CHỮ HÁN CÓ PHẢI BẮT NGUỒN TỪ
“THƯƠNG HIỆT TÁC THƯ”?
Mấy ngàn năm trước chữ Hán sản sinh và đã ghi chép về văn hoá lịch sử cổ xưa của dân tộc Trung Hoa, truyền thừa được nền văn minh lâu đời trên vùng hoàng thổ. Với hình trạng và cách dùng đặc biệt, chữ Hán đã nêu cao ngọn cờ trong các loại văn tự. Chữ Hán sản sinh như thế nào? và ai là người phát minh? Đối với những vấn đề này xưa nay có nhiều cách nói khác nhau, lưu hành rộng rãi nhất là thuyết “Thương Hiệt tạo tự” 仓颉造字.
Về vấn đề “Thương Hiệt tạo tự” có một truyền thuyết thần kì. Thương Hiệt 仓颉 vốn là vị sử quan của Hoàng Đế 黄帝, ông có 4 mắt, trên có thể quan sát thiên văn, dưới có thể khảo sát địa lí, còn có thể nhìn thấy được những thứ mà người thường không thể thấy. Thời Hoàng Đế, mọi người vẫn đang thắt nút dây để ghi nhớ sự việc, cách này quá giản đơn, không thể ghi chép những tình huống phức tạp nhiều biến đổi, mọi người nhân vì không có cách truyền đạt chính xác và giao lưu ý nghĩ của mình, khiến việc sản xuất nông canh bị nhiều trở ngại. Vì thế, Hoàng Đế quan tâm dân sinh đã sai Thương Hiệt đi tìm cách. Sau khi nhận mệnh lệnh, Thương Hiệt đã tự giam mình trong căn phòng bên bờ sông Vị 洧, hàng ngày suy nghĩ đến cả quên ăn quên ngủ, cả ngày đầu bù tóc rối, qua một thời gian dài mà vẫn chưa tạo ra được chữ. Một ngày nọ, Thương Hiệt đứng ngây người dưới gốc cây to trước cửa, một con phụng hoàng bay qua nhả một hạt xuống trước mặt ông. Thương Hiệt nhặt lên nhìn kĩ, phát hiện trên hạt có đồ án rất đẹp mà trước đó chưa từng thấy qua. Lúc bấy giờ một người thợ săn đi ngang qua nhìn thấy đồ án này liền nói với Thương Hiệt đó là dấu chân con tì hưu 貔貅, không giống với dấu chân các loài thú khác, vả lại dấu chân của vạn vật trên thế giới đều không giống nhau. Từ những lời này, Thương Hiệt đã có được gợi ý, thấy rằng mình không tạo ra được chữ là do bởi ở yên một chỗ. Vì thế Thương Hiệt chu du bốn phương, băng núi vượt sông, nhìn thấy vật gì cũng đều quan sát và suy nghĩ kĩ, nhớ đặc trưng của chúng. Phong hoa tuyết nguyệt, phi cầm tẩu thú, nhật nguyệt tinh thần đều trở thành nguồn gốc linh cảm của ông. Thương Hiệt đem những chỗ linh cảm tốt đẹp ấy chỉnh lí lại, trở thành chữ tượng hình sớm nhất. Truyền thuyết kể rằng, khi Thương Hiệt tạo chữ, trời bỗng đổ thóc xuống, ban đêm nghe tiếng khóc than thê thiết của loài quỷ. Thương Hiệt đem những chữ tượng hình mà ông tạo ra dâng lên Hoàng Đế. Hoàng Đế nhìn thấy vô cùng hài lòng, lập tức triệu tập tù trưởng 9 châu lại, sai Thương Hiệt đem những chữ đã tạo truyền cho họ. Tù trưởng 9 châu ra sức thực hiện trong bộ lạc và trên lãnh thổ của mình. Thế là mọi người trên 9 châu đều bắt đầu sử dụng chữ tượng hình, cung cấp tiện lợi to lớn cho đời sống sản xuất và giao lưu tin tức của mọi người.
Về truyền thuyết này, trong nhiều sách có những ghi chép liên quan. Trong Hoài Nam Tử 淮南子 của Hoài Nam Vương Lưu An 刘安 đời Hán có nói:
Hiệt tác thư, thiên vũ túc, quỷ dạ khốc.
颉作书, 天雨粟, 鬼夜哭
(Khi Thương Hiệt tạo chữ, trời mưa thóc, quỷ khóc đêm)
Thời Đông Hán, Hứa Thận 许慎 trong Thuyết văn giải tự 说文解字 đã viết rằng:
Hoàng Đế chi Sử Thương Hiệ,t kiến điểu thú đề hàng chi tích, tri phân lý chi khả tương biệt dị dã, sơ tạo thư khế.
黄帝之史仓颉见鸟兽蹄迒之迹, 知分理之可相异别也, 初造书契.
( Sử quan của Hoàng Đế là Thương Hiệt nhìn dấu vết của loài chim loài thú, biết phân biệt các điểm khác lạ, ban đầu tạo ra chữ khắc vạch)
Trong Duyện Châu tục chí 兖州续志 ghi rằng:
Thương Hiệt, Phùng Dực nhân, Hoàng Đế sử quan dã. Sinh tứ nhật, quan điểu tích nhi chế tự.
仓颉, 冯翊人, 黄帝史官也. 生四日, 观鸟迹而制字.
(Thương Hiệt người ở Phùng Dực là sử quan của Hoàng Đế. Sinh ra được bốn ngày đã quan sát dấu vết loài chim mà chế tạo ra chữ)
Ngoài ra, để kỉ niệm công lao tạo chữ của Thương Hiệt, người đời sau căn cứ vào truyền thuyết, gọi phía nam huyện thành Tân Trịnh 新郑tỉnh Hà Nam 河南 nơi Thương Hiệt tạo chữ là “Phụng hoàng hàm thư đài” 凤凰衔书台. Đến thời Tống, còn có người còn dựng một ngôi miếu ở nơi đây gọi là “Phụng Đài tự” 凤台寺. Thậm chí phần mộ của Thương Hiệt cũng có ở nhiều nơi, trong đó những người làm công tác khảo cổ khi điều tra thôn Vương Tông Thang 王宗汤 trấn Đồng Thành 铜城hiện nay đã phát hiện di chỉ văn hoá Long Sơn 龙山, cách nay khoảng hơn 4000 năm, theo lời kể người nơi đây gọi là “Thương Vương phần” 仓王坟 (mộ Thương Vương), trước mộ còn xây “Thương Vương tự” 仓王寺. Có thể thấy, thuyết Thương Hiệt tạo chữ rất có lai lịch.
Nhưng nếu phân tích một cách khách quan và lí tính, sự phức tạp và đa biến của chữ Hán căn bản không thể do một người và trong một thời gian ngắn phát minh ra. Thời đại của Thương Hiệt là xã hội nguyên thuỷ, mọi người hàng ngày ăn gió nằm sương, cuộc sống cơ bản nhất cũng không có cách gì đảm bảo, trình độ sản xuất và trình độ văn hoá thấp như thế, muồn phát minh ra văn tự giống chữ Hán vừa độc lập phát triển lại có lịch sử tương đối lâu đời, đối với người nguyên thuỷ như Thương Hiệt là việc không thể. Ngoài ra, theo sự khảo chứng của học giả, văn tự đương thời có nhiều dị thể, chắc chắn là được sản sinh bởi nhiều người, cho nên mọi người cho “Thương Hiệt tạo tự” là thuyết không đáng tin, khả năng có thể là đối với văn tự có hình thể bất nhất, Thương Hiệt đã tiến hành công tác chỉnh lí. Tuân Tử 荀子 từng cho rằng: Thời cổ, người sáng tạo văn tự có rất nhiều, văn tự là phát minh của nhiều người, công lao của Thương Hiệt là ở chỗ chỉnh lí. Một khảo cổ sử thực có sức thuyết phục đó là có người đã phát hiện trên mảnh gốm đào được ở Bán Pha 半坡, Tây An 西安 có một số phù hiệu khắc hoạ, nét bút giản đơn, cách nay khoảng 6000 năm, so với thời đại Thương Hiệt tạo chữ sớm hơn 1000 năm. Trừ Thương Hiệt ra, trong truyền thuyết còn có “Thần Nông tác tuệ thư” 神农作穗书, “Hoàng Đế tác khứ thư” 黄帝作去书, “Chúc Dung tác cổ văn” 祝融作古文, “Thiếu Ngô tác vụ phụng thư” 少吴作鹜凤书, “Tào Dương thị tác khoa đẩu văn” 曹阳氏作蝌蚪文, “Tào Tân thị tác tiên thư” 曹辛氏作仙书, “Đế Nghiêu tác quy thư” 帝尧作龟书, “Đế Vũ chú cửu đỉnh nhi tác chung đỉnh văn” 帝禹铸九鼎而作钟鼎文 v.v… có thể nói mỗi thuyết đều có lí của mỗi thuyết. Vì việc này, các văn nhân học giả đã khảo chứng hơn 2000 năm, đã phát biểu rất nhiều cách nhìn, nhưng không ai có thể áp đảo được đối phương.
Nhưng cho dù chân tướng “Thương Hiệt tạo thư” như thế nào đi nữa, bất luận là sự thực lịch sử nghiêm túc hay là một truyền thuyết đẹp, nó đã phản ánh lòng nhiệt thành yêu mến của mọi người đối với văn tự của tổ quốc, khẳng định sự truyền thừa nền văn hoá lâu đời của dân tộc Trung Hoa, mọi người đối với tổ tiên tạo chữ đã cảm kích và ngưỡng mộ, vì thế những truyền kì cảm động lòng người này mới có thể lưu lại tiếng thơm muôn đời.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 23/8/2014
Nguyên tác Trung văn
HÁN TỰ KHỞI NGUYÊN CHÂN THỊ “THƯƠNG HIỆT TÁC THƯ” MẠ?
汉字起源真是 “仓颉作书” 吗?
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét