CHỮ “TỬ” 子 TRONG HÁN NGỮ CỔ
1- Con cái:
Thường chỉ con trai. Trong Chiến quốc sách – Triệu sách tứ 戰國策 - 趙策四 có câu:
Trượng phu diệc ái lân kì thiếu tử hồ?
丈夫亦愛憐其少子乎?
(Đàn ông cũng yêu thương con cái của mình à?)
Có lúc chỉ con gái. Cũng trong Chiến quốc sách – Triệu sách tam 戰國策 - 趙策三 :
Quỷ Hầu hữu tử nhi hảo
鬼侯有子而好
(Quỷ Hầu có cô con gái rất xinh đẹp)
Trong Luận ngữ - Tiên tiến 論語 - 先進:
Khổng Tử dĩ kì huynh chi nữ thế chi
孔子以其兄之女妻之
(Khổng Tử đem con gái của anh mình gả cho)
(Chữ 妻, khứ thanh, có nghĩa là gã cho).
Chú ý: ý nghĩa lúc ban đầu của chữ 子 là con cái, bất luận con trai hay con gái đều có thể gọi là “tử”. Trong Thi kinh – Tiểu nhã – Tư can 詩經 - 小雅 - 斯干 có câu:
Nãi sinh nam tử
乃生男子
Nãi sinh nữ tử
乃生女子
Chữ “nam” và chữ “nữ” ở đây đều là định ngữ, “nam tử” 男子giống như ngày nay gọi là “nam hài” 男孩; “nữ tử” 女子 giống như ngày nay gọi là “nữ hài” 女孩.
2- Từ tôn xưng đàn ông:
Dùng để chỉ những người đàn ông có đức, giống như từ “phu tử” 夫子.
Trong Luận ngữ - Hương đảng 論語 - 鄉黨 có câu:
Tử thoái triều
子退朝
(Khổng Tử thoái triều trở về)
Trong Tả truyện – Hi Công tam thập nhị niên 左傳 - 僖公三十二年:
Mạnh tử, ngô kiến sư chi xuất nhi bất kiến kì nhân dã
孟子, 吾見師之出而不見其人也
(Mạnh tử, tôi thấy quân đội xuất phát nhưng không thấy họ trở về)
Dẫn đến nghĩa tôn xưng đối với người, có thể dịch sang Hán ngữ hiện đại là 您 (nâm).
Trong Tả truyện – Hi Công tam thập niên 左傳 - 僖公三十年:
Ngô bất năng tảo dụng tử, kim cấp nhi cầu tử
吾不能早用子, 今急而求子
(Tôi không sớm biết ông, nay có việc gấp đến nhờ ông)
Chú ý: trong tình huống này, chữ “tử” vẫn là danh từ, cho nên trước chữ “tử” có thể thêm chữ “ngô” 吾làm định ngữ. Trong Tả truyện – Ẩn Công thập nhất niên 左傳 - 隱公十一年 có câu:
Ngô tử kì phụng Hứa Thúc dĩ phủ nhu thử dân dã
吾子其奉許叔以撫柔此民也
(Mong ông cùng Hứa Thúc vỗ yên bách tính ở đây)
Trong Mạnh Tử - Công Tôn Sửu thượng 孟子 - 公孫丑上:
Ngô Tử dữ Tử Lộ thục hiền?
吾子與子路孰賢?
(Thầy ta với Tử lộ ai hiền hơn?)
Sau tính thị hoặc sau thuỵ hiệu thêm chữ “tử” vẫn là tôn xưng. Như: “Khổng Tử” 孔子, “Trang Tử” 莊子, “Tuân Tử” 荀子, Triệu Tuyên Tử 趙宣子(Triệu Thuẫn 趙盾), “Hàn Hiến Tử” 韓獻子 (Hàn Quyết 韓厥), “Nguỵ
Trang Tử” 魏莊子 (Nguỵ Giáng 魏絳).
Trong những trước tác của Nho gia (như Luận ngữ 論語, Lễ kí 禮記), chữ “tử” thường chuyên chỉ Khổng Tử. Trong Luận ngữ - Học nhi 論語 - 學而 có câu:
Tử viết, học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?
子曰, 學而時習之, 不亦說乎?
(Khổng Tử bảo rằng: học rồi luôn tập những điều đã học, cũng chẳng phải là thích sao?)
3- Tước Tử, tước thứ 4 trong 5 tước:
Trong Tả truyện – Hi Công tam tứ niên 左傳 - 僖公四年:
Sở Tử sử Khuất Hoàn như sư
楚子使屈完如師
(Sở Thành Vương phái Khuất Hoàn đến chỗ quân đội nước Tề)
4- Tên một chi trong 12 chi: (âm Hán Việt đọc là “Tí” – ND)
Trong Tả truyện – Hi Công tam ngũ niên 左傳 - 僖公五年:
Đông thập nhị nguyệt Bính Tí sóc, Tấn diệt Quắc
冬十二月丙子朔, 晉滅虢
(Mùa đông tháng 12 ngày sóc, Bính Tí, nước Tấn diệt nước Quắc)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 09/01/2016
Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 1)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét