TÌNH HÌNH CƠ BẢN CỦA “THI KINH”
Thi kinh 诗经 là tập thơ đầu tiên của Trung Quốc, là những tuyển lục thơ ca từ đầu thời Chu đến giữa thời Xuân Thu. Do vì lúc bấy giờ học tại phủ quan, chỉ có giai tầng quý tộc mới có thể nắm được văn hoá, cho nên tác giả của các thiên trong Thi kinh mà có thể biết chủ yếu là những nhân vật quý tộc. Cũng do bởi các thiên sau khi hợp với nhạc được dùng trong những trường hợp lễ nhạc, cho nên Thi kinh là văn học quý tộc tiêu chuẩn. Người thu thập và quản lí các thiên trong Thi kinh là nhạc quan của vương triều Chu . Nhạc quan sở dĩ có được những thơ ca này, đại khái có 3 nguồn:
- Vương triều sáng tác để tế tự quỷ thần, đề cao công nghiệp, kỉ niệm thắng lợi cùng vì các mục đích đặc thù, như các thiên trong Chu tụng 周颂.
- Là những sáng tác của sĩ đại phu ca công tụng đức, của bạn bè tặng cho nhau, phê phán hiện thực, bộc lộ tình cảm, hoặc thông qua trực tiếp dâng lên, hoặc bị nhạc quan của vương triều trưng tập, như rất nhiều thơ ca trong Tiểu nhã 小雅, Đại nhã 大雅.
- Các chư hầu đều có Nhạc quan nắm giữ nhạc ca của nước mình, chư hầu một mặt tiếp thụ nhạc từ vương triều ban cho, mặt khác đem nhạc ca của nước mình dâng lên vương triều, như rất nhiều thơ ca trong 14 quốc phong ngoài Vương phong 王风 cùng Lỗ tụng 鲁颂, Thương tụng 商颂.
Thông qua 3 con đường trên, nhạc quan vương triều Chu đã nắm giữ không ít thơ ca, tuỳ thời tăng gia, tuỳ lúc biên tuyển, trải qua hơn 500 năm cuối cùng mới biên định thành Thi kinh. Cho nên nói Thi kinh do nhạc quan các thời kì của vương triều Chu biên tập. Có điểm cần phải nói rõ là, 300 thiên đều là nhạc ca, đều có thể phối nhạc để múa và diễn xướng, cho nên trong Mặc Tử - Công Mạnh 墨子 - 公孟 có chép Mặc Tử 墨子từng nói:
Tụng Thi tam bách, huyền Thi tam bách, ca Thi tam bách, vũ Thi tam bách.
诵诗三百,弦诗三百,歌诗三百,舞诗三百.
(Tụng 300 thiên kinh Thi, đàn 300 thiên kinh Thi, ca 300 thiên kinh Thi , múa 300 thiên kinh Thi).
Nhìn chung Thi kinh phân làm 3 loại, tức phong 风, nhã 雅, tụng 颂.
- Phong bao gồm Chu nam 周南, Thiệu nam 召南, Bội 邶, Dung 鄘, Vệ 卫, Vương 王, Trịnh 郑, Tề 齐, Nguỵ 魏, Đường 唐, Tần 秦, Trần 陈, Cối 桧, Tào 曹, Bân 豳, hợp xưng là “Thập ngũ quốc phong”, tổng cộng có 160 thiên. Phong vốn là tên gọi chung các nhạc khúc, Quốc phong 国风 tức nhạc khúc của các nước.
- Nhã có Tiểu nhã 小雅 và Đại nhã 大雅, hợp xưng là “Nhị nhã” 二雅, tổng cộng có 105 thiên, đều là thơ ca của khu vực “vương kì” 王畿 do vương triều Tây Chu trực tiếp thống trị, đa số là tác phẩm của quan lại triều đình. “Nhã” 雅được mượn làm chữ “Hạ” 夏, nhân vì vương kì Tây Chu xưng là “Hạ”, cho nên nhạc quan dùng chữ “Hạ” để đánh dấu thơ đến từ vương kì Tây Chu.
- Tụng có Chu tụng 周颂, Lỗ tụng 鲁颂, Thương tụng 商颂 hợp xưng là “Tam tụng” 三颂, tổng cộng có 40 thiên. Tụng có nghĩa là ca tụng, ca ngợi, tam tụng chủ yếu là những nhạc ca mà triều đình Tây Chu, nước Lỗ, nước Tống hoặc các quý tộc dùng trong tế tự hoặc trong những điển lễ quan trọng khác, cũng có một số thiên ca ngợi người thống trị đang tại vị. Có thuyết cho “tụng” 颂 mượn làm chữ “dung” 容, chỉ dáng múa.
Xét các thiên đều là nhạc ca, mà ca múa lúc bấy giờ là nhất thể, không chỉ có “tam tụng”, rất nhiều thiên trong phong, nhã cũng có mối tương quan mật thiết với vũ đạo.
Trong Thập ngũ quốc phong, Chu Nam có 11 thiên, Thiệu Nam 14 thiên, đều là tác phẩm của phương Nam. Tương truyền lấy huyện Thiểm 陕của Hà Nam 河南 hiện nay làm ranh giới, Chu Công 周公, Thiệu Công 召公 chia nhau cai trị đông tây, Chu nam là thơ ca ở khu vực phương nam dưới sự thống trị của Chu Công, Thiệu nam là thơ ca ở khu vực phương nam dưới sự thống trị của Thiệu Công. Thơ ca của “Nhị nam” xa đến lưu vực Giang, Hán, nói rõ sự kinh doanh và khống chế của Tây Chu đối với phương nam. Nhưng về niên đại sáng tác các thiên trong “Nhị nam” xưa nay vẫn còn tranh luận. Cách nói truyền thống, thơ ở “Nhị nam” là thơ của thời Chu Văn Vương, là thơ sớm nhất trong Thi kinh, riêng Phùng Nguyên Quân 冯沅君, Lục Khản Như 陆侃如 trong Trung Quốc thi sử 中国诗史 lại nói thơ “Nhị nam” thơ muộn nhất trong Thi kinh.
Bội, Dung, Vệtổng cộng có 39 thiên, đều xuất phát từ đất Vệ. Thơ nước Vệ tại sao lại chia 3, tại sao lại để chữ Bội, chữ Dung lên đầu, cách nói vẫn chưa rõ ràng. Cương thổ nước Vệ nay tại phía nam Hà Bắc và phía bắc Hà Nam , thơ nước Vệ đa số là tác phẩm thời Đông Chu .
Vương phong có 10 thiên, là tác phẩm trong vương kì sau khi Chu Bình Vương 周平王dời đô về Lạc Ấp 洛邑. Cương thổ của Đông Chu tại phía bắc Hà Nam hiện nay.
Trịnh phongcó 21 thiên, đều là thơ sau khi Trịnh Vũ Công 郑武公dựng nước, đều là tác phẩm thời Đông Chu . Cương thổ nước Trịnh tại trung bộ Hà Nam hiện nay.
Tề phong có 11 thiên, trừ 4 thiên Nam sơn 南山, Tệ cẩu 敝笱, Tái khu 载驱, Y ta 猗嗟 có thể biết là tác phẩm thời Đông Chu ra, còn lại đều không rõ. Cương thổ nước Tề tại phía đông bắc và trung bộ Sơn Đông hiện nay.
Nguỵ phongcó 7 thiên, đều là tác phẩm ở vào giai đoạn trước khi nước Nguỵ bị nước Trịnh diệt vào thời Chu Huệ Vương 周惠王thứ 16 (năm 661 trước công nguyên) nhà Đông Chu. Cương thổ nước Nguỵ tại phía tây nam Sơn Tây hiện nay.
Đường phongcó 12 thiên, có thể đều là tác phẩm thời Đông Chu . Nước Đường 唐tức nước Tấn 晋, cương thổ tại trung bộ Sơn Tây hiện nay.
Tần phong có 10 thiên, đều là tác phẩm thời Đông Chu . Trước thời Đông Chu, cương thổ nước Tần tại trung bộ Thiểm Tây hiện nay, sau khi Chu Bình Vương dời đô đã mở rộng đến vương kì Tây Chu.
Trần phongcó 10 thiên, có tác phẩm thời Đông Chu , cũng có tác phẩm có
khả năng ở thời Tây Chu. Thiên Chu lâm 株林 châm biếm Trần Linh Công 陈灵公tư thông với Hạ Cơ 夏姬, trong Tả truyện 左传 ghi là vào năm Tuyên Công 宣公 thứ 9 (năm 600 trước công nguyên), có khả năng là thơ muộn nhất trong Thi kinh. Nước Trần tại phía đông nam Hà Nam và phía bắc An Huy hiện nay.
Cối phong có 4 thiên, đều là tác phẩm thời Tây Chu. Nước Cối tại trung bộ Hà Nam hiện nay, đầu thời Đông Chu bị Trịnh Vũ Công 郑武公diệt.
Tào phong có 4 thiên, trong đó Phù du 蜉蝣, Hầu nhân 候人 là tác phẩm thời Đông Chu, còn 2 thiên còn lại không rõ. Nước Tào tại phía tây nam Sơn Đông hiện nay.
Bân phong có 7 thiên, đều là tác phẩm thời Tây Chu. Đất Bân tại huyện Tuân 栒, huyện Bân 邠 Thiểm Tây hiện nay. Có thuyết cho Bân phong 豳风 tức Lỗ phong 鲁风.
Về “Nhị nhã”, Tiểu nhã có 74 thiên, Đại nhã có 31 thiên, đều là thơ ở vương kì Tây Chu, một số ít có thể được hoàn thành vào thời Đông Chu . Vương kì Tây Chu tại trung bộ Thiểm Tây hiện nay.
Về “Tam tụng”, Chu tụng có 31 thiên, đều là tác phẩm của vương triều thời Tây Chu, đa số là thơ từ thời Chiêu vương 昭王, Mục Vương 穆王 trở về trước. Đặc biệt là 6 bài Đại Vũ 大武 (Ngã tương 我将, Vũ 武, Chước 酌, Hoàn 桓, Lại 赉, Bàn 般) đã tái hiện trước sau sự việc Chu Vũ Vương phạt Trụ và Chu Công đông chinh, đó phải là thơ sớm nhất trong Thi kinh.
Lỗ tụng có 4 thiên, đều là tác phẩm thời Đông Chu, trong đó, Phán thuỷ 泮水, Bí cung 閟宫 được sáng tác để ca tụng Lỗ Hi Công 鲁僖公, đã đến giữa thời Xuân Thu. Cương thổ nước Lỗ tại phía nam Sơn Đông hiện nay.
Thương tụng có 5 thiên, là thơ ca của nước Tống thời Tây Chu, là tác phẩm trước thời Xuân Thu. Nước Tống tại phía đông Hà Nam và phía tây bắc Giang Tô hiện nay.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 03/10/2013
Nguyên tác Trung văn
“THI KINH” ĐÍCH CƠ BẢN TÌNH HUỐNG
“诗经”的基本情况
Trong quyển
KINH HỌC THẬP NHỊ GIẢNG
经学十二讲
Chủ biên: Trịnh Kiệt Văn 郑杰文, Phó Vĩnh Quân 傅永军
Bắc Kinh - Trung Hoa thư cục, 2007
0 nhận xét:
Đăng nhận xét