CÓ NHIỀU DỊ THỂ CHỮ “HỒI”
BÀN VỀ CHỮ “HỒI”
Hồi, chuyển dã
回, 转也
(Hồi là chuyển)
Mây trên trời có thể chuyển, gió có “tuyền phong” 旋风, nước có “hồi xuyên” 回川. Đại đệ tử của Khổng Tử 孔子 là Nhan Hồi 颜回 lấy “chữ uyên 渊làm tự, Uyên có nghĩa là nước xoay vòng”. Có thể thấy tự và danh của một người có liên quan với nhau. Từ Hạo 徐灏cho rằng chữ “hồi” 回 trong “hồi thuỷ” 回水là nghĩa gốc (1). Về sau “hồi” dẫn đến nghĩa xoay chuyển phương hướng, trở thành “hồi” trong “lai hồi” 来回 (đi và về). Vương Lực 王力 cho rằng chữ “hồi” thường thấy trong điển tịch thời Tiên Tần, nhưng “hồi” trong “lai hồi” thì đại khái mãi đến thời Đường mới sản sinh (2). “Hồi” lại phát triển nghĩa thành “hồi” trong hồi 1, hồi 2.
Chữ dị thể của “hồi” rất nhiều. Đối với chữ dị thể, nói chung biết thêm nhiều chữ là tốt, điều này giúp ích cho ta khi đọc cổ văn. Đương nhiên, không nên quá cường điệu việc biết chữ dị thể, bởi vì trong tiếng Hán chữ dị thể quả thực quá nhiều, sức người có hạn, có nhiều thứ khác cần để học, không thể vì nó mà hao tốn thời gian. Khổng Ất Kỉ 孔乙己 trong tiểu thuyết của Lỗ Tấn 鲁迅dạy anh chàng hầu bàn trong tiệm rượu nhận biết cách viết 4 chữ “hồi” 茴 trong “hồi hương đậu” 茴香豆không tránh khỏi cổ hủ. Thường thấy 3 loại đó là 茴, 囘, 囬 (*), còn loại thứ 4 như thế nào? Nghe nói, năm đó Hứa Quảng Bình 许广平 từng hỏi qua Lỗ Tấn, Lỗ Tấn chỉ cười mà không trả lời, cuối cùng ông hóm hỉnh nói rằng, “Bà đi hỏi Khổng Ất Kỉ đi”. Cách trả lời của Lỗ Tấn là có ý, bởi vì cách viết chữ “hồi” thứ 4 rất lạ, ít gặp, chỉ có Khổng Ất Kỉ cổ hủ mới biết. Trong các tự điển thông thường cũng khó mà tra thấy, chỉ có ở Khang Hi tự điển – Bị khảo 康熙字典 - 备考 mới có. Hoá ra nó là khung vuông bên ngoài, bên trong thêm chữ “mục” 目. Chữ này ở phần chú giải trong Lỗ Tấn toàn tập 鲁迅全集 bản mới đã chú rõ. Trong giáo trình trung học bản mới cũng có chú.
Chữ dị thể làm tăng thêm tính phức tạp cho tiếng Hán. Lấy chữ “hồi” mà nói, có 4 cách viết là 回, 囘, 囬 và chữ có chữ “mục” 目bên trong. 4 chữ này lại thêm bộ “thảo” 艹trên đầu, cũng 4 chữ đó lại thêm bộ “sách” 彳bên cạnh, rồi thêm bộ “dẫn” 廴 ở dưới, thêm bộ 3 chấm thuỷ 氵bên cạnh, thêm bộ “trùng” 虫, cũng có thêm bộ “nạch” 疒. Riêng với chữ 蛔(có bộ trùng) có chữ dị thể là 蛕, 蚘. Từ đó có thể thấy tính phức tạp của chữ dị thể. Quả thực chữ dị thể đã tăng thêm gánh nặng trong việc nhận biết chữ, rất bất lợi cho việc xây dựng văn hoá. Cho nên vào ngày 22 tháng 12 năm 1955, nhà nước công bố “Đệ nhất phê dị thể tự chỉnh lí biểu” 第一批异体字整理表 (phê chuẩn lần đầu bảng chỉnh lí chữ dị thể), phế bỏ 1055 chữ dị thể. Lấy chữ 回 bỏ chữ 囘, 囬; lấy chữ 蛔, bỏ chữ 蛕, 蚘, 痐; lấy chữ 迴 bỏ chữ 廻. Cách làm này đã được sự ủng hộ của mọi người. Trước mắt vẫn còn những chữ dị thể cần tiến một bước chỉnh lí. Ví dụ như “duyên cố” 缘故 viết thành “nguyên cố” 原故; “hại phạ” 害怕 viết thành “hãi phạ” 骇怕; “nhân tài” 人才 viết thành 人材. Cố nhiên chữ dị thể vẫn hữu dụng, đọc sách cổ không thể không biết chữ dị thể, nó có ý nghĩa trong việc tiếp thụ di sản văn hoá cổ đại. Nhưng ít nhất không thể tuỳ ý loạn tạo ra chữ dị thể, điều này quan hệ tới quy phạm “sức khoẻ” của văn tự ngôn ngữ, loạn tạo chữ dị thể là việc cần phản đối.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Từ Hạo 徐灏 Thuyết văn giải tự chú tiên 说文解字注笺:
Cổ văn hồi cái tượng thuỷ tuyền chuyển chi hình
古文回盖像水旋转之形
(2)- Vương Lực 王力 Đàm đàm học tập cổ đại Hán ngữ 谈谈学习古代汉语 30 hiệt “Tân huấn hỗ học” 新训诂学, Sơn Đông giáo dục xuấ bản xã 84 niên 5 nguyệt bản.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- Chữ 囘 và 囬 có bộ thảo đầu, như chữ 茴.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/8/2014
Nguyên tác Trung văn
HỒI TỰ DỊ THỂ ĐA
ĐÀM “HỒI”
回字异体多
谈 “回”
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã, 1998
0 nhận xét:
Đăng nhận xét