LỪA ĐỘI DA HỔ
Trong một thành thị nọ có một người thợ giặt tên là Thúc Đà Bát Tra 叔陀钵吒. Anh ta có một con lừa, do bởi thiếu thức ăn nên lừa rất gầy.
Khi anh thợ giặt đang dạo trong rừng, anh ta nhìn thấy một con hổ đã chết, liền nghĩ bụng:
- Chà! Hay quá! Ta muốn đem tấm da hổ khoác lên con lừa, ban đêm, thả lừa vô ruộng đại mạch, người giữ ruộng tưởng là hổ không dám đuổi nó đi đâu.
Và anh ta đã làm như thế. Lừa tha hồ ăn đại mạch, đến lúc trời vừa sáng, anh thợ giặt dẫn lừa về lại nhà. Cứ như thế, trải qua một thời gian, lừa béo dần lên, mất nhiều công sức mới dắt được nó về chuồng.
Một ngày nọ, lừa nghe thấy tiếng kêu của lừa mẹ, nó liền kêu lên. Mấy người giữ ruộng mới biết nó vốn là một con lừa nguỵ trang thành hổ, bèn dùng gậy, đá, cung tên giết chết nó.
“Nhân đó, ta nói rằng:
Lư mông thượng liễu nhất trang hổ bì
Khán thượng khứ phi thường khả phạ
Tha bất thận phát xuất liễu thanh âm
Chung vu hoàn thị vi nhân sở sát
驴蒙上了一张虎皮
看上去非常可怕
它不慎发出了声音
终于还是为人所杀
Lừa đội lên tấm da hổ
Nhìn qua rất là đáng sợ
Nó không cẩn thận phát ra tiếng kêu
Cuối cùng vẫn bị người ta giết chết .”
Chú của người dịch
Lâm Ngữ Đường 林语堂 (1895 – 1976): người Long Khê 龙溪 Phúc Kiến 福建, vốn tên là Hoà Lạc 和乐, sau đổi là Ngọc Đường 玉堂, rồi lại đổi là Ngữ Đường 语堂. Năm 1912, ông theo học tại Đại học Thánh Ước Hàn 圣约翰 (Saint John s University) tại Thượng Hải. Sau khi tốt nghiệp, đến giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa 清华. Mùa thu năm 1919, Lâm Ngữ Đường đến học Khoa Văn học của Đại học Cáp Phật 哈佛 (Havard University ) nước Mĩ. Năm 1922 đạt được học vị Thạc sĩ Văn học. Cũng trong năm đó, Lâm Ngữ Đường chuyển đến học tại Đại học Thái Tỉ Tích 菜比锡 (Universitat Leipzig) nước Đức, chuyên về ngôn ngữ học. Năm 1923, sau khi đạt được học vị Tiến sĩ, ông về nước, giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh, chủ nhiệm Khoa Anh văn và làm giáo vụ trưởng của Đại học sư phạm dành cho nữ ở Bắc Kinh. Sau năm 1924, ông là một trong những người biên soạn chủ yếu của tờ Ngữ ti 语丝. Năm 1926, Lâm Ngữ Đường đến Đại học Hạ Môn 厦门 giữ chức Viện trưởng Viện Văn học. Năm 1927 ông làm thư kí cho Bộ ngoại giao. Năm 1932 chủ biên nguyệt san Luận ngữ 论语. Năm 1934
Sáng lập tập san Nhân Thế Gian 人世间. Năm 1935 sáng lập tập san Vũ Trụ Phong 宇宙风, đề xướng văn tiểu phẩm “dĩ tự ngã vi trung tâm, dĩ nhàn thích vi cách điệu” 以自我为中心以闲适为格调. Sau năm 1935, Lâm Ngữ Đường tại nước Mĩ viết những trứ tác văn hoá và trường thiên tiểu thuyết như Ngô quốc dữ ngô dân 吾国与吾民, Kinh hoa yên vân 京华烟云, Phong thanh hạc lệ 风声鹤唳 bằng tiếng Anh. Năm 1944, Lâm Ngữ Đường có về nước giảng bài tại Trùng Khánh. Năm 1945 đến Singapore sáng lập Đại học Nam Dương 南洋, nhậm chức Hiệu trưởng. Năm 1952, tại nước Mĩ cùng với người khác sáng lập tạp chí Thiên Phong 天风. Năm 1966 Lâm Ngữ Đường định cư tại Đài Loan. Năm 1967 ông được mời giảng dạy tại Đại học Trung Văn ở Hương Cảng. Năm 1975 được tiến cử giữ chức Phó hội trưởng của Quốc tế bút hội 国际笔会. Lâm Ngữ Đường qua đời tại Đài Loan năm 1976.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/6/2016
Dịch từ bản Trung văn
TRUNG QUỐC ẤN ĐỘ CHI TRÍ TUỆ
(Ấn Độ quyển)
中国印度之智慧
(印度卷)
Tác giả: Lâm Ngữ Đường 林语堂
Người dịch: Dương Thái Hà 杨彩霞
Tây An: Thiểm Tây sư phạm đại học xuất bản xã, 2006.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét