MINH TRIỀU NỘI CÁC TIẾN HOÁ SỬ
Khoảng thời Tuyên Đức 宣德 (1), cuộc cải cách thể chế chính trị của triều Minh cuối cùng đã hoàn thành, đó là chế độ nội các.
Từ thời Hồng Vũ 洪武, sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 朱元璋 phế bỏ nội các, vương triều Đại Minh kiến lập mô thức chính trị quân chủ chuyên chế cao độ. Đế vương độc nắm đại quyền, quyền hành tập trung vào một người, mọi việc đích thân ra tay xử lí, lúc đầu quả có uy phong, nhưng lâu ngày trở nên mệt mỏi.
Khi Chu Nguyên Chương tại vị bắt đầu tu chính. Bản thân Minh Thái Tổ từng nhiều lần thiết lập “Đại học sĩ”, phụ tá xử lí đại sự quốc gia. Nhưng những người này lúc bấy giờ quan chức thấp, đồng thời cũng chưa định hình rõ ràng.
Đến khi Minh Thành Tổ Chu Đệ 朱棣 đăng cơ, cũng chịu nhiều gian khổ như thế, cũng bắt đầu tu chính chế độ: Chu Đệ thiết lập “Văn Uyên các” 文渊阁, đưa những văn thần mà được tín nhiệm như Giải Tấn 解缙 vào, trở thành nhóm thư kí của mình. Nhưng lúc đầu, chức vụ của mấy vị thư kí này rất thấp, chỉ là “nhập trực” 入直 (tức quan viên nhập cung trực ban làm việc - ND), về sau lần lượt thăng làm Học sĩ, chẳng qua cũng chỉ Chánh ngũ phẩm.
Nhưng những Đại học sĩ lúc này, ảnh hưởng của họ đối với triều chính đã ngày càng rộng lớn, đối với đại sự quốc gia, họ ở bên cạnh hoàng đế dâng kế sách. Nhưng quyền ăn nói luận bàn thì lại cực thấp. Quyền lực phê đáp tấu chương vẫn do Chu Đệ nắm giữ, người khác không có cách nào đụng đến được.
Sau khi Chu Đệ qua đời, chức quyền nội các dần tăng lên. Đầu tiên là thời Minh Nhân Tông tại vị, xác lập thân phận kiêm chức của Nội các Đại học sĩ. Tuy chức vụ “Đại học sĩ” này bản thân chỉ là Chánh ngũ phẩm, nhưng các vị Đại học sĩ lại đều kiêm Thị lang của lục bộ. Về sau các Đại học sĩ như Dương Vinh 杨荣, Dương Phổ 杨溥, Dương Sĩ Kì 杨士奇 kiêm cả chức Thượng thư.
Một sự kiện cực kì quan trọng đó là: Minh Nhân Tông khôi phục chế độ “công cô quan” 公孤官 thời Kiến Văn Đế 建文帝 (2), cũng chính là gia thêm cho các Đại học sĩ những xưng hiệu vinh dự như “Thiếu bảo” 少保, “Thái bảo” 太保. Như vậy Đại học sĩ có thân phận Nhất phẩm, trên cả bách quan.
Thời Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ朱瞻基tại vị, hai diễn biến quan trọng nhất của chế độ nội các được ông hoàn thành:
Một là “trí liêu thuộc” 置僚属. Tại nội các, Chu Chiêm Cơ thiết lập thêm 2 cơ cấu đó là “Cáo sắc phòng” 诰敕房 và “Chế sắc phòng” 制敕房, và cả hai đều đặt “Trung thư xá nhân” 中书舍人. Điều này có ý nghĩa là, nguyên trước chỉ là những Đại học sĩ với thân phận thư kí, lần này có được nhóm thư kí của riêng mình, vả lại những người của nhóm thư kí này đều do các Đại học sĩ tuyển chọn, ngay cả Lại bộ nắm quyền nhân sự cũng không có quyền can thiệp, thực lực ngày càng lớn mạnh.
Một việc cải cách quan trọng nữa đó là nội các có “phiếu nghĩ quyền” 票拟权 (3), cũng chính là đại sự quốc gia cũng sẽ không do hoàng đế đích thân xử lí nữa, những tấu sớ tương quan đến, chủ yếu do thành viên nội các phê ý kiến, đồng thời viết ra bản thảo đưa lên hoàng đế thẩm duyệt, tức “phiếu nghĩ”. Như vậy, nội các với thực lực lớn mạnh, thực quyền áp chế triệt để lục bộ, trở thành máy phát động vận hành chính phủ.
Đương nhiên tại những năm thời Tuyên Đức, “phiếu nghĩ quyền” không phải chỉ riêng nội các mới có, giống như Thượng thư của lục bộ như Hạ Nguyên Cát 夏元吉, Kiển Nghĩa 蹇义 cũng thường tham dự phiếu nghĩ. Nội các mà lũng đoạn “phiếu nghĩ quyền” là sau khi Minh Tuyên Tông qua đời, Minh Anh Tông Chu Kì Trấn 朱祁镇lên ngôi lúc bấy giờ còn nhỏ, lại thêm lão thần lục bộ như Kiển Nghĩa sớm đã theo cũ, nội các mới trở thành nơi chuyên có “phiếu nghĩ”.
Thời kì Minh Tuyên Tông chấp chính, cũng lần đầu tiên nội các triều Minh hình thành tập đoàn chính trị lớn mạnh, đây là nội các “tam Dương” nổi tiếng. Tam Dương tức Dương Vinh, Dương Phổ, Dương Sĩ Kì, 3 vị trọng thần. Trong Đại học sĩ nội các thời Tuyên Đức, Hoàng Hoài 黄淮 của thời kì đầu vì tuổi cao đã về hưu, Trương Anh 张瑛 và Trần Sơn 陈山 cùng vào nội các một lượt có biểu hiện rất kém, chẳng bao lâu cũng bị điều đi nơi khác, trong 10 năm trước sau nắm giữ sự vận chuyển của quốc gia đều do 3 vị này.
Từ tài năng mà nói, với “tam Dương” lấy đơn độc 1 người ra luận bàn, chưa chắc là người mạnh nhất trong số đại thần đời Minh, nhưng hợp lại, bổ trợ lẫn nhau: Dương Sĩ Kì nhân hậu, giỏi điều xử quan hệ, lại tinh thông mưu hoạch, thuộc nhân vật nòng cốt trong nhóm 3 người; Dương Phổ học vấn tinh thâm, giữ vững thanh liêm, làm việc chăm chỉ, là người có tài năng về hành chính trong nhóm 3 người; Dương Vinh thì đa mưu giỏi đoán, tinh thông quân vụ. Luận về xử lí đại sự quốc gia, mỗi người đều có bản lĩnh riêng.
Ba vị trọng thần này, luận về tính khí, kì thực có lúc cũng không hài hoà. Ví dụ như con người Dương Vinh thị tài ngạo vật, thường nhận hối lộ, thậm chí nhiều lần xuất ngôn làm tổn thương Dương Sĩ Kì. Nhưng Minh Tuyên Tông có trình độ, nhiều lần muốn điều xử mối quan hệ giữa 3 người, lại thêm Dương Sĩ Kì rất cơ trí, thích ứng tình hình, giỏi điều hoà mâu thuẫn. Nói tóm lại, các phương diện đại sự quốc gia, 3 người vẫn đoàn kết, trước một số vấn đề nan giải, họ ra sức hợp tác. Nói cách khác, 10 năm thịnh trị của Nhân Tông và Tuyên Tông, đầu tiên là do sự đồng tâm hiệp lực của 3 người.
Chú của người dịch
1- Tuyên Đức宣德: là niên hiệu của Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ 朱瞻基, vị hoàng đế thứ 5 của triều Minh, lên ngôi năm 1425, năm sau 1426 lấy niên hiệu Tuyên Đức, đến năm 1435 thì qua đời.
2- Kiến Văn Đế 建文帝: tức Minh Huệ Đế Chu Doãn Văn 朱允炆 (1377 - ?), vị hoàng đế thứ 2 của triều Minh, tại vị từ năm 1398 đến năm 1402, niên hiệu là Kiến Văn 建文, nên đời sau gọi là Kiến Văn Đế.
3- Phiếu nghĩ 票拟: thời Tuyên Tông 宣宗, thực hành chế độ Phiếu nghĩ. Học sĩ trong Nội các sau khi xem qua các tấu sớ, dùng những mảnh giấy viết ra ý kiến của mình, dán lên tấu sớ rồi sau đó mới dâng lên Hoàng Đế, gọi đó là Phiếu nghĩ. Nếu Hoàng Đế đồng ý, Hoàng Đế sẽ dùng son để phê. Nhưng nếu gặp đại sự các đại thần vẫn phải kiến diện.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 16/01/2016
Nguyên tác Trung văn
NỘI CÁC TIẾN HOÁ SỬ
内阁进化史
trong quyển
MINH TRIỀU NGUYÊN LAI THỊ GIÁ DẠNG
明朝原来是这样
Tác giả: Trương Khâm 张嶔
Bắc Kinh – Hiện Đại xuất bản xã, 2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét