About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Trung Quốc tứ đại xú nữ

TRUNG QUỐC TỨ ĐẠI XÚ NỮ

          Trong lịch sử Trung Quốc có tứ đại mĩ nữ là Tây Thi 西施, Chiêu Quân 昭君 Điêu Thiền 貂蝉, Quý Phi 贵妃. Tứ đại mĩ nữ này thường trở thành đối tượng ngâm vịnh khen hoặc chê của tao nhân mặc khách các đời. Trong lịch sử Trung Quốc cũng có tứ đại xú nữ, dung mạo tuy xấu nhưng lại có tài có đức. Đó là Mô mẫu 嫫母, Chung Li Xuân 锺离春, Mạnh Quang 孟光 và Nguyễn nữ 阮女. Họ thỉnh thoảng cũng xuất hiện dưới ngòi bút của các văn nhân.

Mô mẫu thời viễn cổ
          Người phụ nữ xấu xí nhất thời cổ phải nói đến Mô mẫu 嫫母. Vương Tử Uyên 王子渊 đời Hán trong Tứ tử giảng đức luận 四子讲德论 viết rằng:
Mô mẫu oa khôi, thiện dự giả bất năng yểm kì xú.
嫫母倭傀, 善誉者不能掩其丑
          (Mô mẫu vóc người to lùn, người mà giỏi khen cũng không thể giấu được chỗ xấu của bà ta)
Nhưng Mô mẫu lại là người hiền đức, Hoàng Đế 黄帝 cưới bà làm vợ. Hoàng Đế là thuỷ tổ của dân tộc Trung Hoa, truyền thuyết kể rằng, Hoàng Đế đánh bại Viêm Đế 炎帝, giết Xi Vưu 蚩尤 đều là nhờ có công giúp đỡ của Mô mẫu.

Chung Li Xuân thời Chiến Quốc
          Mọi người thường dùng câu “mạo tự Vô Diêm” 貌似无盐 (tướng mạo giống Vô Diêm) để hình dung người phụ nữ xấu xí. “Vô Diêm” 无盐 ở đây chỉ xú nữ Chung Li Xuân 锺离春 (1), người huyện Vô Diêm 无盐nước Tề thời Chiến Quốc (nay là phía đông huyện Đông Bình 东平 tỉnh Sơn Đông 山东). Trong sử sách nói bà “tứ thập vị giá” 四十未嫁 (40 tuổi vẫn chưa có chồng), “cực xú vô song” 极丑无双 (cực xấu không ai bằng). Mắt bà lõm sâu, bụng to có ngấn, cổ lộ cục yết hầu, nước da đen kịt. Nhưng bà lại rất quan tâm đại sự của quốc gia, từng tự mình đi yết kiến Tề Tuyên Vương, chỉ trích thẳng Tuyên Vương xa xỉ dâm dật và hủ bại. Tuyên Vương vô cùng cảm động, lập bà làm Hậu. Người đời Nguyên đem sự tích của bà viết thành tạp kịch, tán dương tinh thần xem việc trong thiên hạ là nhiệm vụ của mình của bà.

Mạnh Quang thời Đông Hán
          Thành ngữ “cử án tề mi” 举案齐眉 nói về câu chuyện giữa hiền sĩ Lương Hồng 粱鸿 với người vợ là Mạnh Quang 孟光thời Đông Hán.
          Tương truyền khi Mạnh Quang theo Lương Hồng đến đất Ngô làm mướn, mỗi khi Lương Hồng về nhà, Mạnh Quang đã chuẩn bị sẵn thức ăn, nâng chiếc án lên ngang tầm chân mày, biểu thị sự kính trọng người chồng. Vị hiền phụ này “thô lậu không ai bằng”, “mập xấu lại đen”. Truyền thuyết có kể, Lương Hồng trước khi cưới vợ, danh tiếng đã vang xa, nhiều nhà muốn gã con gái co nhưng Lương Hồng không chịu. Mạnh Quang khi chưa lấy chống, có người đến làm mai, nhưng Mạnh Quang không đồng ý, nói rằng: “nếu lấy chồng thì lấy người như Lương Hồng”.  Sau khi thành hôn, sang ngày thứ hai, Mạnh Quang thay y phục lụa là gấm vóc, mặc vào loại vải thô, chăm lo việc gia đình. Sau theo Lương Hồng đến ẩn cư trong núi Bá Lăng 霸陵, chồng cày vợ dệt, cùng ngâm thơ đàn hát, vợ chồng xướng hoạ, sống một cuộc sống tuy nghèo nhưng hạnh phúc.

Nguyễn nữ thời Đông Tấn
          Hứa Doãn 许允 thời Đông Tấn cưới con gái của Nguyễn Đức Uý 阮德慰 làm vợ. Đêm động phòng hoa chúc, Hứa Doãn phát hiện cô gái nhà họ Nguyễn này dung mạo xấu xí vội bỏ chạy ra khỏi phòng, từ đó không chịu vào. Về sau người bạn của Hứa Doãn là Hoàn Phạm 桓范 đến thăm, nói với Hứa Doãn rằng:
- Nhà họ Nguyễn đã gã cô con gái xấu xí cho anh tất có nguyên nhân, anh nên tìm hiểu xem thử.
Hứa Doãn nghe theo lời Hoàn Phạm vào phòng. Hứa Doãn chỉ thấy dung mạo xấu xí của vợ định bước ra. Người vợ níu lại. Hứa Doãn vừa vùng vẫy vừa hỏi người vợ rằng:
- Đàn bà có “tứ đức”, nàng được mấy đức?
Người vợ đáp rằng:
- Thiếp chỉ thiếu mĩ dung. Còn những người đọc sách có “bách hạnh”, chàng được mấy điều?
Hứa Doãn đáp rằng:
- Ta có đủ bách hạnh.
Người vợ nói:
- Bách hạnh lấy đức làm đầu, chàng hiếu sắc mà không hiếu đức, sao lại cho là có đủ?
Hứa Doãn không trả lời được.
Từ đó hai vợ chồng tương thân tương ái, tình cảm ngày càng sâu đậm.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Chung Li Xuân 锺离春: họ là Chung Li 锺离, tên là Xuân , vì là người ở Vô Diêm 无盐nên cũng được gọi là Chung Vô Diêm. Về sau ngoa truyền biến thành Chung Vô Diễm 锺无艳. Mọi người thường gọi là Chung Vô Diệm.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 25/8/2014

0 nhận xét:

Đăng nhận xét