About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Truyền thống thượng võ của dân tộc Đông di (kì cuối)

TRUYỀN THỐNG THƯỢNG VÕ CỦA DÂN TỘC ĐÔNG DI
(kì cuối)

          Sự sùng bái chiến thần có nguồn gốc từ tập tục thượng võ vào thời kì cuối của xã hội nguyên thuỷ. Xi Vưu 蚩尤 từng đánh nhau với Hoàng Đế 黄帝được dân gian tôn làm chiến thần ở thời kì đầu,
          Tam đại di khí, đa trứ Xi Vưu chi tượng, vi tham ngược giả chi giới. Kì tượng suất vi thú hình, phó dĩ nhục xí (1).
三代彝器, 多著蚩尤之像, 为贪虐者之戒. 其像率为兽形, 傅以肉翅
(Những di khí thời tam đại đa phần có hình Xi Vưu, để răn những kẻ tham ngược. Hình có dạng loài thú, gắn thêm đôi cánh)
Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 khi đi tuần về phía đông tế tự danh sơn đại xuyên cùng thần linh các lộ, trong đó có binh chủ Xi Vưu (2). Lưu Bang 刘邦 trước khi khởi binh ở đất Bái , cũng:
Từ Hoàng Đế, tế Xi Vưu vu Bái đình (3).
祠黄帝, 祭蚩尤于沛庭
(Thờ Hoàng Đế, tế Xi Vưu ở Bái đình)
          Nối tiếp Hoàng Đế, Chuyên Húc 颛顼 đảm nhiệm làm minh chủ của liên minh bộ lạc Đông di, nhìn từ các tài liệu truyền thuyết, Chuyên Húc phải là người Đông di (4). Sau đó, phát sinh cuộc đấu tranh “giành làm đế” giữa Cung Công 共工 với Chuyên Húc颛顼. Trong Hoài Nam Tử - Thiên văn huấn 淮南子 - 天文训 ghi rằng:
          Tích giả Cung Công dữ Chuyên Húc tranh vi đế, nộ nhi xúc Bất Chu sơn, thiên trụ chiết, địa duy tuyệt. thiên khuynh tây bắc, cố nhật nguyệt tinh thần di yên; địa bất mãn đông nam, cố thuỷ lạo trần ai quy yên.
          昔者共工与颛顼争为帝, 怒而触不周山, 天柱折, 地维绝. 天倾西北, 故日月星辰移焉; 地不满东南, 故水潦尘埃归焉.
          (Xưa Cung Công với Chuyên Húc tranh nhau làm đế, Cung Công giận húc đổ núi Bất Chu, trụ chống trời gãy, giềng đất đứt. Trời  nghiêng phía tây bắc, nên mặt trăng mặt trời cùng sao dời đi; đất trũng phía đông nam, nên nước ngập, bụi dồn về)
          Ở đoạn thần thoại này, Cung Công bị Chuyên Húc đánh bại. Truyền thuyết Đế Khốc 帝喾 tương đối phức tạp, có người cho rằng Đế Khốc cũng là một phân chi của tộc người Đông di. Nghiêu , Thuấn sau Đế Khốc là minh chủ liên minh bộ lạc, trong Mạnh Tử - Li Lâu hạ 孟子 - 离娄下 gọi vua Thuấn là “Đông di chi nhân dã” 东夷之人也 (5). Thời vua Thuấn, Cao Dao 皋陶, Bá Ích 伯益, Tứ Nhạc 四岳 tham gia trị thuỷ cùng Đại Vũ 大禹 cũng là người Đông di. “Tứ Nhạc” nguyên chỉ 4 ngọn núi, nhân vì trưởng liên minh bộ lạc nơi đó chủ việc tế tứ nhạc, nắm giữ việc chư hầu và bốn phương, “Tứ Nhạc” dần trở thành quan danh nối đời truyền nhau. Trong Quốc ngữ - Chungữ 国语 - 周语 ghi rằng:
          Cung Công chi tôn Tứ Nhạc tá chi (Vũ), cao cao hạ hạ, sơ xuyên đạo trệ, chung thuỷ phong vật ….. tộ Tứ Nhạc quốc, mệnh dĩ Hầu Bá, tứ tính viết Khương, thị Hữu Lữ, vị kì năng vi Vũ cổ quăng tâm lữ, dĩ dưỡng vật phong dân dã.
          共工之孙四岳佐之 (), 高高下下, 疏川导滞, 钟水丰物 ….. 祚四岳国, 命以侯伯, 赐姓曰姜, 氏有吕, 谓其能为禹股肱心膂, 以养物丰民也.
          (Cháu của Cung Công là Tứ Nhạc giúp ông ta (Vũ), theo địa hình cao thấp mà khơi dòng trừ úng, tích nước để muôn vật sinh sôi ….. Lại phân đất đai cho Tứ Nhạc, sai ông quản chư hầu, ban cho tính là Khương, thị là Hữu Lữ, khen ông giống như người tâm phúc giúp vua Vũ, khiến muôn vật sinh trưởng, nhân dân sung túc)
          Sau khi Hạ Khải 夏启 lấy được thiên hạ, dâm dật vô độ, thủ lĩnh Đông di là Hậu Nghệ 后羿 phát động cuộc đấu tranh phản kháng. Hậu Nghệ có hiệu là Hữu Cùng thị 有穷氏 (nay là phụ cận thành phố Đức Châu 德州, Sơn Đông 山东). Theo truyền thuyết thời Nghiêu, “mười mặt trời cùng xuất hiện, đốt cháy mùa màng, giết chết cây cỏ, dân không có gì ăn. Yết Du 猰貐, Tạc Xỉ 凿齿, Cửu Anh 九婴, Đại Phong 大风, Phong Hi 封豨, Tu Xà 脩蛇 đều hại dân. Vua Nghiêu bèn sai Hậu Nghệ “bắn 10 mặt trời”, gọi là “10 mặt trời”  và “Yết Du”, “Tạc Xỉ” v.v… có khả năng là bộ lạc đối địch của vua Nghiêu. Do bởi Hậu Nghệ thiện xạ, cho nên vua Nghiêu sai ông dùng vũ lực chinh phạt. Trong quá trình chinh phạt, Hậu Nghệ biểu hiện vô cùng dũng cảm. Truyền thuyết kể rằng, Hậu Nghệ giương cung bách phát bách trúng, “giết Tạc Xỉ tại cánh đồng Trù Hoa 畴华, giết Cửu Anh trên sông Hung , trói Đại Phong nơi đầm Thanh Khâu 青丘, trên bắn rụng 10 mặt trời dưới giết Yết Du, chặt Tu Xà nơi Động Đình 洞庭, bắt Phong Hi nơi Tang Lâm 桑林 (6). Với sự dũng cảm của Hậu Nghệ và sự bất mãn của mọi người đối với sự thống trị của nhà Hạ, đã đoạt lấy chính quyền nhà Hạ. Thái Khang 太康mất nước, chạy đến tị nạn tại Châm Tầm 斟寻 (7), một nước cùng tính. Hậu Nghệ sau khi đoạt lấy chính quyền, ỷ tài thiện xạ, không ngó ngàng chính sự, đắm chìm trong thú vui săn bắn, giao chính quyền cho Hàn Trác 寒浞. Về sau, Hàn Trác thừa lúc Hậu Nghệ đi săn đã giết chết Hậu Nghệ, chiếm lấy thê thiếp và gia nghiệp của ông ta. Hàn Trác lại sai con đi đánh nhị Châm 二斟, Hạ Hậu Tương 夏后相bị giết, vợ ông đang có thai trốn thoát được chạy đến chỗ Hữu Nhưng thị 有仍氏 (8), sinh Thiếu Khang 少康. Sau khi Thiếu Khang trưởng thành, dưới sự giúp đỡ của Hữu Ngu thị 有虞氏 (9), diệt Hàn Trác, sử gọi là “Thiếu Khang trung hưng”. Trong khoảng thời gian mấy chục năm từ lúc Thái Khang mất nước đến Thiếu Khang trung hưng, Đông di và Hạ về cơ bản ở vào trạng thái chiến tranh. Vương Hiến Đường 王献唐 cho rằng, “Trận tuyến phòng ngự người di thời Hạ, trọng tâm tại huyện Duy , An Khâu 安丘, Thọ Quang 寿光, Ích Đô 益都, bán đảo phía đông của Sơn Đông vẫn là khu vực người di. Sau khi nhà Hạ diệt vong, trận tuyến này bị phá vỡ, bị người di chiếm hữu, kẻ thống trị dị tộc chủ yếu là tập đoàn tính Khương (10). Sau khi nhà Thương thay thế nhà Hạ, đặc biệt là từ sau khi Bàn Canh 盘庚 dời đô đến đất Ân, khu vực Sơn Đông xuất hiện nhiều điểm trống, tập đoàn tính Khương nhân đó mà nhanh chóng phát triển. Đến thời Vũ Ất, theo sự khuếch đại của thế lực Đông di, ‘phân chia đến vùng Hoài vùng Đại, rồi dần cư trú ở trung thổ’ (11), cấu thành sự uy hiếp đối với sự thống trị của triều Thương. Thời Đế Ất, từng “chinh di phương” 征夷方, thời Trụ vương triều Thương đã dùng binh đối với Đông di, sử gọi là “Trụ khắc Đông di nhi vẫn kì thân” 纣克东夷而殒其身 (Trụ đánh thắng Đông di nhưng tổn hại thân mình) (12).
          Người Tần, người Triệu thượng võ thiện chiến cũng đều lấy chim là totem, tương đồng với Đông di, họ nhất định là di dân của Đông di. Những điều trên đủ để nói rõ dân tộc Đông di là một dân tộc thượng võ thiện chiến.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1) (3)- Sử kí – Cao Tổ bản kỉ 史记 - 高祖本纪
(2)- Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史记 - 秦始皇本纪
(4)- An Tác Chương 安作璋chủ biên: Sơn Đông thông sử - Tiên Tần quyển 山东通史 - 先秦卷, Sơn Đông nhân dân xuất bản xã, 1993, trang 56.
(5)- Mạnh Tử - Li Lâu hạ 孟子 - 离娄下:
          Thuấn sinh vu Chư Phùng, thiên vu Phụ hạ, tốt vu Minh Điều, Đông di chi nhân dã.
          舜生于诸冯, 迁于负夏, 卒于鸣条, 夷之人也
          (Vua Thuấn sinh ở Chư Phùng, dời đến Phụ Hạ, mất ở Minh Điều, là người Đông di)
          Chư Phùng 诸冯, có thuyết cho là Chư Thành 诸城Sơn Đông 山东 hiện nay, có thuyết cho là phía nam Hà Trạch 菏泽 Sơn Đông 山东 hiện nay. Phụ Hạ 负夏, nay ở trong địa phận huyện Tứ Thuỷ 泗水Sơn Đông 山东. Minh Điều 鸣条 nay là phụ cận thành phố Khai Phong 开封Nam河南.
(6)- Hoài Nam Tử - Bản kinh huấn 淮南子 - 本经训
(7)- Châm Tầm 斟寻: nay là phía tây nam thành phố Duy Phường 潍坊Sơn Đông山东, cách không xa Châm Quán 斟灌một nước khác cùng tính với nhà Hạ. Châm Quán nay là phụ cận Thọ Quang 寿光Sơn Đông 山东. Nhị Châm là chỗ dựa chủ yếu của vương thất nhà Hạ sau khi Thái Khang mất nước. Từ Thái Khang đến em là Trung Khang cùng con của Trung Khang là Tương đều lưu vong tị nạn ở nhị Châm.
(8)- Hữu Nhưng thị 有仍氏, tên một nước cổ, cố chỉ tại Tế Ninh 济宁Sơn Đông 山东 hiện nay.
(9)- Hữu Ngu thị 有虞氏, tên một bộ lạc cổ.
(10)- Vương Hiến Đường 王献唐: Sơn Đông cổ quốc khảo 山东古国考, Tề Lỗ thư xã, 1983, trang 208
(11)- Hậu Hán thư – Đông di truyện 后汉书 - 东夷传
(12)- Tả truyện – Chiêu Công thập nhất niên 左传 - 昭公十一年

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 13/8/2014

Nguyên tác
ĐÔNG DI DÂN TỘC ĐÍCH THƯỢNG VÕ TRUYỀN THỐNG
东夷民族的尚武传统
Trong quyển
THANH ĐỒNG ĐÍCH CHIẾN THẦN
青铜的战神
Tác giả: Đồng Tích Cương 仝晰纲
Thượng Hải - Học Lâm xuất bản xã, 1999

0 nhận xét:

Đăng nhận xét