About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Khởi nguyên của ấn chương (tiếp theo)

KHỞI NGUYÊN CỦA ẤN CHƯƠNG
(tiếp theo)

          Từ trong khởi nguyên của ấn chương có thể thấy được giá trị tự nhiên và công dụng của ấn chương là một loại bằng chứng tín dụng, là tiêu chí của vật được niêm phong (thời kì đầu). Nhưng ở thời cổ đại nó còn có một số công dụng khác:
- Thứ 1: nó có thể được xem là chữ kí trên đồ vật được chế tạo ra của người làm nghề thủ công, giống như thương hiệu sản phẩm hiện nay, đại biểu cho nhà sản xuất.
          - Thứ 2: chuyên dùng làm vật để đeo. Trên lưng ấn chương có núm, giữa núm có lỗ nhỏ, mục đích là để xỏ sợi dây để đeo bên người. Về sau làm riêng hẳn một loại ấn dùng để đeo (tức bội ấn 佩印), dùng để “trừ khử những điều bất tường”.
          - Thứ 3: có thể dùng trong tuẫn táng.
          - Thứ 4: nó còn có thể được xem là một kí hiệu của tiền tệ, như kim tệ của nước Sở thời Chiến Quốc có ấn văn  “Sính viên” 郢爰, “Trần viên” 陈爰.
          Ngoài ra, theo cách nhìn hiện nay, ấn chương còn có 2 giá trị lớn:
          - Thứ 1: khảo đính sự thật lịch sử. Quan ấn là đại tông trong ấn chương cổ đại, đối với việc khảo đính tình hình quan chế cổ đại và một người nào đó từng làm chức quan nào đó, nó có tác dụng là một chứng cứ không thể nghi ngờ. Cho nên trong việc sưu tầm thu thập ấn chương có lưu truyền câu nói:
          Tư ấn dục kì sử, quan ấn dục kì bất sử. Cái quan danh bất kiến vu sử, thị khả bổ cổ sử dã. Nhân danh đại bộc vu sử, thị diệc phát tư cổ chi thâm tình.
          私印欲其史, 官印欲其不史. 盖官名不见于史, 是可补古史也. 人名大暴于史, 是亦发思古之深情.
          (Tư ấn giúp cho những điều đã ghi ở sử, quan ấn giúp cho những điều chưa ghi ở sử. Vì rằng, quan danh không thấy ghi ở sử thì quan ấn có thể bổ sung, còn nhân danh đã ghi trong sử chứng thực những điều đã có cũng khiến người ta có lòng tư cổ sâu sắc).
          - Thứ 2: Ấn chương có giá trị thưởng thức nghệ thuật cực cao. Theo phạm vi sử dụng ấn chương ngày càng rộng, công nghệ chế tác ngày càng tinh xảo, chất liệu được chú ý nên ấn chương và thư pháp cùng hội hoạ trở thành tam đại nghệ thuật chia thế chân vạc thời cổ, nhưng so với thư pháp, hội hoạ, ấn chương mang tính tổng hợp hơn, đặc biệt là từ sau đời Nguyên, có thể nói giá trị nghệ thuật của nó đã vượt lên trên giá trị thực dụng của nó. Sở dĩ ấn chương trở thành một loại nghệ thuật thưởng thức độc lập, chủ yếu có 3 nhân tố:
          - Đầu tiên, giá trị nghệ thuật của ấn chương cùng với văn tự mà nó sử dụng là triện văn có mối quan hệ trực tiếp. Triện văn có 2 loại: “đại triện” 大篆 và “tiểu triện” 小篆. Hình tượng nguyên thuỷ của đại triện ý vị nồng hậu, từ trong thư pháp này có thể thấy hình thái và dấu vết của sự vật tự nhiên, trải qua sự nghiên cứu sắp đặt của người khắc triện, có thể khắc ra mặt ấn sống động như thực. Tiểu triện là đem hình tượng và dấu vết mà được dùng trong đại triện bỏ đi, thuần tuý nhân công hoá. Nó chuộng sự chỉnh tề, bao dung, vuông tròn, cũng có thể co duỗi tự nhiên. Tại một phương vị cố định bố trí mấy thể chữ tiểu triện chỉnh tề sẽ sản sinh cảm giác bình quân, hài hoà, thư thái. Hai loại triện thư này về bản chất và ngoại hình đều thống nhất với mục tiêu truy cầu nghệ thuật, nhân đó đã đặt nền móng cho tính nghệ thuật triện khắc. Trong ấn chương, nó còn thông qua cái đẹp chương pháp – sự sắp xếp ấn văn, cái đẹp thư pháp – chữ viết ấn văn, cái đẹp đao pháp – cách khắc ấn văn, 3 phương diện này được thể hiện cụ thể.
          - Thứ đến là cái đẹp về hình thức ấn chương. Nhìn từ hình trạng, ấn chương có cái dài, cái ngắn, cái vuông, cái tròn, cái hình bầu dục v.v… trên núm của ấn chương khắc các hình ngư trùng điểu thú, bốn bên của ấn chương cũng có khắc các loại phù điêu, không những khiến cho ấn chương và nghệ thuật điêu khắc dung hợp thành nhất thể, mà còn khiến cho cái đẹp bình diện của ấn văn ấn chương và cái đẹp lập thể điêu khắc cũng dung hợp thành nhất thể. Thêm vào đó là chất liệu, màu sắc khiến cho người ta sau khi xem cảm thấy hứng khởi.
          - Cuối cùng, chất liệu ấn chương có vàng, bạc, ngọc, đá v.v… bản thân chúng đã là trân phẩm tự nhiên, lại được thêm vào điêu khắc trang trí nên càng tăng thêm mĩ cảm.
          Tóm lại, từ giác độ thưởng thức nghệ thuật mà nói, trong ấn chương có cái đẹp thư pháp, cái đẹp triện khắc, cái đẹp điêu khắc, cái đẹp tự nhiên vốn có, cái đẹp gia công, cái đẹp bình diện, cái đẹp lập thể, quả thực là có giá trị nghệ thuật khác thường, và về giá trị về sưu tập thưởng thức không nói cũng đã rõ.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 08/10/2013

Nguyên tác Trung văn
ẤN CHƯƠNG ĐÍCH KHỞI NGUYÊN
印章的起源
Trong quyển
CỔ NGOẠN THU TÀNG CHỈ NAM
古玩收藏指南
Biên soạn: Long Tùng 龙松, Kỉ Bình 纪平
Hà Bắc nhân dân xuất bản xã, 1994.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét