About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Trâu Kị

TRÂU KỊ

          Trâu Kị 邹忌, không rõ năm sinh năm mất. Tể tướng thời Tề Uy Vương Điền Nhân Tề 田因齐, Tề Tuyên Vương Điền Tịch Cương 田辟疆. Kết cục không rõ.

          Trâu kị vóc dáng cao lớn, tướng mạo anh tuấn, bụng đầy kinh luân. Lúc bấy giờ Tề Uy Vương Điền Nhân Tề say đắm tửu sắc thanh nhạc, không để ý đến triều chính, trong khoảng thời gian 9 năm sau khi lên ngôi, nhiều lần bị các nước Hàn, Nguỵ, Triệu, Lỗ tấn công, luôn bị thất bại. Khoảng năm 348 trước công nguyên, Trâu Kị tự xưng giỏi đàn, nguyện đánh đàn cho Uy Vương nghe, lên trước cửa cầu kiến. Sau khi Uy Vương tiếp kiến, Trâu Kị từ lí luận về đàn phân tích đại thế trong thiên hạ cùng tệ đoan của nước Tề, khuyên Uy Vương lánh xa tửu sắc, phân biệt người trung kẻ gian, siêng năng chính sự yêu mến nhân dân, tăng cường chuẩn bị cho chiến tranh, chỉnh đốn nội chính, hướng ngoại phát triển, tranh đoạt thiên hạ, để thành nghiệp bá. Uy Vương vô cùng hân hoan, 3 tháng sau bái Trâu Kị làm Tướng quốc.
          Trâu Kị đột nhiên làm Tướng khiến danh sĩ Thuần Vu Khôn 淳于髡 không phục. Thuần Vu Không dẫn đệ tử đến nhà gây khó, liên tiếp đưa ra 5 vấn đề bí hiểm. Trâu Kị giải thích rõ ràng từng vấn đề một,Thuần Vu Khôn lúc bấy giờ mới phục liền bỏ đi. Kẻ sĩ du thuyết trong thiên hạ nghe tiếng Trâu Kị đa tài thiện biện nên trong nhất thời không dám đến nước Tề. Tề Uy Vương thu nạp kiến nghị của Trâu Kị, siêng năng triều chính, thâm nhập dân gian để hiểu rõ tình hình.
          Một buổi sáng sớm nọ sau khi thức dậy, Trâu Kị mặc áo mang đai chỉnh tề, soi gương ngắm mình, sau đó hỏi thê thiếp của mình:
          Ta với Từ Công phía bắc thành (mĩ nam nổi tiếng của nước Tề) ai anh tuấn hơn?
          Thê thiếp đều trả lời Trâu Kị hơn Từ Công. Hôm sau, có khách đến thăm, Trâu Kị cũng hỏi như thế. Khách cũng đáp rằng Trâu Kị hơn Từ Công. Mấy ngày sau, Từ Công đến nhà, Trâu Kị soi gương so sánh cảm thấy mình quả thực không bằng Từ Công, đồng thời hiểu được sự việc, liền vào triều bái kiến Uy Vương, cảm khái nói rằng:
          Thần biết mình không bằng Từ Công, nhưng thê tử yêu thần, tiểu thiếp sợ thần, còn khách muốn nhờ việc ở thần, nên đều đồng thanh khen thần anh tuấn  hơn Từ Công. Từ đó thần liên tưởng rằng, quốc cảnh nước Tề ngàn dặm, thành thị 120 toà, phi tần thân tín trong cung cùng triều thần đều sợ Đại vương, Đại vương rất dễ bị che mắt.
          Uy Vương tỉnh ngộ, quyết tâm làm mới chính trị, tiến cử hiền tài, nghe lời can gián, hạ lệnh cho quần thần lại dân, phàm trước mặt chỉ ra lỗi của bản thân mình sẽ thưởng vật phẩm thượng đẳng, những ai dâng thư nêu ý kiến sẽ thưởng vật phẩm trung đẳng; bất luận là tại triều hay ngoài triều, chỉ cần tích cực dâng lời can gián đều được thưởng vật phẩm hạ đẳng. Lệnh ban ra, tấp nập người đến can gián, nơi cửa cung náo nhiệt như ở chợ, khiến Tề Uy Vương hiểu được nhiều sự việc, nghe được không ít những kiến nghị nhắm vào tệ đoan lúc bấy giờ, Tề Uy Vương thu nạp hết. Một năm sau, cả quan lẫn dân không còn ý kiến để tâu, người trong nước cũng đồng lòng. Yên, Triệu, Hàn, Nguỵ nghe được dân nước Tề đồng lòng, sợ Tề báo thù nên đã lần lượt đến Tề triều bái.
          Đương thời, có quan đại phu ở Tức Mặc 即墨 (nay là phía đông nam huyện Bình Độ 平度 tỉnh Sơn Đông 山东), cai trị vùng đất của mình rất tốt, quan thanh liêm, dân giàu mạnh, khiến phía đông nước Tề rất yên ổn. Nhưng, do bởi ông không hối lộ cho những người thân tín Uy Vương nên những người này thường nói xấu ông với Uy Vương. Lại có vị A đại phu tham lam, khu vực ông cai trị ruộng vườn hoang vắng, bách tính nghèo khổ, khi nước Triệu đánh ấp Quyên lân cận, ông thấy chết mà không cứu, nước Vệ đánh chiếm vùng Tiết Lăng 薛陵phụ cận, ông không hay biết. Nhưng do ông hối lộ cho bọn tả hữu của Uy Vương, những người trước mặt Uy Vương khen ông là người hiền. Trâu Kị cảm thấy lời nói của những người này đáng nghi ngờ nên kiến nghị với Uy Vương sai người đến thực địa kiểm tra, mới biết rõ chân tướng. Uy Vương trọng thưởng cho quan đại phu ở Tức Mặc, xử tử A đại phu và những kẻ thân tín đã lừa dối mình. Từ đó ai cũng không dám lấy giả làm thực.
          Trâu Kị lại giúp Uy Vương sửa sang chính kỉ quân dung, thực hành pháp trị, khiến nước Tề ổn định trở thành cường quốc. Ông thụ phong ở đất Bi (nay là tây nam huyện Bi tỉnh Giang Tô), hiệu là Thành Hầu 成侯.
          Đương thời, Trâu Kị quản lí triều chính, danh tướng Điền Kị 田忌nắm giữ binh mã, hai người chính kiến không hợp, cùng loại trừ nhau. Môn khách Công Tôn Hãn 公孙闬 hiến kế:
          Tại sao tướng quốc không tấu thỉnh đại vương xuất binh đánh Nguỵ? Đánh thắng, công lao thuộc về ngài; nếu bại thì quy lỗi cho Điền Kị, nhân cơ hội đó giết ông ta đi.
          Trâu Kị nghe theo, tấu tỉnh phái Điền Kị 田忌, Điền Anh 田婴 làm tướng, Tôn Tẫn 孙膑 làm quân sư, phạt Nguỵ cứu Triệu, đánh bại quân Nguỵ ở trận chiến Mã Lăng 马陵. Tin thắng trận báo về, Trâu Kị lại bảo Công Tôn Hãn sai người ra chợ, giả mạo là người của thủ hạ Điền Kị, dùng 200 lượng vàng đến nhờ người xem bói, nói rằng Điền Kị chuẩn bị sau khi thừa thắng ở Mã Lăng sẽ mưu phản xưng vương, xin bói một quẻ xem thử cát hung. Công Tôn Hãn bắt người xem bói, người xem bói cung khai là Điền Kị chuẩn bị mưu phản. Trâu Kị theo đó tâu lên Uy Vương. Uy Vương muốn giết Điền Kị, Điền Kị đành phải hàm oan chạy trốn sang nước Sở. Trâu Kị tiếp quản binh quyền, từ đó quân chính đại quyền tập trung vào một người. Trâu Kị vẫn lo Điền Kị có ngày về lại nước Tề, nên đã đặc phái người du thuyết với vua Sở, nói rằng:
Như nay Trâu Kị và nước Sở đối địch, sợ Sở sẽ giúp Điền Kị về lại Tề. Nếu Sở phong Điền Kị đến Giang Nam để tỏ rõ Sở không giúp Điền Kị về lại Tề, Trâu Kị nhất định sẽ cảm tạ đại vương, quan hệ hai nước sẽ tốt đẹp.
Vua Sở nghe theo, quả nhiên phong Điền Kị đến Giang Nam, để ông ta định cư ở nước Sở, giải trừ được mối lo của Trâu Kị.
Sau khi Tề Tuyên Vương lên ngôi, Trâu Kị vẫn giữ chức Tướng quốc. Do bởi ông tiến cử nhiều người vào triều làm quan khiến cho Tề Tuyên Vương không hài lòng. Một vị đại thần khác là Án Thủ 晏首 lại rất ít tiến cử người làm quan, Tề Tuyên Vương rất thích người này. Trâu Kị dâng lời rằng:
Cùng với người chỉ có một người con hiếu thuận không bằng có năm người con đều hiếu thuận, nhân tài nhiều thì điều tốt được có nhiều, Nay Án Thủ tiến cử được mấy nhân tài?
Tề Tuyên Vương lúc này mới rõ, cách làm của Án Thủ sẽ lấp mất đường làm quan của nhân tài, còn cách làm của Trâu Kị là đạo lí của nước mạnh, từ đó càng tin tưởng Trâu Kị. Trâu Kị tiến thêm một bước tiến cử kẻ sĩ có tài sung vào các ti, giữ vững bốn cõi, khiến nước Tề ngày càng cường thịnh. Về sau kết cục của Trâu Kị như thế nào thì không rõ.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 01/8/2014

Nguyên tác Trung văn
TRÂU KỊ
邹忌
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét