PHONG TỤC THẤT TỊCH CÁC NƠI Ở TRUNG QUỐC
Trong những phong tục Thất tịch 七夕, phong tục có thời gian lưu truyền lâu nhất, phạm vị lưu truyền rộng nhất thuộc về “khất xảo” 乞巧(xin được khéo tay). Tại các vùng khác nhau, phương thức khất xảo và nội dung trong ngày Thất tịch cũng khác nhau. Vùng Tấn nam có tập tục dùng rơm lúa mạch mới của năm đó bện thành chiếc cầu, còn có các hình Ngưu Lang, Chức Nữ, bé trai, bé gái, con trâu, chim hỉ thước … bện bằng rơm đặt ở đầu chiếc án, hoặc dùng giấy màu cắt thành những hình đó dán trên tường. Sau khi khấn nguyện xong, lấy ra 7 cây kim thêu, dùng chỉ màu xuyên qua lỗ kim, nếu xỏ qua 7 cây một cách thuận lợi thì xem như đã xin được sự khéo tay.
Vùng Hàng Châu 杭州, Ninh Ba 宁波, Ôn Châu 温州 của Triết Giang 浙江, vào ngày mồng 7 tháng 7 mọi người dùng bột làm thành những chiếc bánh có hình tròn nhỏ cho vào trong dầu chiên lên gọi là “xảo quả” 巧果. Buổi tối nơi sân quét dọn sạch sẽ, bày ra xảo quả, gương sen, ngó sen, củ ấu … bà con bạn bè ngồi quây quần bên nhau, các cô gái đối mặt với trăng xỏ kim “khất xảo”.
Vùng nông thôn Thiệu Hưng 绍兴 vào ngày Thất tịch, vào lúc nửa đêm, nhiều thiếu nữ núp vào chỗ tối để lén nghe những lời thủ thỉ của Ngưu Lang Chức Nữ khi gặp nhau trên cầu ô, tục gọi là “ thính thiên ngữ” 听天语. Tương truyền cô gái nào nghe được những lời thủ thỉ của họ, ngày sau nhất định sẽ có được một tình yêu kiên trinh ngàn năm không thay đổi.
Tại Phúc Kiến 福建 vào ngày mồng 7 tháng 7, nhiều người chuẩn bị thực phẩm dâng lên Chức Nữ, cầu xin Chức Nữ ban cho năm tới dưa trái được mùa. Mọi người thay nhau cúng bái trước án, có người xin khéo tay, có người xin con, có người xin được sống thọ, cũng có người xin về tình duyên.
Thời cổ, ngày Thất tịch còn có tập tục phơi áo, phơi sách. Theo truyền thuyết làm như thế có thể tránh được mối mọt. Nguyễn Hàm 阮咸, một trong “Trúc lâm thất hiền” thời Đông Tấn, gia cảnh bần hàn, ngày mồng 7 tháng 7 thấy nhà người phơi lụa là trong sân, ông cũng lấy chiếc tạp dề ra phơi. Có người hỏi ông lí do, ông đáp rằng: “Chưa thể tránh được tập tục”. Nhà tuy không có gì để phơi, nhưng vẫn không thể tránh được thế tục, đành phải làm như thế. Còn như phơi sách, trong Thế thuyết tân ngữ 世说新语 có thuật lại câu chuyện thú vị: vào ngày mồng 7 tháng 7, Hác Long 郝隆nằm phơi bụng dưới ánh mặt trời. Mọi người thấy kì lạ liền đến hỏi. Hác Long đáp rằng: “Ta đang phơi sách” (1).
Phong tục thất tịch nhiều thú vị ở các nơi đã tăng thêm sắc thái phong phú cho lễ tiết dân gian của Trung Quốc.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Trong Thế thuyết tân ngữ - Bài điệu 世说新语 - 排调có ghi:
Hác Long thất nguyệt thất nhật xuất nhật trung ngưỡng ngoạ, nhân vấn kì cố, đáp viết: “Ngã sái thư”.
郝隆七月七日出日中仰卧, 人问其故, 答曰: “我晒书”
(Ngày mồng 7 tháng 7, Hác Long ra khỏi nhà nằm ngửa bụng dưới ánh nắng mặt trời, mọi người hỏi lí do, ông ta đáp rằng: “Ta đang phơi sách.”
(Thiểm Tây lữ du xuất bản xã, 2002)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 03/8/2014
Nguyên tác Trung văn
CÁC ĐỊA ĐÍCH THẤT TỊCH PHONG TỤC
各地的七夕风俗
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
0 nhận xét:
Đăng nhận xét