MỤC LỤC HỌC THỜI TỐNG
Ban Cố 班固 soạn Hán thư tự truyện 汉书叙传, lần đầu tiên có từ “mục lục” 目录. “Mục lục học” thời Tống trở thành một môn học chuyên. Thời Tống, Kim, Nguyên về phương diện mục lục đã có những thành tích rõ nét.
Sùng Văn tổng mục 崇文总目: đời Tống nối theo các triều trước, do phủ quan tụ tập các học giả hiệu khám tranh sách biên mục. Thời Nhân Tông, nhân vì thư tịch tàng trữ ở Chiêu Văn quán 昭文馆, Sử quán 史馆, Tập Hiền viện 集贤院 cùng Bí các 秘阁 không đầy đủ, đã lệnh cho Hàn lâm học sĩ Trương Quan 张观 xem kĩ, định số lượng tồn phế. Lại lệnh cho Vương Nghiêu Thần 王尧臣, Vương Chu 王洙, Âu Dương Tu 欧阳修 hiệu chính điều mục, thời gian trước sau 8 năm, định trứ 30669 quyển, phân loại biên mục, tổng cộng thành 66 quyển, đặt tên là Sùng Văn tổng mục 崇文总目.Tổng mục trứ lục quần thư, đầu tiên là tên sách, kế đến là quyển số, cuối cùng ghi họ tên người soạn hoặc người chú thích, niên đại, quan hàm, cùng sơ lược về tình hình tồn khuyết. Đây là bộ mục lục thư tương đối rõ ràng đầy đủ.
Thông chí – Nghệ văn lược 通志 - 艺文略: trong Thông chí của Trịnh Tiều 郑樵 có Nghệ văn lược. Trịnh Tiều không thu thập cách phân loại tứ bộ gồm kinh, sử, tử, tậptừ đời Đường trở đi, cũng không tán đồng thể lệ của Thất lược 七略. Nghệ văn lược thu thập hết các sách mà mục lục cổ kim nói đến, ông phân thành 12 loại: kinh, lễ, nhạc, tiểu học, sử, chư tử, thiên văn, ngũ hành, nghệ thuật, y phương, loại thư, văn (tức tập bộ), lại chia nhỏ thành 155 tiểu loại, 284 mục. Cách phân loại này tại đương thời là một cách tân rõ nét. Trịnh Tiều còn coi trọng đồ phổ, cho rằng thư tịch không chỉ cần phải có mục lục, mà cũng còn cần phải đồ thư biểu phổ đầy đủ. Biên soạn Thông chí có Đồ phổ lược 图谱略 là một sáng tạo.
Tư gia tàng thư mục lục: mục lục thư tịch do tư nhân học giả thời Tống Nguyên biên soạn. Đây cũng là một sáng tạo mới. Tác phẩm đại biểu có Quận Trai độc thư chí 郡斋读书志 của Triều Công Vũ 晁公武, Toại Sơ Đường thư mục 遂初堂书目 của Vưu Mậu尤袤, Trực Trai thư lục giải đề 直斋书录解题 của Trần Chấn Tôn 陈振孙...
Quận Trai độc thư chí có 4 quyển, đối với thân thế của tác giả hoặc người chú sớ thư tịch đều giới thiệu tường tận, đồng thời đối với chỗ mạnh yếu được mất của nội dung thư tịch cũng đều có bình luận.
Toại Sơ Đường thư mục là mục lục do Vưu Mậu biên soạn từ thư tịch mà ông lưu trữ, đặc điểm là ghi lại sơ lược văn bản của các sách, đối với hậu thế đã mở ra một phong khí mới chú trọng văn bản.
Trần Chấn Tôn vào thời Tống Lí Tông 宋理宗 ghi chép tàng thư của các nhà như Trịnh Tiều đạt đến hơn 51180 quyển, sau mỗi sách viết giới thiệu tác giả, nội dung, đồng thời bình sơ lược về chỗ được mất, gọi là “giải đề”.
Trong Văn hiến thông khảo 文献通考 của Mã Thuỵ Lâm 马瑞临có Kinh tịch khảo 经籍考 76 quyển, đại thể biên soạn theo 2 bộ Quận Trai độc thư chí và Trực Trai thư lục giải đề, phân làm 4 bộ, mỗi bộ lại chia ra một số loại, mỗi loại có tiểu tự, giới thiệu nội dung, tự thuật nguồn gốc học thuật, phái biệt cùng sự hưng suy tồn vong. Trứ lục các sách, trước tiên chép họ tên tác giả, sau đó thuật lại tên sách, quyển số, lại có cả giải đề, giới thiệu sự kinh qua của tác giả và nội dung được mất của sách, đồng thời phụ thêm khảo đính. Công tác khảo chứng về phương diện Mục lục học, Mã Thuỵ Lâm đã có những sáng tạo độc đáo.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 18/6/2016
Nguồn
TỐNG NGUYÊN VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
宋元文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ Nhân dân xuất bản xã, 2006
0 nhận xét:
Đăng nhận xét