt mũi nào để sống.
nói xong cũng rút kiếm tự sát. Cổ Dã Tử liền nói:
Ba người chúng ta kết nghĩa anh em, thề đồng sinh đồng tử. Nay cả 2 đã chết, ta cũng nên chết theo.
và cũng rút kiếm tự tận. Yến Anh đã lợi dụng tính ngạo mạn dũng mãnh thô bạo của 3 người mà lập kế trừ khử, sử gọi chuyện này là “Nhị đào sát tam sĩ” 二桃杀三士. Mộ của họ ở Đãng Âm 荡阴, Lâm Tri 临淄, trở thành cổ tích.
Sau sự kiện đó, Cảnh Công tỏ lòng thương tiếc, Yến Anh an ủi rằng, người anh dũng như họ, nước Tề vẫn có. Yến Anh tiến cử Điền Nhương Thư 田穰苴 văn võ song toàn nắm giữ binh quyền. Điền Nhương Thư đánh bại liên quân Tấn, Yên, khiến uy thanh nước Tề hùng mạnh. Từ đó, Yến Anh và Điền Nhương Thư hiệp lực trị quốc, nước Tề quốc phú binh cường.
Nhưng, quan điểm chính trị của Yến Anh tương đối thủ cựu, đối mặt với sự biến đổi to lớn của xã hội, lễ trị suy yếu, nguy cơ bốn phía, lại thêm thế lực quý tộc nổi dậy, Yến Anh từng can gián Cảnh Công nên quan tâm nhiều đến việc dân, cải cách tệ đoan, nhưng lại cự tuyệt chủ trương cải cách của Khổng Tử. Khi Khổng Tử đến nước Tề du thuyết, Yến Anh đã chỉ trích học thuyết của Khổng Tử là “không thể làm gương cho đời, không thể hướng đạo nhân dân”.
Yến Anh không những là một chính trị gia, mà còn là một tư tưởng gia, xuất phát từ thực tế cuộc sống của mình, trình bày quan điểm “tương phản tương tế” 相反相济.
Năm 500 trước công nguyên, Yến Anh bệnh và qua đời. Giữa thời Chiến quốc, có người thu thập những ngôn hành của ông biên thành bộ Yến Tử Xuân Thu 晏子春秋, lưu truyền hậu thế.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 20/10/2013
Nguyên tác Trung văn
YẾN ANH
晏婴
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét