BÍ ẨN VỀ THÂN THẾ CÀN LONG
Những ai xem qua bộ tiểu thuyết Thư kiếm ân cừu lục 书剑恩仇录 của Kim Dung 金庸nhất định sẽ hiếu kì đối với một thuyết trong đó, bởi trong sách nói Càn Long 乾隆 là anh của Trần Gia Lạc 陈家洛. Kì thực, cách nói này không phải là nói một cách vô cớ, nó nhất định có lai lịch.
Cuối đời Thanh, trên từ quan lại, dưới đến bách tính, dường như ai ai cũng đều biết truyền thuyết này, một vị hoàng đế nào đó ở đầu đời Thanh là con của nhà họ Trần ở Ninh Hải 宁海 Triết Giang 浙江. Vị hoàng đế đó là ai? Có người nói là hoàng đế Càn Long Hoằng Lịch 弘历. Truyền thuyết này cũng được thấy trong một số dã sử của tư gia biên chép. Ở Thanh triều dã sử đại quan 清朝野史 大观 quyển 1, trong mục Cao Tông chi dữ Hải Ninh Trần thị 高宗之与海宁陈氏 có nói như sau:
Khi Ung Chính Đế Dận Chân 胤禛 còn là hoàng tử, có mối quan hệ rất tốt với nhà họ Trần ở Hải Ninh, hai bên thường qua lại với nhau. Một năm nọ hai nhà sinh con cùng ngày cùng tháng, chỉ là nhà Dận Chân là con gái, nhà họ Trần là con trai. Dận Chân sai người bế đến xem, lại lén tráo con. Nhà họ Trần phát hiện con mình bị tráo, đại kinh thất sắc. Nhưng đối phương có quyền thế nên không dám truy cứu, cũng không dám nói ra. Chẳng bao lâu Khang Hi 康熙 qua đời, truyền ngôi lại cho Dận Chân. Sau khi Dận Chân lên ngôi, một số người của nhà họ Trần cũng được làm quan đến những chức trọng yếu. Sau này Càn Long lên ngôi càng lấy lễ đãi ngộ nhà họ Trần. Càn Long 6 lần tuần du phương nam đến Triết Giang, trong đó có 4 lần đến nhà họ Trần ở Hải Ninh. Lần cuối cùng trước khi ra về, đi một đến trung môn có nói với họ Trần rằng: ‘Sau này nếu không phải hoàng đến đến, thì chớ có mà dễ dàng mở cửa này.’ Từ đó, cửa đó không bao giờ mở ra nữa.
Người theo quan điểm trên còn đề xuất một số chứng cứ khác, trong gian nhà của họ Trần ở Hải Ninh, có 2 tấm biển mà hoàng đế đích thân viết chữ, một tấm đề là “Ái Nhật Đường” 爱日堂, còn tấm kia là “Xuân Huy Đường” 春晖堂. Từ “ái nhật” xuất phát từ một câu trong bài Hiếu chí 孝至 của từ phú gia Dương Hùng 扬雄đời Hán: “hiếu tử ái nhật” 孝子爱日, đời sau gọi con cái phụng dưỡng cha mẹ là “ái nhật”. “xuân huy” có xuất phát từ bài Du tử ngâm 游子吟 của Mạnh Giao 孟郊đời Đường:
Thuỳ ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy
谁言寸草心
报得三春晖
(Ai bảo rằng tấm lòng của tấc cỏ
Có thể báo đáp được ánh nắng của ba xuân)
Đời sau thường dùng “xuân huy” để ví tình thương của mẹ. Nội dung đề từ của 2 tấm biển này đều mang ý nghĩa con cái tôn kính và hiếu thuận với cha mẹ. Sau này, người con gái được tráo sang nhà họ Trần trưởng thành, khi đến tuổi lấy chồng được gã cho nhà họ Tưởng ở Thường Thục 常熟 Giang Tô 江苏, nhà họ Tưởng đã xây riêng cho cô một toà lầu nhỏ, hậu thế gọi là “công chúa lâu” 公主楼. Những sử liệu này càng khiến người ta tin chắc Càn Long là con của người Hán.
Nhưng, cũng có người đề xuất ý kiến phản đối.
Ung Chính có 10 vị hoàng tử, 6 nàng công chúa. Càn Long là con thứ 4, theo tình và lí căn bản không có tính tất yếu tráo con người khác làm con của mình để kế thừa ngôi vị. Đây là một luận chứng có sức thuyết phục.
Thứ nữa, nhìn từ mối quan hệ giữa hoàng đế đời Thanh với nhà họ Trần ở Hải Ninh, đơn thuần chỉ là quân thần hữu nghị. Họ Trần là danh môn vọng tộc đầu đời Thanh. Thời Khang Hi, Ung Chính, Càn Long, nhà họ Trần nối đời đều làm quan thông đạt, chức quan cao, hiển hách một thời. Đầu đời Ung Chính, để thoả mãn nhu cầu phát triển kinh tế và cuộc sống của nhân dân ở vùng hạ du sông Tiền Đường 钱塘, đã cho xây dựng lớn đê lớn ở Triết Giang. Nhưng Ung Chính bận rộn chính vụ, còn sóng biển xâm thực đê chưa đến mức vô cùng nghiêm trọng, nên chưa thể đích thân đến nơi. Sau khi Càn Long lên ngôi rất coi trọng công trình này, trong mấy lần xuống phương nam thì đã 4 lần đến Hải Ninh khám xét. Đến Hải Ninh, có một chỗ ở thích hợp, mà họ Trần lại là Tể phụ của 3 triều Khang, Ung, Càn, gia viên của họ Trần là danh thắng ở Hải Ninh, đình đài lầu tạ, hoa mộc đẹp tươi, đương nhiên sẽ thành nơi tiếp giá. Vườn đó vốn gọi là “Ngung Viên” 隅园, Càn Long đã đổi tên thành “An Lan Viên” 安澜园. “An lan” tức sóng nước không dâng, từ đó cũng có thể thấy, Càn Long đến Hải Ninh là để thị sát công trình đê điều, chứ không phải để thăm cha mẹ.
Còn như 2 tấm biển, theo sử học gia Mạnh Sâm 孟森 khảo chứng, trong Trần Nguyên Long truyện 陈元椋龙传 do Quốc sử quán triều Thanh biên soạn có nói:
Tháng 4 năm Khang Hi thứ 39 (năm 1700), Khang Hi triệu kiến quần thần tại tiện điện, nói rằng: ‘Trong nhà các khanh, nhà nào cũng có tên của gian phòng chính, không ngại viết ra. Trẫm sẽ viết ra ban tặng các khanh.’ Trần Nguyên Long tấu xưng, phụ thân tuổi đã 80, cho nên mượn 3 chữ “Ái Nhật đường” .
Trong Hải Ninh châu chí 海宁州志 cũng nói, tháng 6 năm Khang Hi thứ 54 (năm 1715), nhân người vợ họ Hoàng của Trần Duy Khôn 陈维坤, em của Trần Nguyên Long, goá chồng 41 năm, đã ngự bút viết hai chữ “Tiết Hiếu” 节孝 ban cho, lại ban thêm tấm biển “Xuân Huy Đường”. Đây chính là nói, đề từ của 2 tấm biển là do Khang Hi viết ra căn cứ theo thỉnh cầu của bề tôi, căn bản không có liên quan gì đến ý nghĩa hiếu kính cha mẹ. Nhân đó, nói Càn Long là con của người Hán là không có cơ sở.
Trong Thanh cung từ 清宫词 có 1 bài với 2 câu:
Miện lưu Hán chế chung nan phục
Tằng hướng An Lan trú thuý nhuy
冕旒汉制终难复
曾向安澜驻翠蕤
(Chế độ miện lưu như nhà Hán cuối cùng không khôi phục được
Đã từng dừng chân ở vườn An Lan)
Lời từ ám chỉ Càn Long có quan hệ với nhà họ Trần ở Hải Ninh. Nhưng, mối quan hệ đó rốt cuộc như thế nào, thân thế Càn Long chỉ có thể trở thành một bí ẩn mà chưa có lời giải đáp.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/01/2016
Nguyên tác Trung văn
CÀN LONG ĐẾ THÂN THẾ CHI MÊ
乾隆帝身世之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét