About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Công chúa Diệu Thiện và chùa Hương Sơn ...

CÔNG CHÚA DIỆU THIỆN VÀ CHÙA HƯƠNG SƠN
CÓ LIÊN QUAN GÌ?

          Sau khi tín ngưỡng Quán Âm truyền đến đông thổ đã kết hợp chặt chẽ với văn hoá dân gian Trung Quốc. Câu chuyện về công chúa Diệu Thiện 妙善đã được văn nhân ghi chép lại và khắc vào bia chùa Hương Sơn 香山, sau đó dần phát triển thành truyền kì hí kịch, trở thành câu chuyện hấp dẫn mọi người.

Công chúa thứ ba của Diệu Trang Vương
          Truyền thuyết kể rằng, thời cổ Diệu Trang vương 妙庄王có 3 người con gái, đó là Diệu Nhan 妙颜, Diệu Âm 妙音 và Diệu Thiện 妙善. Công chúa thứ ba Diệu Thiện thông minh xinh đẹp, từ nhỏ đã dốc lòng tin theo Phật pháp. Khi đến tuổi lập gia đình, phụ vương muốn Diệu Thiện kết hôn, nhưng Diệu Thiện  quyết lòng cắt tóc xuất gia. Diệu Trang Vương tức giận, đuổi Diệu Thiện ra khỏi cung. Diệu Thiện quyết tâm quy y cửa Phật, nên đến am Thanh Tú 清秀 trong rừng sâu để tu hành. Diệu Trang Vương phát hiện con gái xuất gia, lửa giận bốc lên, đem quân tróc nã, đưa về kinh thành chặt đầu để thị chúng, khiến linh hồn Diệu Thiện rơi xuống địa ngục.
          Ngọc Hoàng Đại Đế biết chuyện, lệnh sai Diêm La Vương cứu linh hồn Diệu Thiện, cho sống lại tu hành trong rừng trúc ở Hương Sơn. Từ dó Diệu Thiện  phổ độ chúng sinh, hành thiện khắp thiên hạ, thị hiện thành Quán Thế Âm Bồ Tát.
          Về sau, Diệu Trang Vương mắc phải bệnh nặng, chửa trị mãi mà không  khỏi, ngự y nói rằng cần phải có tay và mắt của người thân mới có thể cứu được. Trước tình hình đó, người con gái lớn là Diệu Nhan và người con gái thứ hai là Diệu Âm không chịu dâng tay và mắt mình. Sau khi Diệu Thiện biết được, Diệu Thiện không hề nghĩ đến cái ác cũ của phụ thân, liền khoét lấy đôi mắt của mình, chặt đứt đôi tay của mình, chế thành thuốc cứu sống phụ thân. Diệu Trang Vương biết được vô cùng hổ thẹn. Để kỉ niệm người con gái của mình, ông cho mời thợ đến tạc một pho tượng Quán Thế Âm “toàn nhãn toàn thủ”. Kết quả, người thợ nghe nhầm, nghe thành “thiên nhãn thiên thủ”, vì thế đã tạc nên pho tượng Quán Âm thiên nhãn thiên thủ (Diệu Thiện).

Nguồn gốc của truyền thuyết Diệu Thiện
          Câu chuyện Diệu Thiện được hình thành vào đầu thế kỉ 12 thời Bắc Tống. Trong Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát đắc đạo viễn chinh quả sử thoại bi 大悲观世音菩萨得道远征果史话碑 của Thái Kinh 蔡京 ở chùa Hương Sơn 香山 huyện Bảo Phong 宝丰tỉnh Hà Nam 河南 có chép câu chuyện này. Đương thời, Hàn lâm học sĩ Tưởng Chi Kì 蒋之奇 bị triều đình biếm đi trấn giữ huyện Nhữ , vô tình đến chơi chùa Hương Sơn, lễ bái Quán Âm thiên thủ thiên nhãn nổi tiếng khắp vùng, lần đầu tiên nghe được câu chuyện công chúa Diệu Thiện. Về sau khi nhậm chức Tri phủ Hàng Châu 杭州, Tưởng Chi Kì đã đem câu chuyện này đến Hàng Châu đồng thời cho khắc vào bia dựng tại chùa Thiên Trúc 天竺, khiến câu chuyện về công chúa Diệu Thiện rất nhanh chóng được lưu truyền trong dân gian.
          Từ thế kỉ 12 thời Bắc Tống cho đến thời Minh Thanh sáu bảy trăm năm,  do sự truyền bá của văn học dân gian, bảo quyển 宝卷 (1) cùng hí kịch truyền thống, truyền thuyết về Diệu Thiện trở thành câu chuyện Quán Âm trong dân gian. Trong đó nổi tiếng nhất có Hương Sơn bảo quyển 香山宝卷, Nam Hải Quán Âm toàn truyện 南海观音全传 (cuối thế kỉ 16) cùng với vở kịch truyền kì Hương Sơn kí 香山记 khoảng thời Vạn Lịch 万历 nhà Minh.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Bảo quyển宝卷: một loại văn học kể chuyện xen với hát, văn vần kết hợp với văn xuôi phát triển từ biền văn thời Đường và lối giảng kinh của các nhà sư thời Tống ở Trung Quốc.
          (Từ điển Trung Việt, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992)

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 22/8/2014

Nguyên tác Trung văn
 TRUNG QUỐC DÂN GIAN THỤC TẤT ĐÍCH DIỆU THIỆN CÔNG CHÚA
 DỮ HƯƠNG SƠN TỰ HÀ HỮU QUAN LIÊN?
中国民间熟悉的妙单公主与香山寺有何关联?
Trong quyển
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002

0 nhận xét:

Đăng nhận xét