TRIỀU TẦN GIỤC NGỰA TRUNG NGUYÊN
Nước Tần từ khi Tương Công 襄公 lên ngôi được xếp vào hàng chư hầu, nhưng do bỏi lập quốc tương đối muộn, lại xa trung nguyên, tạp cư cùng di địch, bất luận về các phương diện như chính trị kinh tế hay văn hoá tập tục đều lạc hậu so với các nước ở phương đông, luôn gặp sự kì thị của các chư hầu, “gặp phải di địch” không chịu hội minh. Khoảng giao thời Xuân Thu Chiến Quốc, các nước chư hầu bận lo biến pháp, chính cục nội bộ nước Tần biến động, quốc quân liên tục thay đổi như đèn kéo quân. Lạc hậu đương nhiên bị đánh, nước Tần bị nước Nguỵ biến pháp trước tiên chiếm đoạt vùng Hà Tây. Người Tần quyết tâm biến pháp.
Trong các nước biến pháp, biến pháp của Thương Ưởng 商鞅nước Tần là triệt để nhất. Trên cơ sở bước đầu cải cách của Tần Hiến Công 秦献公, Tần Hiếu Công 秦孝公 dùng biến pháp của Thương Ưởng.
Về chính trị, thực hiện chế độ quận huyện, tăng cương tập quyền trung ương, làm trong sạch đội ngũ quan lại, đề cao hiệu suất hành chính.
Về kinh tế, khen thưởng khích lệ việc cày việc dệt, coi trọng cái gốc mà coi nhẹ cái ngọn, thống nhất đo lường, dùng hình thức pháp lệnh để xác nhận tư hữu ruộng đất, nâng đỡ kinh tế tiểu nông.
Về quân sự, thực hành chế độ “quân công tước” 军功爵, o ép quý tộc thế tập, nâng đỡ giới địa chủ quân công mới nổi lên, ra sức đề cao tính tích cực và sức chiến đấu của quân Tần.
Về pháp luật, biên chế hộ khẩu, tăng cường hình phạt, thưởng phạt phân minh.
Sự thành công của biến pháp Thương Ưởng đã đặt nền móng cho sự phú cường của nước Tần. Về sau tuy Thương Ưởng bị hình phạt phanh thây, nhưng Tần pháp không suy bại. Hình thành sự so sánh rõ ràng đó là biến pháp của các nước đều gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của giới quý tộc cũ nên gặp những thất bại ở những mức độ khác nhau. Nước Sở từng trải qua quá khứ mấy trăm năm dòm ngó trung nguyên, cuối cùng nhân vì cải cách thất bại mà vận nước không thịnh. Sở Điệu Vương 楚悼王từng dùng biến pháp của Ngô Khởi 吴起, nhưng sau khi Sở Điệu Vương qua đời không lâu, giới quý tộc lập tức phát động chính biến, Ngô Khởi nấp bên cạnh thi thể Sở Điệu Vương để lánh nạn nhưng cũng không thoát khỏi. Theo quy định của nước Sở, phàm những ai dùng binh khí làm thương hại đến thi thể của quốc vương đều bị xử hình phạt diệt tộc. Nhưng bọn quý tộc vẫn nhắm bắn bừa vào Ngô Khởi đang nấp bên cạnh thi thể của Điệu Vương. Do bởi biến pháp của các nước không triệt để, quốc lực so ra đang nghiêng về phía có lợi cho Tần, kẻ sĩ ở sáu nước vùng quan đông, không ai là không tranh nhau theo Tần.
Nước Tần từ khi Thương Ưởng biến pháp mạnh lên, dần hình thành “ý muốn tóm thâu bốn biến, tâm muốn nuốt trọn bát hoang”, không ngừng phát động chiến tranh kiêm tính, thôn tính dần sáu nước phương đông. Quân Tần chủ yếu chỉa đầu mũi giáo về hai hướng: vùng Tam Tấn phía đông cùng Thục Hán và đất Sở phía tây nam. Về hướng Tam Tấn, quân Tần huy động quân từ quan ngoại nhắm thẳng trung nguyên: năm 330 và năm 328 trước công nguyên, Tần hai lần tấn công Nguỵ, nước Nguỵ trước sau dâng vùng Hà Tây cùng 15 huyện ở Thượng Quận 上郡; năm 307 trước công nguyên, Tần chiếm Nghi Dương 宜阳 của nước Hàn, lãnh thổ nước Tần mở rộng đến trung nguyên; năm 289 trước công nguyên, Tần một lần nữa đánh Nguỵ, chiếm lấy 61 thành. Về hướng tây nam, quân Tần trước tiên chiếm Ba Thục 巴蜀, sau đó tiến dần đến Sở Hán. Năm 316 trước công nguyên, Tần diệt Ba 巴, diệt Thục 蜀. Trận đánh này có thể nói là đem vận mệnh nước Tần ra đánh cược, may mà có được công hiệu như tướng Tần là Tư Mã Thác 司马错 dự kiến:
Được Thục thì được Sở. Sở mất thì thiên hạ đều cùng về.
Quả nhiên sau đó đối với Sở, quân Tần giành được những thắng lợi quan trọng, về sau xưng hùng 6 nước, kiêm tính thiên hạ, đặt nền móng vững chắc. Năm 312 trước công nguyên, Tần công chiếm 600 dặm vùng Hán Trung 汉中đất Sở, đặt ra quận Hán Trung; năm 298 trước công nguyên, Tần đánh Sở, chiếm 16 thành; năm 278 trước công nguyên, Tần chiếm lấy Dĩnh đô 郢都 của Sở , đặt ra Nam quận 南郡; năm 277 trước công nguyên, Tần chiếm đất Vu 巫, Giang Nam 江南 của Sở lập quận Kiềm Trung 黔中; năm 272 trước công nguyên, Tần lập quận Nam Dương 南阳.
Trong phong trào xưng “vương” xưng “đế” thời Chiến Quốc, cường Tần cũng không cam chịu lạc hậu. Tần Huệ Văn Vương 秦惠文王 sau khi kế Nguỵ, Tề đã xưng Vương, đó là vị quốc quân đầu tiên xưng vương trong lịch sử nước Tần. Ông không nghe theo kế liên hoàn của Tô Tần 苏秦, mà ông cẩn thận xem xét để đưa ra quyết đoán xưng “đế” anh minh. Nhưng với Tần Chiêu Vương 秦昭王lông cánh đầy đủ, không ngừng tấn công Sở, Nguỵ, Hàn lại không thoả mãn xưng “vương”. Năm 288 trước công nguyên, ông tự xưng “Tây Đế” 西帝, tôn Tề Mẫn Vương 齐湣王 làm “Đông Đế” 东帝. Tề Mẫn Vương giảo hoạt bội ước, hội chư hầu lại, bức Tần thủ tiêu Đế hiệu. Tần lập tức tổ chức 5 nước đánh Tề, Thượng tướng nước Yên là Nhạc Nghị 乐毅 cơ hồ diệt được Tề, Tề từ đó suy yếu. Tần từ sau khi giành được thắng lợi mang tính then chốt tại trận Trường Bình 长平, tuy cũng có nếm qua thất bại, nhưng thái độ và thế lực kiêm tính khuếch trương không hề giảm. Năm 256 trước công nguyên, Tần diệt Chu , lấy được 9 đỉnh. Sau đó các nước vùng Sơn Đông tranh nhau “triều” Tần. Chiêu Vương nghiễm nhiên giống “thiên hạ cộng chủ”. Ông đã để lại cho con cháu của mình thiên hạ ngày càng tươi sáng.
Lịch sử phát tích của Tần khớp với lịch sử thay thế trước sau của vương triều Chu . Sự biến động thời Xuân Thu Chiến Quốc không chỉ một lần thay triều đổi đại, càng không phải một lần xã hội biến thiên to lớn. Trải qua sự biến đổi này, sự khác biệt giữa Tần Hán với Thương Chu rõ như mặt trời mặt trăng, lịch sử thay đổi chế độ biến pháp hô ứng, thuỷ chung với cục diện biến đổi cả ngàn năm này. Về việc kiêm quốc tịnh thổ lâu dài, trong quá trình lịch sử xưng bá đồ vương, nước Tần là nước mỉm cười được sau cùng. Nhìn ra thế giới, nước Tần cùng với đại lục châu Âu mở ra thời đại đế chế. Như Trương Phân Điền 张分田 trong Tần Thuỷ Hoàng truyện 秦始皇传 đã chỉ ra rằng, ở một ý nghĩa nhất định, bộ sử nước Tần chính là bộ sử thời Xuân Thu Chiến Quốc, một bộ sử thu nhỏ sự phát sinh đế chế Trung Quốc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 29/6/2016
Nguyên tác Trung văn
SÁCH MÃ TRUNG NGUYÊN
策马中原
Trong quyển
THỐNG NHẤT VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH ĐẢN SINH – TẦN
统一王朝的诞生 - 秦
Chủ biên: “Đồ thuyết Trung Quốc lịch sử”
Trường Xuân - Cát Lâm xuất bản tập đoàn hữu hạn trách nhiệm công ti, 2006
0 nhận xét:
Đăng nhận xét