TẠI SAO VƯƠNG CHIÊU QUÂN ĐƯỢC GỌI LÀ MINH PHI
Vương Chiêu Quân 王昭君 là một trong “tứ đại mĩ nữ” của Trung Quốc cổ đại, từng chủ động hoà thân Hung Nô, được gã cho Thiền vu Hô Hàn Tà 呼韩邪, xưng là “Yên Chi” 阏氏. Khi Vương Chiêu Quân còn ở trong cung của Hán Nguyên Đế 汉元帝 chưa từng được phong là “phi”, nhưng đời sau đa phần gọi Vương Chiêu Quân là “Minh Phi” 明妃, tại sao như thế?
Vương Chiêu Quân có tên là Vương Tường 王嫱, tự Chiêu Quân 昭君, nhũ danh là Hạo Nguyệt 皓月, người Tỉ Quy 秭归 Nam Quận 南郡, người tộc Hán. Thời Hán Nguyên Đế, lấy thân phận “lương gia tử” 良家子được tuyển vào Dịch đình 掖庭. Lúc bấy giờ, Hô Hàn Tà đến triều, Hán Nguyên Đế ra lệnh ban tặng cho 5 mĩ nữ. Vương Chiêu Quân nhập cung được mấy năm, chưa được ngự kiến, trong lòng chất chứa nỗi ai oán, bèn xin với quan lệnh Dịch đình cho vào danh sách. Hô Hàn Tà đến bữa tiệc từ giả, Đế cho triệu 5 người đẹp đến. Theo Hậu Hán thư 后汉书 quyển 89:
Chiêu Quân dung mạo xinh đẹp, sáng cả cung Hán, nhìn ảnh bồi hồi, tả hữu rung động. Đế nhìn thấy vô cùng kinh ngạc, ý muốn lưu lại, nhưng sợ nuốt lời nên ban cho Hung Nô.
Vương Chiêu Quân thiên sinh lệ chất, thông tuệ vô cùng, cầm kì thi hoạ không gì là không tinh thông. Sau này Hán Nguyên Đế tuyển chọn người đẹp, Vương Chiêu Quân là người Nam Quận được xếp đầu. Nguyên Đế hạ chiếu, sai chọn ngày tiến kinh. Truyền thuyết kể rằng, sau khi Vương Chiêu Quân tiến cung, do vì tự ỷ sắc đẹp của mình, không chịu hối lộ hoạ sư Mao Diên Thọ 毛延寿, Mao Diên Thọ bèn vẽ thêm một mụt ruồi “táng phu lạc lệ” 丧夫落泪 trên hình của Vương Chiêu Quân, Do đó bị biếm vào lãnh cung, 3 năm không có cách gì gặp được Đế.
Về sau Thiền vu Hô Hàn Tà đến triều, yêu cầu hoà thân. Hán Nguyên Đế triệu hết phi tần ở hậu cung, hỏi xem ai bằng lòng. Vương Chiêu Quân bước ra, khảng khái bằng lòng. Sau khi đến sa mạc phương bắc, Vương Chiêu Quân được phong làm Ninh Hồ Yên Chi 宁胡阏氏, ý nghĩa là Hung Nô đã có được con gái người Hán làm “Yên Chi” (vợ của vương), vấn đề an ninh bắt đầu được bảo đảm. Sau khi Chiêu Quân xuất tái, hai tộc Hán Hung đoàn kết hoà mục, quốc thái dân an, “biên thành yên ổn, trâu ngựa đầy đồng, ba đời không có tiếng chó kinh động, lê dân quên chuyện can qua”, một cảnh tượng hoà bình tràn đầy sức sống.
Đời sau có người đánh giá công tích của Vương Chiêu Quân không thua Vệ Thanh 卫青, Hoắc Khứ Bệnh 霍去病. Bà đã có cống hiến to lớn cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Hán – Hung. Hán Nguyên Đế tuy chưa từng phong Chiêu Quân làm “phi”, nhưng người đời sau lại gọi bà là “Minh Phi”, vì sao vậy? Lai lịch của từ “Minh Phi” chủ yếu có liên quan đến Tư Mã Chiêu 司马昭, vị hoàng đế triều Tấn. Nhân vì cả hai người đều có chữ “chiêu” giống nhau, để tránh huý, mọi người gọi Vương Chiêu Quân là “Minh Quân” 明君, thế là bà đã có hiệu là “Minh Phi”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn19/6/2016
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét