TRUYỀN THUYẾT NGƯU LANG, CHỨC NỮ VỚI TIẾT THẤT TỊCH
Đêm mồng 7 tháng 7 âm lịch gọi là “Thất tịch” 七夕, còn gọi là “Khất xảo tiết” 乞巧节, “Nữ nhi tiết” 女儿节. Đây là một lễ tiết đầy màu sắc lãng mạn trong những lễ tiết truyền thống của Trung Quốc, cũng là ngày mà các cô gái thời cổ coi trọng nhất. Ngoài tộc Hán ra, các dân tộc thiểu số khác như Mãn 满, Triều Tiên 朝鲜, Tráng 壮, Đồng 侗, Miêu 苗, Xa 畲 cũng có lễ tiết này.
Đêm mồng 7 tháng 7 âm lịch là đêm mà trong truyền thuyết Ngưu Lang 牛郎 và Chức Nữ 织女 gặp nhau. Tiết Thất tịch bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu cảm động về Ngưu Lang và Chức Nữ.
Trong đêm mùa hạ trời trong, chúng ta có thể nhìn thấy dải ngân hà lấp lánh nắm vắt ngang trên bầu trời theo hướng nam bắc. Hai bên bờ đông tây của dải ngân hà, có một cặp sao sáng cách bờ nhìn hướng vào nhau. Cả ngàn năm nay mọi người truyền nhau đây chính là sao Khiên Ngưu 牵牛và sao Chức nữ 织女.
Tương truyền, công chúa thứ 7 của Ngọc Hoàng Đại Đế là Chức Nữ rất muốn sống ở nhân gian. Một ngày nọ công chúa lén xuống trần và đã kết hôn với Ngưu Lang, chàng trai mà công chúa yêu mến. Hai người chung sống với nhau, trai cày gái dệt, tình ý dạt dào. Hai năm sau sinh được hai đứa con, họ sống một một sống tràn đầy hạnh phúc. Nhưng không ngờ, Ngọc Hoàng Đại Đế sau khi biết được con gái của mình kết hôn với người phàm vô cùng tức giận, hạ chỉ tróc nã Chức Nữ. Ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch, Vương Mẫu đem thiên binh thiên tướng đi bắt Chức Nữ đưa về trời. Ngưu Lang vô cùng đau khổ gánh hai đứa con đuổi theo. Khi sắp đuổi kịp Chức Nữ, Vương Mẫu liền lấy cây trâm ngọc trên đầu hướng về sau vạch một đường, lập tức trước mặt Ngưu Lang xuất hiện một dòng sông cuồn cuộn chảy, ngăn đường đi của Ngưu Lang. Chức Nữ và Ngưu Lang ở hai bờ thiên hà khóc nhìn nhau, không nỡ xa rời. Tình yêu kiên trinh này đã khiến chim hỉ thước cảm động, trong phút chốc vô số chim hỉ thước bay đến thiên hà nối thành chiếc cầu, cuối cùng Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau trên “thước kiều” 鹊桥. Từ đó về sau, vào đêm mồng 7 tháng 7 hàng năm Ngưu Lang Chức Nữ gặp một lần trên thước kiều, cùng nhau bày tỏ nỗi lòng.
Câu chuyện tình yêu cảm động này bắt đầu từ đời Hán, đời đời tương truyền trong dân gian, đi sâu vào lòng người. Hàng năm khi đến tiết Thất tịch, sao Khiên Ngưu và sao Chức Nữ đều toả sáng, lấp lánh suốt đêm, được hàng ngàn hàng vạn những người sùng thượng tình yêu kiên trinh cho rằng đó là những người yêu nhau được gặp lại sau một thời gian dài xa cách. Nhân đó, vào đêm mồng 7 tháng 7 âm lịch, các cô gái ra khỏi khuê phòng, đến dưới trăng, nhìn vào bầu trời đêm tìm sao Khiên Ngưu và sao Chức Nữ ở hai bên bờ ngân hà. Các cô gái đứng thật lâu, cầu khấn trời cao ban cho mình có được một tình yêu kiên trinh giống như tình yêu vô hạn của Ngưu Lang Chức Nữ.
Trăm ngàn năm nay, tiết Thất tịch cũng trở thành ngày lế tiết để các cô gái gởi gắm mộng tưởng ái tình, khát vọng được cùng với tình nhân gặp nhau, vì thế tiết Thất tịch cũng còn gọi là “Nữ nhi tiết”, “Cô nương tiết”, là lễ tiết mang đầy màu sắc lãng mạn trong lễ tiết truyền thống của Trung Quốc, nhân đó mà cũng còn được gọi là “Trung Quốc đích tình nhân tiết” 中国的情人节 (ngày lễ tình nhân của Trung Quốc)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 02/8/2014
Tiết Thất tịch năm Giáp Ngọ
Nguyên tác Trung văn
NGƯU LANG CHỨC NỮ ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT DỮ THẤT TỊCH
牛郎织女的传说与七夕
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
0 nhận xét:
Đăng nhận xét