NGƯỜI TẦN MỞ MANG ĐẤT NƯỚC
Đại Phí 大费 có hai người con, con trưởng là Đại Liêm 大廉, con thứ là Nhược Mộc 若木. Khoảng thời Hạ Thương, huyền tôn của Nhược Mộc là Phí Xương 费昌 “bỏ nhà Hạ đến với nhà Thương” giúp vua Thang 汤 nhà Thương đánh bại ông Kiệt 桀nhà Hạ ở trận chiến Minh Điều 鸣条. Có lẽ nhân vì xuất phát từ sự sùng bái huyền điểu tương đồng, từ đó về sau người Tần đời đời giúp nhà Thương, được Thương vương trọng dụng và đãi ngộ. Thời Thương vương Thái Mậu 太戊, huyền tôn của Đại Liêm là Trung Diễn 中衍 còn thông hôn với tộc Thương, người Tần nhân đó cũng có được sự phát triển to lớn. Theo Sử kí 史记, “tính Doanh nhiều người hiển quý, bèn làm chư hầu”. Huyền tôn của Trung Diễn là Trung Duật 中潏 “giữ biên thuỳ phía tây” bảo vệ nhà Thương. Cuối triều Thương, ông Trụ 纣 vô đạo, chư hầu tạo phản, người Chu hưng khởi. Tuy vậy, người Tần vẫn thề chết ra sức giúp nhà Thương. Con Trung Duật là Phi Liêm 蜚廉, con Phi Liêm là Ác Lai 恶来, tương truyền “Ác Lai có sức mạnh, Phi Liêm giỏi chạy”, hai cha con trung thành thờ Trụ vương. Vũ vương 武王phạt Trụ, Ác Lai chiến tử, Phi Liêm chết theo nhà Thương.
Tây Chu kiến lập, bộ thuộc người Ân bao gồm cả tổ tiên người Tần đều biến thành nô lệ thị tộc của vương triều Chu . Một bộ phận thị tộc tính Doanh bị đưa đi đến biên thuỳ phía tây của triều Thương. Một người con khác của Phi Liêm là Ác Lai Cách 恶来革, có con tên là Nữ Phòng 女防, là tổ tiên trực hệ của người Tần. Cháu đời thứ tư của Phi Liêm là Tạo Phủ造父, nhân vì giỏi đánh xe nên được Chu Mục Vương sủng hạnh, từng đánh xe đi tuần phía tây cho Chu Mục Vương, sau đó ngày đi cả ngàn dặm về phía đông, kịp thời bình định được biến loạn Từ Yển Vương 徐偃王 của Chu thất. Những người vốn chi tính Doanh “vì Tạo Phủ được sủng hạnh, đều được ở đất Triệu, ban cho tính Triệu”. Nhân đó, Tần, Triệu cùng chung một tổ, cùng xuất phát từ nhánh Phi Liêm tính Doanh, cùng nhân “Tạo Phủ được sủng hạnh” mà có được tính.
Cháu đời thứ ba của Nữ Phòng là Phi Tử 非子 cư trú ở Khuyển Khâu 犬丘 (nay là giao giới phía đông nam của Cam Túc với phía tây nam của Thiểm Tây), do bởi giỏi chăn nuôi gia súc được dân Khuyển Khâu tiến cử lên Chu Hiếu Vương, Hiếu Vương triệu ông chủ trì “Khai Vị chi hội” (nơi sông Khai và sông Vị gặp nhau, nay là Bảo kê 宝鸡Thiểm Tây 陕西). Hiếu Vương mến mộ tài năng của ông, “phân đất cho làm phụ dung”, lệnh cho ấp đó là Tần, tiếp tục lấy họ là Doanh, gọi là Tần Doanh 秦嬴. Từ đó, trong lịch sử mới chính thức có danh xưng “Tần”, tộc Doanh tính Tần thị hình thành từ đó. “Khai Vị chi hội” cũng trở thành đất phát tích chính trị của tộc thuộc Doanh Tần. Đất Tần màu mỡ, thích hợp cho nông canh, người Tần ở nơi đó an cư lạc nghiệp, nhanh chóng phát triển hùng mạnh. Nhân vì trường kì cùng với Tây Nhung tạp cư, người Tần thường cùng với Tây Nhung thông hôn, đối đãi hoà mục, nhưng cũng có lúc phát sinh xung đột và chiến tranh.
Thời Tần Trọng 秦仲, huyền tôn của Phi tử, Chu Lệ Vương 周厉王 hôn dung vô đạo, bên trong người trong nước bạo động, bên ngoài Tây Nhung phản Chu. Tộc Đại Lạc 大骆của người Tần cư trú ở Khuyển Khâu bị Tây Nhung diệt. Sau khi Chu Lệ Vương qua đời, Chu Tuyên Vương 周宣王 lên ngôi “dùng Tần Trọng làm Đại phu”, thảo phạt Tây Nhung. Đại phu tuy sánh không bằng khanh và chư hầu, nhưng so với phụ dung thì mạnh hơn nhiều. Tần Trọng nhận tước, “hữu quốc hữu gia”, liền ra sức cai trị, thống lĩnh bộ tộc đánh giết Tây Nhung hơn 20 năm. Tần Trọng có 5 người con, con trưởng Trang Công 庄公kế vị, 5 anh em Trang Công nhờ Tuyên Vương điều cấp cho họ 7000 sĩ tốt, đánh bại Tây Nhung, đoạt lại vùng đất cũ Khuyển Khâu. Tuyên Vương đã đem vùng đất rộng lớn Khuyển Khâu Đại lạc ban thưởng cho họ, đồng thời phong Trang Công làm “Tây thuỳ đại phu”. Đó là máu và mồ hôi của mấy đời chiến đấu đổi lấy. Sau khi Trang Công mất, Tương Công 襄公 lên thay. Tần Tương Công một mặt đem em gái là Mục Doanh 缪嬴 gả cho Phong vương Tây Nhung, mặt khác dời đô đến Khai ấp, đồng thời dần tiến về phía đông. Địa vị của Tần nhanh chóng được nâng cao, khiến các chư hầu phương đông chú ý.
Trong giới học giả có 3 quan điểm, lần lượt lấy Doanh Tần làm phụ dung, Tần Trọng làm Đại phu, Tương Công xếp vào chư hầu là khởi điểm của nước Tần đều có lí do của nó. Những sự kiện lịch sử này đã vén tấm màn giữa Tần với Chu . Trải qua cả ngàn năm, bước chân phát triển của người Tần ngày càng nhanh, bóng dáng cũng ngày càng rỗ. Từ đó về sau họ đã bước lên vũ đài lịch sử, lưu danh sử sách.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 02/6/2016
Nguyên tác Trung văn
PHI KINH TRẢM CỨC
披荆斩棘
Trong quyển
THỐNG NHẤT VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH ĐẢN SINH – TẦN
统一王朝的诞生 - 秦
Chủ biên: “Đồ thuyết Trung Quốc lịch sử”
Trường Xuân - Cát Lâm xuất bản tập đoàn hữu hạn trách nhiệm công ti, 2006
0 nhận xét:
Đăng nhận xét