TẬP TỤC ẨM THỰC Ở TIẾT LẠP BÁT
Ngày mồng 8 tháng Chạp âm lịch là tiết Lạp Bát truyền thống (Lạp Bát tiết 腊八节). Theo tập tục truyền thống trong dân gian, vào ngày này nhà nhà đều nấu cháo Lạp Bát. Đối với tiết Lạp Bát, nhiều nơi rất coi trọng, trước đó một ngày đã chuẩn bị những thứ dùng để nấu cháo, cả nhà ra tay nhặt đậu, gọt vỏ trái cây, suốt cả đêm nấu, đến trước canh 5 nấu xong. Trời chưa sáng, cả nhà già trẻ quây quần bên nhau ngồi bên lò thưởng thức, hưởng thụ niềm vui trong ngày Lạp Bát. Bà con hàng xóm tặng cháo cho nhau. Có nơi không chỉ có con người ăn cháo Lạp Bát, mà còn có cả chó mèo. Nhân bởi cháo Lạp Bát tượng trưng cho ngũ cốc được mùa, có nơi còn đem cháo bôi lên cây ăn quả, “cây lớn cây nhỏ ăn cháo Lạp Bát, sang năm quả ra chi chít.”
Tập tục tiết Lạp Bát ăn cháo Lạp Bát khởi nguồn sớm nhất từ Phật giáo. Cháo Lạp Bát có mối quan hệ như thế nào với Phật giáo?
Tương truyền ngày mồng 8 tháng Chạp là ngày Thích Ca Mâu Ni 释迦牟尼, người sáng lập Phật giáo, đắc đạo thành Phật. Để kỉ niệm, vào ngày này các tự miếu nổi tiếng tụ hội, dùng ngũ cốc thơm, trái cây cùng cháo dâng cúng Phật, đồng thời cũng bố thí cháo cho bách tính để tích công đức. Căn cứ theo sự khảo chứng, Thích Ca Mâu Ni trước khi thành Phật đã từng đi khắp danh sơn đại xuyên ở Ấn Độ để cầu chân đế. Một ngày nọ, Thích Ca Mâu Ni đến gần sông Ni Liên 尼连 ở nước Ma Yết Đà 摩揭陀 phía bắc Ấn Độ. Do bởi nhiều ngày không ăn, vừa mệt vừa đói, Thích Ca ngã xuống đất. Lúc bấy giờ một cô gái chăn gia súc nhìn thấy vội đến nâng dậy, lại lấy lương thực mang theo bên mình, thêm trái cây, dùng nước trong nấu lên thành một cháo, sau đó từng muỗng từng muỗng đút cho Thích Ca Mâu Ni ăn. Thích Ca Mâu Ni ăn xong cháo của cô gái, phút chốc cảm thấy phấn chấn trở lại, thế là liền đến sông Ni Liên tắm gội, rồi tĩnh toạ trầm tư dưới gốc cây Bồ Đề. Đột nhiên linh khiếu đại khai, cuối cùng vào ngày mồng 8 tháng 12 đắc đạo thành Phật. Từ đó, giới Phật giáo hàng năm vào ngày này nấu “cháo ngũ vị” để kỉ niệm Phật Tổ cùng cô gái đã cứu Phật Tổ.
Do bởi ảnh hưởng của truyền thuyết nói trên, trước đây nơi chùa Phật ở các nơi vào ngày tiết Lạp Bát đều nấu cháo đẻ ban cho thiện nam tín nữ tứ phương, gọi là “Phật chúc” 佛粥, “Lạp Bát chúc” 腊八粥, “Phúc Đức chúc” 福德粥 hoặc “Phúc Thọ chúc” 福寿粥. Ngô Tự Mục 吴自牧 đời Tống trong Đông kinh mộng hoa lục 东经梦华录 nói rằng:
Ngày mồng 8, ….. các chùa lớn làm lễ Tắm Phật, đồng thời ban cháo thất bảo ngũ vị cho các môn đồ, gọi là “Lạp Bát chúc”, người ở kinh đô (Biện Kinh) vào ngày này, các nhà cũng dùng mấy loại trái cây nấu cháo mà ăn.
Chu Mật 周密 trong Vũ lâm cựu sự 武林旧事 quyển 3, mục Tuế vãn tiết vật 岁晚节物, khi ghi chép về phong tục ở Hàng Châu có nói:
Ngày mồng 8, các tự viện cùng các nhà dùng hồ đào, tùng tử, thị lật để nấu cháo, gọi là “Lạp Bát chúc”.
Trong những tự viện nổi tiếng ở Hàng Châu, lại có riêng “Sạn phạn lâu” 栈饭楼 gom cất cơm thừa, các tăng hàng ngày đem cơm thừa đó ra phơi khô, tích trữ một năm, đến ngày Lạp Bát cho vào nồi nấu thành cháo chia cho tín đồ, gọi là “Phúc Đức chúc” 福德粥 hoặc “Phúc Thọ chúc” 福寿粥, ý nghĩa là sau khi ăn có thể tăng thêm phúc thọ. Đây là mĩ đức cần kiệm, tiết ước.
Truyền thuyết về cháo Lạp Bát ở các nơi tại Trung Quốc không giống nhau.
Phương bắc lưu truyền một câu chuyện như sau:
Có chàng thanh niên cưới một người vợ, hai vợ chồng đều ham ăn nhưng lười biếng, chỉ biết dựa vào 8 vựa lương thực của cha mẹ để lại để sống qua ngày. Người ta thường nói, ngồi không ăn, núi cũng lỡ, chẳng được mấy năm, 8 vựa lương thực đều hết sạch. Một ngày nọ, đúng vào ngày mồng 8 tháng Chạp, hai vợ chồng không chịu nỗi đói rét, từ 8 vựa lương thực quét ra được một số ngũ cốc, họ nhặt lên và nấu thành nồi cháo. Mấy ngày sau chỉ đành đi xin sống qua ngày. Năm sau, hai vợ chồng mới giống cha mẹ của mình, biết thức khuya dậy sớm, siêng năng chăm chỉ, kiệm ăn tiết dụng, cuộc sống dần dần khá lên. Để ghi nhớ bài học ngồi không ăn núi cũng lỡ, mỗi khi đến ngày mồng 8 tháng Chạp, hai vợ chồng nấu cháo ăn, đồng thời dùng đó để giáo dục đời sau, lâu dần hình thành tập tục ăn cháo Lạp Bát. (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/01/2016
Tiết Lạp Bát năm Ất Mùi
Nguồn
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
ẨM THỰC
中国民俗文化
饮食
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
0 nhận xét:
Đăng nhận xét